Triệu chứng Covid-19 ở trẻ nhỏ
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho hay: "Qua quan sát thực tế tôi thấy trẻ bị bệnh Covid-19 thường không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Ở người lớn, triệu chứng thường gặp là sốt và ho. Các trường hợp nặng là viêm phổi và khó thở. Trẻ mắc Covid-19 vẫn có những triệu chứng này nhưng thường ở mức độ nhẹ. Một số trẻ hoàn toàn không có triệu chứng. Nên nghĩ đến trẻ có thể bị bệnh Covid-19 nếu trẻ có triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với người mắc Covid-19".
Những triệu chứng khác cũng xảy ra ở cả trẻ em và người lớn là mệt mỏi, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, đau họng, chảy hoặc nghẹt mũi, tiêu chảy hoặc nôn ói. Trẻ mắc Covid-19 có thể gặp khó khăn khi cho ăn, cũng có thể xuất hiện phát ban hoặc các triệu chứng ở da khác.
Bác sĩ Huy Luân khuyến cáo, khi bệnh diễn tiến viêm phổi, trẻ có dấu hiệu thở nhanh, được xác định khi nhịp thở > 30 lần/phút ở trẻ lớn > 5 tuổi; ≥ 40 lần/phút ở trẻ 1-5 tuổi; ≥ 50 lần/phút ở trẻ 2-11 tháng, ≥ 60 lần/phút ở trẻ < 2 tháng.
Các dấu hiệu của suy hô hấp nặng là co kéo cơ hô hấp phụ, nói hụt hơi; rút lõm lồng ngực, thở rên, tím tái, không thể uống/bú được; rối loạn ý thức (li bì hoặc hôn mê); co giật.
Triệu chứng nặng có thể thường gặp hơn ở trẻ có vấn đề sức khỏe như các rối loạn về thần kinh hoặc di truyền nghiêm trọng, bệnh tim bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, béo phì, tiểu đường, bệnh thận mạn, hen hoặc bệnh phổi khác, hoặc suy yếu hệ thống miễn dịch.
Trẻ có triệu chứng nghi ngờ và tiếp xúc với người mắc Covid-19 nên được xét nghiệm - Ảnh minh hoạ.
Đọc thêm:
- Trẻ em sinh ra có mẹ mắc Covid-19 có bị dị tật thai nhi không?
- Sai lầm có thể khiến trẻ tăng nguy cơ mắc Covid-19
Theo bác sĩ Huy Luân, có một số ít báo cáo trẻ bị bệnh Covid-19 có đáp ứng viêm toàn thân xảy ra 2-4 tuần sau khi nhiễm bệnh. Điều này sẽ dẫn đến tổn thương cơ quan nếu không được điều trị kịp thời.
Các chuyên gia sử dụng thuật ngữ khác để mô tả tình trạng này: Hội chứng viêm hệ thống liên quan tới Covid-19 ở trẻ em - Multisytem Inflammatory Syndrome in Children (MIS-C). Những triệu chứng này giống như bệnh Kawasaki, gồm:
- Sốt kéo dài hơn 72 giờ
- Đau bụng, nôn ói hoặc tiêu chảy
- Phát ban da, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân
- Mắt đỏ
- Nhức đầu
- Mệt mỏi, lú lẫn hoặc kích thích
- Khó thở
- Tím tay chân
Cách xử trí nếu trẻ có triệu chứng
Bác sĩ Huy Luân cho hay cần gọi cho nhân viên y tế nếu trẻ có sốt, ho, hoặc có triệu chứng khác. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cha mẹ làm gì. Các trường hợp bệnh nghi ngờ, cần làm xét nghiệm khẳng định nhiễm SARS-CoV-2.
Nếu bạn đang chăm sóc trẻ tại nhà, bạn cần dụng cụ đo độ bão hoà oxy để đo ít nhất ngày 2 lần hay khi thấy bé không khoẻ. Một vài trẻ mắc Covid-19 đột ngột diễn tiến nặng lên trong khoảng 5-10 ngày. Gọi cấp cứu ngay nếu trẻ có:
- SpO2 ≤ 93% khi thở khí trời, hoặc/và có dấu hiệu tím tái, hoặc cần phải thở ô xy hỗ trợ.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân.
- Khó thở, thở nhanh
- Đau hoặc nặng ngực
- Môi hoặc mặt tím tái
- Đau bụng dữ dội
- Hành vi lú lẫn hoặc không giống bình thường
- Không thể đánh thức được
TS Huy Luân lưu ý: "Hiện nay không có điều trị đặc hiệu cho Covid-19. Hầu hết trẻ khỏe mạnh bị nhiễm có thể hồi phục tại nhà, thường khỏe lại trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ có sốt cách khoảng 4-6 giờ".
Điều quan trọng là giữ trẻ tại nhà và tránh xa người khác cho đến khi nhân viên y tế cho là an toàn để trở lại các hoạt động bình thường. Quyết định này phụ thuộc vào thời gian từ lúc trẻ có triệu chứng và thời gian trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính (cho thấy không còn virus trong cơ thể trẻ nữa). Ngoài ra, bác sĩ cũng tư vấn cho trẻ hoạt động nhẹ nhàng để phòng tránh các nguy cơ thuyên tắc mạch do huyết khối; đảm bảo dinh dưỡng và uống nước đầy đủ, chú ý các bệnh lý nền có thể nặng lên. Nếu con bạn có vấn đề về ăn uống, bạn nên gọi bác sĩ hoặc điều dưỡng để được tư vấn.
Áp dụng các biện pháp dự phòng tiếp xúc
- Sử dụng các trang thiết bị bảo vệ cá nhân (khẩu trang y tế, kính bảo vệ mắt, găng tay, áo choàng) khi vào phòng của bé và cởi bỏ khi ra khỏi phòng và tránh đưa tay bẩn lên mắt, mũi, miệng.
- Vệ sinh và sát trùng các dụng cụ nhiệt kế trước và sau khi sử dụng đo nhiệt độ cho bé. Vệ sinh phòng hàng ngày.
- Đảm bảo phòng bệnh thoáng khí, mở các cửa sổ phòng bệnh (nếu có).
- Vệ sinh tay.
Các biện pháp giúp trẻ đối phó với căng thẳng và lo lắng
Cảm thấy căng thẳng, cô đơn hoặc lo lắng về Covid-19 là bình thường khi trẻ không thể sinh hoạt bình thường hoặc gặp bạn bè và người thân. Bạn có thể giúp trẻ bằng cách:
- Nói với trẻ về Covid-19 và khuyên trẻ có thể làm gì để bảo vệ mình và người khác.
- Làm hoặc mua khẩu trang phù hợp và khuyến khích trẻ đeo.
- Hạn chế những gì trẻ thấy trên báo chí hoặc mạng.
- Tìm các hoạt động để bạn chơi cùng trẻ.
- Chăm sóc tốt chính mình, ăn thức ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.