Triệu chứng bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh và cách điều trị

Triệu chứng bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh và cách điều trị
Viêm tai giữa là một căn bệnh phổ biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh. Triệu chứng bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh bao gồm: đau tai, trẻ thường thức giấc vào ban đêm, tỏ ra đau đớn và hay quấy khóc...

Trong tai mỗi bé sẽ có một đường ống tai nhỏ, gọi là vòi nhĩ, có nhiệm vụ kết nối vùng tai giữa với phần sau của họng và mũi. Đồng thời sẽ giúp cân bằng áp lực. Nhưng khi mũi và họng bị ẩm ướt do tiết dịch nhầy, thì đây sẽ trở thành vùng đất màu mỡ cho vi khuẩn phát triển. Do vòi nhĩ của trẻ nhỏ ngắn và  rộng, phát triển theo chiều ngang nên khi họng và mũi tiết dịch nhầy, vi khuẩn sẽ rất dễ dàng bám vào và di chuyển xung quanh khu vực này.

1. Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

- Đau tai là một dấu hiệu chung thường găp của viêm tai giữa. Việc sớm điều trị bệnh cho bé sẽ mang lại nhiều kết quả tươi sáng hơn. Do đó, việc chúng ta cần học cách đọc được "ngôn ngữ đau tai" của bé. Một dấu hiệu bạn sẽ dường như không thấy khi bé bị viêm tai giữa, đó là sốt. Trừ khi bé bị viêm đường hô hấpnặng thì thân nhiệt của bé lúc này mới tăng lên.

Ảnh 1.

Viêm tai giữa là một căn bệnh phổ biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh

- Mũi của bé là nơi sẽ báo tín hiệu cho bạn biết bé bị viêm tai giữa. Vì lúc viêm tai giữa thường diễn ra sau khi bé bị cảm lạnh, do đó dịch nhầy chảy ra từ mũi sẽ chính là dịch nhầy có trong tai bé. Một kịch bản thường thấy ở trẻ là đầu tiên mũi bé hơi nghẹt rồi chảy nước trong, lúc này bé chưa bệnh. Cho đến một vài ngày sau đó, khi dịch nhầy chảy ra chuyển sang màu vàng hay xanh lá cây là lúc bé bắt đầu nhiễm bệnh và trở nên cáu kỉnh, đồng thời nguy cơ viêm tai giữa tăng cao.

- Ngoài ra, bé sẽ thường thức giấc vào ban đêm và tỏ ra đau đớn, nhất là khi thời tiết trở lạnh, lúc này là lúc bé phát tín hiệu "khẩn cấp" cho bạn rồi đấy. Khi bé nằm ngửa, chất dịch trong tai bé sẽ đổ dồn về phía màng nhĩ, gây khó chịu cho bé. Vì vậy, lúc này bé sẽ không muốn nằm ngửa khi ngủ mà sẽ trở mình liên tục, lăn qua lăn lại để giảm bớt áp lực trong tai lúc này cũng như để làm cho cơn đau tai giảm bớt.

- Một dấu hiệu khác của viêm tai giữa là mắt của bé sẽ đổ ghèn. Khi bạn thấy bé vừa bị cảm lạnh vừa bị ghèn ở mắt, bạn có thể nghĩ đến khả năng bé bị viêm tai giữa. Ở những tháng đầu đời, mắt của bé có thể ra ghèn, trường hợp này đơn giản là bé bị tắc tuyến lệ nhưng khi đi kèm với biểu hiện này là một cơn cảm lạnh, nhất là khi bé đã lớn hơn, điều này cho thấy một vùng xoang nào đó hay tai của bé đang bị viêm.

Ảnh 2.

Triệu chứng bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh dễ dàng nhận thấy nhất là trẻ hay thức giấc ban đêm và khóc

2. Điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

2.1. Giảm đau

Paracetamol hoặc ibuprofen là thuốc giảm đau hiệu quả cho chứng đau tai. Có thể sử dụng cùng lúc cả hai thuốc này nếu một thuốc tỏ ra không hiệu quả.

Chườm ấm – dùng khăn ấm ấp vào tai.

Dầu oliu ấm, dầu thực vật ấm – nhỏ vài giọt các loại dầu trên vào tai. Chú ý không để dầu quá nóng. Nếu thấy dịch hay mủ chảy ra từ tai, tuyệt đối không được nhỏ các loại dầu nêu trên vào tai.

2.2. Kháng sinh

- Liệu trình kháng sinh 7 ngày là khuyến cáo đang được áp dụng, tuy nhiên tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu kéo dài thời gian dùng kháng sinh. Nên cho bé uống đủ số ngày chỉ định kể cả nếu bé đã cảm thấy dễ chịu hơn sau 2 hay 3 ngày điều trị. Làm vậy để đảm bảo nhiễm trùng không quay trở lại. Các kháng sinh thường được sử dụng bao gồm: amoxicillin, augmentin, azithromycin, các cephalosporin thế hệ I, II, III. Trường hợp có rách màng nhĩ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc nhỏ tai gồm kháng sinh và hydrocortisone, giúp ống tai lành tốt hơn.

- Việc thường xuyên dùng kháng sinh mạnh hơn có thể khiến vi khuẩn gây nhiễm trùng tai ở con bạn kháng lại các thuốc kháng sinh mạnh, khiến những đợt nhiễm trùng tai tiếp theo rất khó điều trị. Để tránh hiện tượng kháng kháng sinh, bác sĩ có thể bắt đầu bằng amoxicillin đơn thuần. Kể cả nếu amoxicillin không có tác dụng một hay hai lần trước, vẫn có khả năng vi khuẩn gây nhiễm trùng lần này là loại khác và vẫn nhạy cảm với amoxicillin, nhất là nếu hai lần nhiễm trùng tai cách nhau hơn 2 tháng.

Có thể dùng kháng sinh mạnh trong các trường hợp sau:

+ Nếu triệu chứng sốt và quấy khóc không cải thiện sau 48-72 giờ điều trị kháng sinh, bé có thể cần kháng sinh mạnh hơn.

+ Nếu amoxicillin không có tác dụng trong 2 hoặc 3 lần điều trị trước đó thì những lần sau có thể dùng kháng sinh mạnh ngay.

Ảnh 3.

Uống kháng sinh là cách điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

+ Nếu bé đã dùng amoxicillin trong vòng 6 tuần trước đó, và lại bị đợt nhiễm trùng tai khác, nhiều khả năng vi khuẩn này kháng amoxicillin và cần dùng kháng sinh mạnh hơn.

+ Nếu bé dị ứng với amoxicllin

+ Nếu bệnh vẫn dai dẳng sau một đợt điều trị amoxicillin

Chú ý – kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng tai, chúng không giúp điều trị virus gây các biểu hiện cảm. Vì vậy triệu chứng chảy nước mũi và ho có thể không được cải thiện trong vòng 14 ngày.

3. Cách phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

Đến lúc này, bạn đã biết được phương thức và con đường nào tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công đôi tai nhỏ xíu của bé rồi phải không nào. Sau đây là một số chỉ dẫn nhằm giúp chất dịch nhiễm khuẩn không "quậy" khu vực phía sau màng nhĩ của bé.

- Cho bé bú mẹ: sữa mẹ cung cấp và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên cho bé

- Cho bé bú bình ở tư thế thẳng đứng (tạo thành gó nghiêng ít nhất 30 độ) và giữ tư thế đó ít nhất là 30 phút sau khi bú xong.

Ảnh 4.

trẻ sơ sinh bú mẹ là cách tốt nhất để tăng cường và bảo vệ sức khỏe đôi tai

- Giữ bé tránh xa các chất có khả năng kích ứng tạo ra dịch nhầy trong hốc mũi và tai giữa của bé. Để thú nhồi bông, vật nuôi và bất cứ đồ vật gì có lông ở xa chỗ bé ngủ. Và tuyệt đối không được hút thuốc xung quanh bé.

- Hạn chế cho bé ngậm núm vú giả khi bé ngủ ban đêm, nhất là với bé từ 6 tháng trở lên vì nghiên cứu đã cho thấy có mối tương quan giữa việc ngậm núm vú giả và viêm tai giữa.

- Tăng cường khả năng miễn dịch cho bé bằng cách cho bé ăn nhiều trái cây, rau củ quả và hải sản.

Tổng hợp

Tác giả: Lan Dương