Triệu chứng và nguyên tắc điều trị viêm phổi nặng tại bệnh viện

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Triệu chứng và nguyên tắc điều trị viêm phổi nặng tại bệnh viện
Viêm phổi khi chuyển biến nặng thì việc đưa vào bệnh viện để điều trị là cấp bách. Vậy các bác sỹ sẽ điều trị viêm phổi nặng như thế nào?


1. Những triệu chứng của viêm phổi nặng

1.1. Triệu chứng ở trẻ em

Thở nhanh là biểu hiện rõ ràng nhất của viêm phổi. Bạn có thể đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên hoặc khi ngủ và phải đếm trong 1 phút. Muốn cho kết quả chính xác thì đếm 2 - 3 lần. Theo tiêu chuẩn của WHO, trẻ dưới 5 tuổi thở nhanh như sau:

     - Nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi

     - Nhịp thở từ 50 lần/phút trở lên đối với trẻ 2 tháng - 12 tháng tuổi

     - Nhịp thở từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ 1 - 5 tuổi.  

Triệu chứng viêm phổi nặng còn bao gồm dấu hiệu rút lõm lồng ngực. Để phát hiện dấu hiệu này cần nhìn vào phần dưới lồng ngực (1/3 dưới) có lõm vào khi trẻ hít vào không. Riêng trẻ dưới 2 tháng tuổi nếu chỉ rút lõm lồng ngực nhẹ thì chưa có giá trị phân loại vì lồng ngực của trẻ nhỏ còn mềm, nên khi thở bình thường cũng có thể hơi bị rút lõm. Do đó, chỉ khi trẻ bị rút lõm lồng ngực sâu thì mới có thể dự đoán đó là viêm phổi.

Sốt cao là triệu chứng viêm phổi nặng thường gặp nhất. Ngoài ra, cần chú ý các biểu hiện khác như: Trẻ có ho hoặc khó thở, xuất hiện ít nhất 1 trong các biểu hiện: tím tái, co giật, lơ mơ hoặc hôn mê; bỏ bú hoặc nôn ra tất cả mọi thứ; suy hô hấp nặng…  

1.2. Triệu chứng ở người lớn

Người bị viêm phổi thường sẽ có cảm giác đau tức ngực do phổi bị tổn thương, kéo theo đó là tình trạng  khó thở nhẹ hoặc nặng. Những người bị viêm phổi thì thường ho thành cơn và ho có đờm. Quan sát dịch tiết đờm nếu có màu rỉ sắt, đờm màu xanh, vàng, đôi khi có mủ, mùi hôi thì rất có thể đó là viêm phổi.

Bên cạnh đó, người bị viêm phổi thường sốt thành cơn hoặc liên tục cả ngày kèm theo rét run, khó thở, đau ngực, sốt kéo dài 38,5 độ hoặc hơn, kèm ra nhiều mồ hôi. Ngoài việc sốt cao, nếu thấy người bệnh có hiện tượng da đỏ lên, nóng ran, tím môi, tím đầu chi hoặc suy hô hấp. Gia đình cần đưa ngay người thân của mình đến các cơ sở y tế gần nhất vì người bệnh đã có nguy cơ bị viêm phổi nặng.

2. Những nguyên tắc của bác sỹ khi điều trị viêm phổi nặng

Những nguyên tắc được áp dụng khi điều trị viêm phổi nặng theo phác đồ chuẩn đoán và điều trị viêm phổi bệnh viện của Bệnh viện Hữu Nghị. Ngoài viêm phổi nặng, nguyên tắc này áp dụng cho viêm phổi bệnh viện (nhiễm viêm phổi sau 48h nhập viện) và viêm phổi liên quan đến thở máy (nhiễm viêm phổi sau 48h đặt máy thở).

2.1. Chuẩn đoán

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm phổi bao gồm: Hình ảnh thâm nhiễm phổi mới hoặc tiến triển và có ít nhất hai trong số các tiêu chuẩn lâm sàng sau:

         - Sốt > 38.2C hoặc hạ nhiệt độ cơ thể.

         - Tăng số lượng bạch cầu >10G/l hoặc giảm bạch cầu < 4 G/l.

         - Chất tiết phế quản hoặc đờm mủ và tình trạng o xy hóa máu tồi đi.

Tiếp theo thực hiện chuẩn đoán nguyên nhân bằng cách nuôi cấy tìm nguyên nhân vi sinh và làm khánh sinh đồ. Cuối cùng chuẩn đoán phân biệt, xác định căn nguyên có phải do nhiễm khuẩn không, và nếu có thì thuộc loại nào?

2.2. Điều trị

Sau khi đã lấy bệnh phẩm đường hô hấp và cấy máu sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ đề kháng kháng sinh:

         - Đã dùng kháng sinh trong vòng 90 ngày trước đó.

         - Nhập viện điều trị nội trú trong vòng 90 ngày trước đó.

         - Đang nhập viện > 5ngày.

         - Thông khí nhân tạo > 7 ngày.

         - Bệnh lý suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị các thuốc ức chế miễn dịch.

         - Đang điều trị dài ngày tại các cơ sở lọc máu hoặc cơ sở y tế tại cộng đồng.

       - Tiền sử có những đợt mắc các nhiễm khuẩn kháng kháng sinh tại cộng đồng hoặc tại các khoa hồi sức tích cực.

Tuỳ theo nguy cơ có kháng kháng sinh hay không từ đó lựa chọn loại kháng sinh phù hợp để điều trị.

2.3. Đánh giá kết quả

Sau khi có kết quả nuôi cấy vi sinh, nếu triệu chứng thuyên giảm, nuôi cấy âm tính xét ngừng kháng sinh. Nếu triệu chứng không thay đổi, điều chỉnh thang kháng sinh, thời gian sử dụng kháng sinh từ 7-8 ngày hoặc 15 ngày tuỳ loại vi khuẩn.


Tác giả: hoanglan.ngonguyen