Triệu chứng COVID-19 có thể còn trong 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh?

Triệu chứng COVID-19 có thể còn trong 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh?
Nghiên cứu khoa học mới đăng trên tạp chí JAMA của Mỹ cho thấy, các triệu chứng COVID-19 như mệt mỏi, khó thở, đau khớp có thể còn trong 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn.

“Nếu tôi bị nhiễm COVID-19 thì khoảng bao lâu tôi sẽ hết triệu chứng? Khoảng bao lâu tôi không còn khó thở và thấy mệt mỏi nữa?”, đây là câu hỏi rất nhiều người quan tâm trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận hơn 22 triệu ca nhiễm Covid-19.

PGS.BS Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), tại ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Mỹ cho biết, nghiên cứu mới đăng trên tạp chí JAMA - một trong những tạp chí Y khoa nổi tiếng nhất của Mỹ và tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.

Triệu chứng COVID-19 có thể còn trong 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh? - Ảnh 1.

PGS.BS Trần Huỳnh (Huynh Wynn Tran), tại ĐH Y khoa California Northstate University, Sacramento, California, Mỹ (Ảnh Internet)

1. Nghiên cứu mới cho thấy, triệu chứng COVID-19 có thể còn trong 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh

Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí JAMA, sau khi bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh hoàn toàn, một số triệu chứng của Covid-19 vẫn có thể còn trong khoảng 2 tháng. Những triệu chứng này bao gồm: Mệt mỏi, khó thở và đau khớp.

Nghiên cứu được thực hiện trên 143 bệnh nhân ở Ý trong khoảng thời gian từ ngày 21/4 đến ngày 29/5/2020 cho thấy, ở những bệnh nhân đã khỏi COVID-19, 87,4% cho biết vẫn còn ít nhất 1 triệu chứng. Trong đó, triệu chứng mệt mỏi: 53,1%, khó thở: 43,4%, đau khớp: 27,3% và đau ngực: 21,7%.

2. Các triệu chứng nhiễm COVID-19

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo 10 triệu chứng nhiễm Covid-19 bao gồm:

1. Khó thở

2. Sốt

3. Ho khan

4. Ớn lạnh và đau nhức cơ thể

5. Đột ngột lẫn

6. Vấn đề về tiêu hóa

7. Đau mắt đỏ

8. Mất khứu giác và vị giác

9. Mệt mỏi

10. Nhức đầu, đau họng, nghẹt mũi

3. Virus SARS-CoV-2 có thể ở xung quanh, chúng ta nên làm gì?

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, tính đến ngày 19/8 thế giới đã ghi nhận hơn 22.306.538 ca nhiễm Covid-19 tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số bệnh nhân Covid-19 phục hồi là 15.047.779, số bệnh nhân vẫn đang được điều trị là 6.474.406, trong đó 62.049 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số nhiễm Covid-19 ở nước ta tính đến ngày 18/7 là: 989 bệnh nhân, trong đó từ 25/7 đến nay là 649 ca, riêng bệnh nhân liên quan tới khu vực Đà Nẵng là 509 người. Điều đặc biệt lưu ý, các ca nhiễm Covid-19 liên quan đến Đà Nẵng đều là ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) nhận định, trong đợt lây nhiễm dịch COVID-19 này, virus SARS-CoV-2 đã xâm nhập vào cộng đồng, khiến chúng ta chưa xác định được chính xác nguồn lây nhiễm. Do đó, virus có nguy cơ tồn tại ngay xung quanh.

Triệu chứng COVID-19 có thể còn trong 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh? - Ảnh 2.

Virus SARS-CoV-2 có nguy cơ tồn tại ngay xung quanh chúng ta (Ảnh Internet)

Để phòng tránh dịch Covid-19 các bác sĩ khuyên tất cả chúng ta phải nâng cao sức khỏe và tăng cường miễn dịch. Bác sĩ Huynh Wynn Tran cho biết, hệ miễn dịch chìa khóa để bảo vệ bạn khỏi sự tấn của virus SARS-Cov-2. Vì hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, tất cả các thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng để bệnh nhân nhanh hồi phục là chính.

Nếu miễn dịch tốt, cơ thể khỏe mạnh sẽ ít nguy cơ mắc bệnh hơn, trường hợp không may mắc bệnh cũng sẽ diễn biến nhẹ và phục hồi nhanh hơn.

Theo bác sĩ Huynh Wynn Tran, mọi người cần lưu ý những điểm sau để nâng cao sức khỏe và tăng cường miễn dịch:

- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng: đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu như: chất đạm, tinh bột, vitamin C, vitamin D,...

Triệu chứng COVID-19 có thể còn trong 2 tháng sau khi bệnh nhân khỏi bệnh? - Ảnh 3.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong phòng và điều trị Covid-19 (Ảnh Internet)

- Tập thể dục: Thường xuyên vận động là cách để tạo cho bản thân một hệ miễn dịch tốt. Mọi người có thể lựa chọn các môn thể thao yêu thích như: chạy bộ, yoga, aerobic,... để tập luyện hằng ngày.

- Điều trị các bệnh nền: Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, phần lớn bệnh nhân COVID-19 tử vong là người cao tuổi hoặc có sẵn bệnh lý nền mạn tính. Do đó, BS.Huynh Wynn Tran nhấn mạnh, thời điểm này người cao tuổi, người có các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp,... cần tập trung trị bệnh, giữ sức khỏe tốt nhất để phòng chống COVID-19.

Nhìn chung, hệ miễn dịch tốt chính là “thành trì” để bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công từ tác nhân bên ngoài. Vì vậy, việc chủ động tăng cường miễn dịch cho cơ thể là vô cùng cần thiết, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay. Giữ sức khỏe tốt kết hợp với các biện pháp phòng dịch an toàn như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn,… sẽ chống được sự xâm nhập của virus, hạn chế nguy cơ nhiễm COVID-19.

Tác giả: Trang Lê