Một nhóm các nhà khoa học mới đây đã thực hiện nghiên cứu mới nhằm tìm kiếm thời lượng ngủ lý tưởng cho lứa tuổi trung niên, những người từ 40 tuổi trở lên. Họ nhận thấy ra rằng, những người trung niên có giấc ngủ kéo dài khoảng 7 giờ mỗi đêm sẽ có thể giúp bảo vệ não bộ khỏe mạnh hơn.
Có hơn 500 000 người đến từ nước Anh đã được lựa chọn tham gia vào nghiên cứu này. Độ tuổi của những tình nguyện viên tham gia không đồng đều mà dao động trong khoảng 38-73 tuổi. Tất cả trong số họ đều sẽ phải hoàn thành những bài kiểm tra khác nhau để đánh khả năng tư duy.
Tiếp đó, nhóm các nhà khoa học đã tiến hành thu thập các thông tin về kiểu ngủ, sức khỏe tâm thần và hạnh phục của những người này. Đồng thời dữ liệu về hình ảnh não bộ, các vấn đề di truyền đã có sẵn trong hệ thống của hơn 40 000 người trong số những người tham gia cũng được sử dụng để phục vụ cho nghiên cứu.
Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, giấc ngủ kéo dài 7 giờ mỗi đêm giúp cải thiện khả năng suy nghĩ cũng như sức khỏe tâm thần của những người tham gia một cách tốt nhất.
Giáo sư Barbara Sahakian - một trong các tác giả nói về kết quả của nghiên cứu, trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời thì giấc ngủ ngon đều giữ vai trò quan trọng. Điều này lại càng đặc biệt đúng khi tuổi tác ngày càng tăng cao. Vì vậy, làm cách nào để có thể cải thiện giấc ngủ ở những người cao tuổi là rất trọng yếu.
Điều này có thể giúp họ duy trì sức khỏe tinh thần và phòng tránh suy giảm sức khỏe nhận thức. Nhất là đối với các bệnh nhân bị rối loạn tâm thần hoặc sa sút trí tuệ.
Bên cạnh việc chỉ ra đâu là thời lượng ngủ lý tưởng cho người trong độ tuổi trung niên, nghiên cứu mới còn đánh giá tác hại của việc ngủ quá ít hay quá nhiều đối với sức khỏe cơ thể.
Cụ thể, với những người tham gia có thời gian ngủ quá ngắn hoặc quá dài đều điểm số kém hơn trong các bài kiểm tra mà họ phải trải qua. Những bài kiểm tra này bao gồm kiểm tra tốc độ xử lý, tập trung thị giác, trí nhớ và giải quyết vấn đề. Cùng với đó là sự tăng nguy cơ biểu hiện triệu chứng trầm cảm, lo lắng hay sa sút sức khỏe tinh thần một cách rõ rệt.
Không chỉ vậy, thời lượng ngủ còn có thể ảnh hưởng lên cấu trúc não bộ tại các vị trí liên quan đến nhận thức, trí nhớ. Sự thay đổi này trở nên rõ rệt ở những người phải ngủ quá ít hoặc quá nhiều so với những người ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày.
Chính vì thế đã khiến các nhà khoa học tin rằng ngủ quá ít hay quá nhiều đều có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ suy giảm tâm thần tuổi già. Điều này phù hợp với một số phát hiện của những nghiên cứu trong quá khứ, chẳng hạn như có mối liên hệ giữa thời lượng ngủ hằng ngày với bệnh lý như Alzheimer, sa sút trí tuệ.
Cuối cùng, theo một trong số các tác giả của nghiên cứu - Giáo sư Jianfeng Feng, kết quả của nghiên cứu ủng hộ ý kiến ngủ quá ít hay quá nhiều có thể gây nên các vấn đề nhận thức. Tuy nhiên vẫn chưa thể đưa ra kết luận chắc chắn về điều này. Bởi cơ chế khiến ngủ kém ảnh hưởng lên sức khỏe não bộ là rất phức tạp, có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như di truyền, cấu trúc não,...
Nguồn tham khảo: The Perfect Amount of Sleep for People Over 40