Triệu chứng khó thở hụt hơi: Coi chừng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm

Triệu chứng khó thở hụt hơi: Coi chừng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm
Nhiều người cho rằng triệu chứng khó thở hụt hơi là biểu hiện của tuổi già hay sự căng thẳng, lo âu. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng vì rất có thể đây là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Không ít người hoang mang vì triệu chứng khó thở hụt hơi thường xuất hiện một cách bất ngờ. Đây có thể là dấu hiệu thông thường do việc tập luyện gây ra. Tuy nhiên, không được chủ quan vì khó thở hụt hơi rất có thể là triệu chứng của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

1. Triệu chứng khó thở hụt hơi là dấu hiệu của bệnh gì?

1.1. Hụt hơi, khó thở do triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Đừng coi thường nếu xuất hiện triệu chứng khó thở hụt hơi vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khi người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đường thở bị thu hẹp lại hoặc xảy ra tình trạng co thắt dẫn tới tình trạng hụt hơi, khó thở. Cần lưu ý, bệnh nhân có thể bị khó thở, hụt hơi ngay cả khi đang nghỉ ngơi, không lao động nặng nhọc hay làm việc quá sức.

Bên cạnh triệu chứng khó thở hụt hơi, bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính có thể đối mặt với các dấu hiệu khác như ho có đờm, thở khò khè, ho liên tục, cảm giác nặng tức ngực...Vì thế, ngay khi bị khó thở, hụt hơi thì nên đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

1.2. Viêm phổi

Khó thở hụt hơi là dấu hiệu của bệnh gì? Một trong những nguyên nhân đó là viêm phổi.

Sau khi các loại virus, vi khuẩn xâm nhập, tấn công vào cơ thể, trong khoảng từ vài ngày đến 1 tuần tùy các tác nhân, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bất thường như khó thở, thở hụt hơi.

Triệu chứng khó thở hụt hơi: Coi chừng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 1.

Khó thở hụt hơi có thể là dấu hiệu của viêm phổi - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Các dấu hiệu viêm phổi thường gặp là gì?

Ho do Covid-19 thường kéo dài bao lâu? So sánh với các cơn ho khác

Nguyên nhân của triệu chứng này là do tình trạng viêm nhiễm phổi khiến cho các túi khí ở phổi bị lấp đầy, đường thở sưng to và hẹp hơn khiến bệnh nhân bị khó thở. Bên cạnh triệu chứng khó thở hụt hơi, bệnh nhân bị viêm phổi có thể xuất hiện các triệu chứng khác như ho, sốt, nôn mửa…

1.3. Khó thở hụt hơi là dấu hiệu của bệnh gì? Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi xảy ra khi một cục máu đông đi từ một phần khác của cơ thể (thường là chân) đến phổi. Thuyên tắc phổi có thể gây nên triệu chứng khó thở hụt hơi một cách đột ngột và nghiêm trọng, đi kèm theo đó là các dấu hiệu đau ngực và ho ra máu.

Cần lưu ý, thuyên tắc phổi là tình trạng có khả năng gây tử vong và cần được điều trị ngay lập tức.

1.4. Triệu chứng khó thở hụt hơi là dấu hiệu của sốc phản vệ

Đừng bỏ qua dấu hiệu bị khó thở hụt hơi vì đây có thể là dấu hiệu của tình trạng bị sốc phản vệ nguy hiểm. Trên thực tế, nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng sốc phản vệ là khi cơ thể bị một số chất dị ứng xâm nhập, đặc biệt là nọc độc từ một số loại côn trùng hay phản ứng dị ứng với một số loại thuốc nhất định.

Khi bị sốc phản vệ, bệnh nhân cũng có nguy cơ cao bị khó thở, hụt hơi, kèm theo đó là các dấu hiệu buồn nôn, tiêu chảy và ngứa.

1.5. Các vấn đề về tim mạch

Ngoài những vấn đề về phổi như viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính như đã nói ở trên, tình trạng khó thở hụt hơi cũng có thể là do những bệnh lý về tim mạch gây ra, điển hình nhất là tình trạng suy tim. Nguyên nhân là vì tim và phổi có mối liên quan rất mật thiết, khi phổi có những vấn đề bất thường thì hoạt động củatim cũng bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, khi tim gặp vấn đề, bị cản trở khả năng bơm máu, cơ thể bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động hô hấp. Vì thế, triệu chứng khó thở hụt hơi có thể là dấu hiệu của các bệnh về tim mạch.

1.6. Khó thở hụt hơi do hen suyễn

Hen suyễn cũng là một trong những bệnh lý có triệu chứng khó thở hụt hơi. Người bệnh bị hen suyễn có đường hô hấp bị thu hẹo, khiến quá trình lưu thông không khí ở bên trong và bên ngoài cơ thể trở nên khó khăn hơn, từ đó dẫn đến dấu hiệu khó thở, thở không ra hơi.

Cần lưu ý triệu chứng khó thở hụt hơi do bệnh hen suyễn có thể xảy ra ở mọi đối tượng, mọi độ tuổi. Trong hầu hết các trường hợp, hen suyễn tiến triển thành bệnh mạn tính.

1.7. Khó thở hụt hơi là triệu chứng của ngộ độc khí Carbon Monoxide (CO)

Khí Carbon Monoxide là một khí không màu, không mùi, không vị và thường tồn tại trong không gian nhỏ hẹp, kín và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Khi khí CO xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ thay thế oxy để tồn tại trong các tế bào máu, khiến người bệnh xuất hiện triệu chứng khó thở, đau đầu. Nguy hiểm hơn, trong trường hợp hít phải lượng khí CO lớn có thể dẫn tới ngộ độc và tử vong.

1.8. Thiếu máu

Khó thở hụt hơi là triệu chứng của bệnh gì? Câu trả lời có thể là do thiếu máu. Khi bị thiếu máu, người bệnh sẽ không có đủ tế bào hồng cầu mang oxy cho cơ thể. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh cảm thấy bị khó thở, thở hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt.

Triệu chứng khó thở hụt hơi: Coi chừng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 2.

Thiếu máu là một trong những nguyên nhân gây khó thở hụt hơi - Ảnh Internet.

Thiếu máu là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Phương pháp điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Trong đó, chế độ ăn thực phẩm chứa nhiều sắt là giải pháp tốt cho những bệnh nhân thiếu máu.

Trên đây là những bệnh lý nguy hiểm có triệu chứng khó thở hụt hơi. Bên cạnh đó, khó thở hụt hơi có thể là do hóc dị vật, bị huyết áp thấp, gãy xương sườn, béo phì, căng thẳng, lo âu...Để biết được chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng khó thở hụt hơi, người bệnh cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín.

2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ khó thở hụt hơi

Trên thực tế, các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc triệu chứng khó thở hụt hơi:

- Cơ yếu, đặc biệt là những cơ liên quan tới hệ hô hấp.

- Nồng độ hemoglobin có trong máu thấp.

- Hút thuốc lá.

- Ô nhiễm không khí.

Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ khó thở, hụt hơi, gây ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy, để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng khó thở hụt hơi, cần tránh xa khói thuốc lá và những nơi có chỉ số ô nhiễm không khí cao, thực hiện lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, cần đi khám và chữa trị các bệnh lý dẫn tới triệu chứng khó thở, hụt hơi.

3. Khó thở hụt hơi có nguy hiểm không?

Bị khó thở hụt hơi có nguy hiểm không là băn khoăn của rất nhiều người. Các bác sĩ cho biết khó thở hụt hơi đôi khi chỉ là dấu hiệu thông thường trong khi tập luyện hoặc làm việc quá sức. Tuy nhiên, khó thở hụt hơi cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm như đã liệt kê ở trên.

Cần lưu ý, trong một vài trường hợp, khó thở đột ngột cần cấp cứu ngay lập tức khi có liên quan tới đau tim, cục máu đông trong phổi hoặc các vấn đề với động mạch chủ.

Vì thế, ngay khi bị khó thở, hụt hơi, tốt nhất là đi thăm khám để tìm ra nguyên nhân cơ bản và điều trị kịp thời.

Vậy khó thở hụt hơi khi nào cần đi khám? Các bác sĩ cho biết với những trường hợp có triệu chứng khó thở hụt hơi kèm theo một trong các dấu hiệu sau cần đi khám ngay lập tức:

- Vẫn khó thở ngay cả khi đã nghỉ ngơi 30 phút.

- Mắt cá chân và bàn chân bị sưng phù.

- Cảm giác ớn lạnh, nhiệt độ cơ thể tăng cao.

- Ho, thở khò khè hoặc tiếng như huýt sáo khi hít vào vầ thở ra. Thở có âm thanh the thé.

- Môi hoặc đầu ngón tay xanh.

- Tình trạng khó thở vẫn trầm trọng ngay cả khi dùng ống hít hỗ trợ.

- Đau ngực, có áp lực trong ngực.

- Buồn nôn, nôn.

- Choáng váng, ngất xỉu.

4. Hỗ trợ điều trị triệu chứng khó thở hụt hơi tại nhà

Nếu như khó thở hụt hơi không phải là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm, tiêu biểu là bệnh tim mạch, bệnh phổi, hen suyễn thì khi bị khó thở hụt hơi, có thể áp dụng các biện pháp đơn giản tại nhà dưới đây để nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng khó chịu này.

4.1. Thở mím môi

Thở mím môi là cách đơn giản để làm chậm nhịp thở, giúp mỗi hơi thở sâu hơn, hiệu quả hơn. Đây cũng là cách giúp giải phóng không khí bị mắc kẹt trong phổi. Có thể áp dụng phương pháp thở mím môi này bất cứ khi nào cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi cúi người, nâng vật nặng, leo cầu thang.

Cách thực hiện thở mím môi hỗ trợ điều trị khó thở hụt hơi cũng khá đơn giản. Theo đó, chỉ cần thư giãn cơ cổ và vai, sau đó từ từ hít vào bằng mũi trong hai lần đếm, cứ mím môi như sắp huýt sáo rồi thở ra từ từ, nhẹ nhàng qua đôi môi mím và đếm đến 4 là được.

Triệu chứng khó thở hụt hơi: Coi chừng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 3.

Thở mím môi có thể giúp làm giảm triệu chứng khó thở hụt hơi - Ảnh Internet.

4.2. Ngồi cúi đầu về phía trước, dựa vào bàn

Tư thế ngồi cúi đầu về phía trước dựa vào bàn giúp cơ thể thoải mái để lấy hơi. Các chuyên gia khuyến cáo nên kê đầu trên cẳng tay hoặc trên gối.

4.3. Đứng dựa hông vào tường

Tư thế đứng sẽ giúp việc hít thở dễ dàng hơn. Theo đó, khi bị khó thở hụt hơi, chỉ cần đứng gần tường và tựa hông vào tường. Sau đó, để chân rộng bằng vai và đặt tay lên đùi. Tiếp tục, thả lỏng vai, hơi nghiêng người về phía trước và dang hai tay ra phía trước mặt.

4.4. Nằm với tư thế thoải mái

Khi có triệu chứng khó thở hụt hơi, hãy thử nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai chân và kê cao đầu bằng gối, giữ lưng thẳng. Hoặc cũng có thể nằm ngửa, kê cao đầu và gập đầu gối, kê một chiếc gối dưới đầu gối.

4.5. Sử dụng quạt

Các nghiên cứu cho thấy không khí mát mẻ có thể giúp giảm khó thở. Theo đó, khi bị khó thở, có thể hướng một chiếc quạt cầm tay nhỏ về phía mặt có thể giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu này.

Cần lưu ý, đây chỉ là những phương pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng khó thở hụt hơi. Các bác sĩ khuyến cáo, tốt nhất, khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể nên đến bệnh viện để được thăm khám.

Như vậy, triệu chứng khó thở hụt hơi có thể đơn giản chỉ là dấu hiệu thông thường sau khi luyện tập hoặc leo cầu thang. Tuy nhiên, khó thở hụt hơi cũng có thể là triệu chứng cảnh báo những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đã nêu ở trên. Vì thế, ngay khi có triệu chứng này, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Ngoài ra, các bác sĩ cho biết có thể phòng ngừa triệu chứng khó thở hụt hơi bằng cách phòng ngừa các nguyên nhân dẫn tới khó thở hụt hơi. 

Cụ thể, cần thực hành lối sống lành mạnh, phòng tránh các bệnh lý về phổi, huyết áp tim mạch bằng các hành động như tránh xa thuốc lá, tránh tiếp xúc và làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, tránh tiếp xúc với thời tiết khắc nghiệt như quá nóng, quá lạnh, thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học...để tăng cường sức đề kháng, ngăn chặn các vấn đề sức khỏe tiêu cực có thể xảy ra.

Triệu chứng khó thở hụt hơi: Coi chừng là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 5.


https://suckhoehangngay.vn/trieu-chung-kho-tho-hut-hoi-coi-chung-la-dau-hieu-cua-benh-ly-nguy-hiem-20220110081126964.htm
Tác giả: Ngọc Điệp