Tác động của COVID-19 kéo dài (hậu COVID) có thể khác nhau ở mỗi người về triệu chứng và mức độ nghiêm trọng, bao gồm cả trẻ em.
Theo bác sỹ Edwards, các vấn đề hội chứng COVID kéo dài ở người lớn có xu hướng dễ nhận biết hơn vì có thể ghi nhận những rối loạn chức năng thông qua các xét nghiệm. Nhưng đối với trẻ nhỏ, có những giới hạn mà y khoa và thậm chí các xét nghiệm cũng không chỉ rõ được. Đôi khi điều này đòi hỏi các bậc cha mẹ phải thực sự nhạy cảm mới có thể nhận ra.
Trẻ em có thể có các biểu hiện dài hạn khác nhau của coronavirus, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của trẻ. Một nghiên cứu gần đây đã cố gắng phân loại các triệu chứng COVID kéo dài phổ biến nhất ở trẻ em, dựa trên nhóm tuổi của chúng.
Một cuộc khảo sát đã diễn ra với gần 11.000 trẻ em trong độ tuổi dưới 14. Nghiên cứu này đã xác định các triệu chứng phổ biến nhất có liên quan tới trẻ em ở 3 phân loại nhóm tuổi khác nhau bao gồm:
- Nhóm từ 0 - 3 tuổi
- Nhóm từ 4 - 11 tuổi
- Nhóm từ 12 - 14 tuổi.
Nghiên cứu này được thực hiện với mục đích nhấn mạnh rằng tất cả các cá nhân bất kể độ tuổi như thế nào đều có những nguy cơ tiềm ẩn về COVID kéo dài nên các triệu chứng COVID kéo dài ở trẻ em cũng cần được xem xét nghiêm túc. Đồng thời cũng bày tỏ quan điểm việc phụ huynh không nên tỏ ra quá lo lắng mà nên quan sát biểu hiện ở trẻ để phân biệt đúng đâu là hậu COVID-19 ở trẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì hậu COVID-19 là tình trạng bao gồm một loạt các triệu chứng (cả về thể chất và tinh thần) xảy ra trong hoặc sau khi nhiễm COVID-19 (thường trong vòng 3 tháng), tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng và không giải thích được bằng các chẩn đoán thay thế.
Nghiên cứu cho thấy trẻ trong nhóm tuổi này sau COVID dễ bị thay đổi tâm trạng, phát ban, đau bụng, ho và chán ăn. Bạn có thể quan sát thấy con mình không ăn hết khẩu phần ăn hàng ngày như mọi khi.
Đọc thêm:
+ Liều hạ sốt cho trẻ nhiễm Covid-19 và những lưu ý phụ huynh bắt buộc phải nhớ
+ Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc trẻ mắc Covid-19 tại nhà
Điều này có thể do đau dạ dày hoặc trẻ cảm thấy mệt mỏi dẫn tới mất hứng thú với việc ăn uống. Hệ quả là trẻ không nhận được đủ dinh dưỡng cần thiết cho việc phục hồi và phát triển thể chất.
Trẻ em trong nhóm này có nhiều khả năng bị thay đổi tâm trạng, khó tập trung hơn và cũng bị phát ban. Với COVID kéo dài, nhiều trẻ ở độ tuổi này phải vật lộn hơn để theo kịp bài tập ở trường hay tập luyện các môn thể thao yêu thích trước đó.
Các dấu hiệu của sự thay đổi tâm trạng ở cả trẻ em và người lớn bao gồm cáu kỉnh, giận dữ vô cớ, buồn bã, thất vọng, hoảng loạn hay lo lắng thường xuyên. Tâm trạng thất thường ở đây cũng bao gồm cả cảm giác vô vọng, tự ti kèm theo mệt mỏi kéo dài.
Ở nhóm tuổi này trẻ có nhiều khả năng bị mệt mỏi, thay đổi tâm trạng và cũng khó ghi nhớ hay tập trung. Trẻ bị COVID kéo dài có thể cảm thấy mệt mỏi sau các hoạt động mà trước đây chúng không gặp khó khăn để đối phó.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sự tự tin của trẻ. Các triệu chứng khác có thể là sự căng thẳng về mặt thể chất, sương mù não, đau nhức cơ và đau đầu.
Theo WHO thì các triệu chứng của hậu COVID có thể bắt đầu ngay từ những ngày đầu tiên trẻ mắc COVID-19 sau đó tồn tại kéo dài ở giai đoạn sau khi khỏi bệnh. Mặc dù rất khó để có thể dự đoán triệu chứng COVID kéo dài ở trẻ tồn tại trong bao lâu do chưa đủ dữ liệu nghiên cứu nhưng các chuyên gia cho biết, thời gian theo dõi xem trẻ có mắc hậu COVID không là 3 tháng kể từ ngày trẻ khởi phát triệu chứng đầu tiên.
Với mỗi tình trạng sức khỏe của trẻ, các bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng của trẻ bao gồm chăm sóc và phục hồi chức năng nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, theo UNICEF thì không phải tất cả các triệu chứng trẻ xuất hiện sau khi nhiễm COVID-19 đều là triệu chứng hậu COVID. Cha mẹ cần tỉnh táo loại bỏ các nguyên nhân khác có thể gây ra biểu hiện đó ở trẻ. Nhiều phụ huynh lo lắng ngay sau khi trẻ khỏi bệnh đã đưa trẻ làm các xét nghiệm kiểm tra là chưa thực sự cần thiết.
Nhìn chung với sự xuất hiện của biến chủng mới BA.5 của Omicron, các biện pháp bảo vệ phòng tránh COVID-19 vẫn được khuyến khích áp dụng. Mới đây Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề xuất sử dụng thông điệp V2K (Vaccine - Khẩu trang - Khử khuẩn) thay cho thông điệp 5K trước đây (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Tuy nhiên, thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng.
Nguồn dịch tham khảo: Long COVID In Children: Most Common Symptoms Experienced By Different Age Groups, As Per Study