Thấp tim có thể gặp ở bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính nhưng nhìn chung xuất hiện phổ biến nhất ở độ tuổi từ 5 – 15 tuổi. Theo một thống kê, ở Việt Nam tỷ lệ thấp tim ở trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 0,45%. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh thấp tim ở trẻ em thường khó nhận biết.
- Viêm tim là triệu chứng lâm sàng chính của bệnh thấp tim. Xảy ra trên 50% bệnh nhân bị thấp khớp cấp. Thường viêm toàn bộ tim, ảnh hưởng đến nội tâm mạc, cơ tim và màng ngoài tim với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau. Viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim ít khi xuất hiện mà không có viêm nội tâm mạc đi kèm.
Viêm tim là triệu chứng lâm sàng chính của bệnh thấp tim
Thường thì viêm tim không rầm rộ trong đợt cấp (chủ yếu để lại di chứng sau này) và triệu chứng liên quan tổn thương van có thể nhẹ và thoáng qua nên nếu nghe tim không kỹ sẽ khó phát hiện. Vì thế, cần khám lâm sàng, làm điện tim và siêu âm tim nhiều lần trên một bệnh nhân bị sốt thấp mới có thể giúp chẩn đoán được tổn thương tim.
+ Triệu chứng cơ năng: khó thở, nặng ngực, đau ngực kiểu màng phổi, ho.
+ Khám thực thể: Thường nhất là xuất hiện âm thổi mới hay thay đổi âm thổi: âm thổi toàn tâm thu ở mỏm do hở van 2 lá, âm thổi tâm trương ở mỏm (Carey-Coombs) khi hở van 2 lá nặng (hẹp 2 lá tương đối), âm thổi tâm trương ở đáy tim do hở van động mạch chủ.
- Suy tim: do viêm cơ tim hay viêm van tim. Biểu hiện: nhịp tim nhanh (có thể chỉ do sốt), ngựa phi T3, khó thở khi nằm đầu thấp, ran ẩm ở phổi, tĩnh mạch chủ nổi, gan to, phù chi…
Viêm màng ngoài tim: tiếng cọ màng tim, tiếng tim mờ (khi có tràn dịch màng tim).
- Viêm khớp:
+ Thường là biểu hiện sớm nhất và thường gặp nhất trong bệnh thấp nhưng lại ít đặc hiệu nhất.
+ Đặc điểm là viêm đa khớp, không đối xứng và có tính "di chuyển". Các khớp lớn như gối, mắt cá, khủy, cổ tay thường bị. Đôi khi cũng có thể gặp dạng viêm đơn khớp. Viêm khớp thường gặp và thường bị nặng trên trẻ thiếu niên và người trẻ hơn là ở trẻ nhỏ. Khớp viêm thường có sưng, nóng, đỏ, và rất đau (thường nổi trội các triệu chứng khác). Tuy nhiên, viêm khớp chỉ thoáng qua: thời gian viêm của mỗi khớp thường không kéo dài quá 2-3 tuần và không để lại di chứng.
Khi bị bệnh thấp tim bệnh nhân thường có biểu hiện khó thở, đau ngực. (Ảnh: Internet)
+ Viêm khớp đáp ứng rất tốt với salicylate hay các kháng viêm không steroids (thường trong vòng 48 giờ) và không ''di chuyển'' đến các khớp khác nữa.
- Múa vờn Sydenham:
+ Xảy ra trên khoảng 20% bệnh nhân bị thấp khớp cấp. Múa vờn thường xuất hiện trễ, thường sau khoảng 3 tháng hay lâu hơn (có thể đến 6 tháng) kể từ lúc nhiễm liên cầu khuẩn, trong khi thời gian khởi phát viêm tim và viêm khớp chỉ trong vòng 2-3 tuần. Vì thế, múa vờn thường xuất hiện đơn độc và việc chẩn đoán bệnh sốt thấp rất khó để thỏa tiêu chuẩn Jones.
+ Biểu hiện của bệnh thấp tim thường gặp là bởi các cử động không mục đích, tình trạng yếu cơ và không đồng vận, viết khó, nói khó, không thành câu và xúc cảm hay thay đổi. Múa vờn thường được khởi phát bởi những xúc động về tâm lý, tăng mạnh bởi các kích thích bên ngoài, gắng sức, mệt mỏi và dịu đi khi bệnh nhân ngủ. Khám thực thể phát hiện có tình trạng giảm trương lực cơ giảm phản xạ gân sâu, và dấu hiệu ''vắt sữa '': tăng và giảm áp lực khi yêu cầu bệnh nhân nắm chặt tay người khám.
+ Múa vờn thường kéo dài cả vài tuần, vài tháng, có khi cả năm nhưng không để lại di chứng.
- Hồng ban vòng: Là một biểu hiện hiếm gặp của bệnh sốt thấp, < 5%. Đó là những ban màu hồng mau bay, không ngứa, ở giữa nhạt màu hơn, có viền tròn xung quanh, thường thấy ở thân và gốc tứ chi. Hồng ban thường di chuyển và không để lại di chứng.
- Nốt cục dưới da: Ngày nay rất hiếm, <l%. Đó là những hạt tròn, chắc, di động dưới da và vùng phủ quanh không đổi màu, không đau. Đường kính từ vài mm đến 1-2 cm. Thường sờ thấy ở những chỗ xương nhô ra và có da mỏng như khuỷu tay, cổ tay, cổ chân, bàn chân, da đầu vùng chẩm.... Nốt thường xuất hiện trong l đến vài tuần, hiếm khi kéo dài quá 1 tháng.Vi
Triệu chứng thường thấy của bệnh thấp tim là viêm khớp. (Ảnh: Internet)
- Sốt thường gặp nhất, không có cơn điển hình.
- Đau khớp: Đau một hay nhiều khớp lớn mà không có dấu chứng viêm khi khám.
- Ho ra máu, đau bụng đôi lúc có thể xảy ra, nhưng không được xem là tiêu chuẩn phụ lúc chẩn đoán.
Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do viêm cơ tim dẫn tới suy tim cấp hoặc rối loạn nhịp tim đôi khi đe dọa tính mạng bệnh nhân. Bệnh nhân cũng thường bị đau khớp nhiều có thể kèm theo sưng nóng đỏ. Tuy vậy, viêm khớp này không để lại di chứng đáng sợ nào. Những ảnh hưởng đến não cũng đáng sợ với tổn thương hệ thống ngoại tháp gây biểu hiện múa vờn, múa giật. Rất may là các tổn thương trên não đa số hồi phục không để lại di chứng.
Vấn đề quan trọng nhất của thấp tim là sự tái phát và tiến triển dẫn đến những tổn thương không phục hồi các van tim, khi đó gọi là bệnh tim do thấp. Các tổn thương này ngày một nặng gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho bệnh nhân về chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ.
Bệnh thấp tim có thể gây biến chứng suy tim. (Ảnh: Internet)
Các bệnh tim do thấp hay gặp nhất là hẹp van hai lá, hở van hai lá, hở van động mạch chủ... hoặc phối hợp tổn thương các van tim. Hậu quả là, nếu các bệnh van tim do thấp này (nếu không được điều trị kịp thời) là suy tim, hoặc bệnh nhân cũng có thể có các biến chứng cấp trong quá trình mang bệnh như tắc mạch, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim...
Phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh thấp tim, bạn có thêm cơ hội được sống bên người thân.