Suy giảm thị lực ở trẻ được hiểu là sự giảm khả năng nhìn/tầm nhìn ở một cấp độ nào đó dẫn tới việc trẻ phải đeo kính sớm hoặc có các can thiệp mắt khác. Các dạng suy giảm thị lực phổ biến thường gặp là cận thị, viễn thị và loạn thị (hay còn gọi chung là các tật khúc xạ mắt).
Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại thông minh phát ra vô cùng không tốt cho mắt.
Ánh sáng xanh là bức xạ HEV, còn được gọi là vùng ánh sáng xanh, là ánh sáng phát ra từ các màn hình LCD. Bức xạ HEV là một loại tia gần như tia cực tím; khi tác động lên mắt, nó có thể làm hỏng võng mạc. Loại ánh sáng này có bước sóng ngắn vì thế lượng năng lượng ánh sáng xanh mang càng cao. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài, sẽ làm chết các tế bào thị giác, làm võng mạc của con người bị tổn thương.
Khi nhìn vào màn hình điện thoại nhiều, một người dù có thị lực tốt thế nào cũng sẽ xuất hiện các hiện tượng như: mỏi mắt, đau mắt, khô mắt hay chảy nước mắt, đôi khi còn đi kèm cảm giác đau đầu, chóng mặt... Dần dần, đôi mắt sẽ bị yếu đi và thậm chí có thể gây mù lòa.
Ngoài ra khi kết hợp với việc thường xuyên tiếp xúc, xem liên tục trong thời gian dài sẽ khiến trẻ có xu hướng đưa điện thoại tới gần mắt hơn dẫn tới nhức mắt và mờ mắt.
Đọc thêm:
+ Nhìn mặt trời chữa cận thị được không?
+ Vitamin nào tốt cho mắt cận? 10 loại vitamin và khoáng chất bạn không thể bỏ qua
Nguyên nhân gây suy giảm thị lực có thể do các bệnh lý tại mắt như tật khúc xạ, lão thị, bong võng mạc, bệnh mù màu, quáng gà, mỏi mắt, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, tăng nhãn áp,... và do thói quen sử dụng các thiết bị điện tử có ánh sáng xanh liên tục lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Với trẻ nhỏ, việc xem ti vi, điện thoại, máy tính bảng,... trong thời gian dài và thói quen ít tham gia các hoạt động ngoài trời lại càng thúc đẩy tình trạng suy giảm thị lực ở trẻ. Vì thế phụ huynh cần nhận biết sớm các dấu hiệu thị lực bất thường ở trẻ để can thiệp và thăm khám sớm.
Cụ thể:
- Trẻ thường xem ti vi, điện thoại,.. hay đọc sách, ngồi học với khoảng cách gần
- Trẻ dụi mắt thường xuyên hoặc nheo mắt, nháy mắt, nghiêng đầu khi xem; thậm chí là cơ mặt giật giật
- Trẻ hay bị chảy nước mắt hơn so với bình thường mà không rõ lý do
- Trẻ bị nhạy cảm với ánh sáng
- Trẻ phàn nàn về việc bị đau mỏi mắt sau khi sử dụng các thiết bị điện tử hay học bài
- Trẻ hay bị lạc chỗ, mất vị trí chữ khi đọc sách và phải sử dụng ngón tay để hướng dẫn mắt dẫn tới ngại đọc, tránh đọc hay các hoạt động cần nhìn gần
- Kết quả học tập bị giảm sút do thị lực kém, tầm nhìn hạn chế khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi và khó tập trung học tập hơn.
Với trẻ có những biểu hiện bất thường thị lực kể trên, cha mẹ cần cho trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám. Đặc biệt không nên tùy tiện đưa trẻ đi đo độ cận và cắt kính khi chưa có thăm khám của các bác sĩ nhãn khoa bởi không phải rối loạn mắt nào cũng cần phải đeo kính mà có thể điều trị bằng nhiều biện pháp khác.
Nguyên tắc hàng đầu để giảm thời gian xem ti vi hay điện thoại ở trẻ chính là quản lý tốt thời gian rảnh của trẻ. Thời gian rảnh là khoảng thời gian trẻ trở về nhà sau thời gian học tập ở trường và khi trẻ không học bài.
Cha mẹ nên dành thời gian để chơi với trẻ nhiều hơn đồng thời cũng không nên sử dụng điện thoại quá nhiều trước mặt trẻ hay cổ vũ trẻ khi con sử dụng điện thoại, ti vi thành thạo. Đồng thời cần giới hạn thời gian sử dụng ti vi hay điện thoại trong ngày.
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động khác như tô vẽ, cắt dán, chơi với bạn bè hay các hoạt động thể lực khác, phân tán chú ý để trẻ quên đi việc xem ti vi hay điện thoại.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã đưa ra một số khuyến nghị về độ tuổi sử dụng ti vi hay điện thoại như sau:
- Đối với trẻ nhỏ dưới 18 tháng tuổi, các phương tiện truyền thông có màn hình đều nên tránh (trừ trò chuyện qua video với trẻ là trường hợp ngoại lệ).
- Trong khi đó, trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 18 đến 24 tuổi thì chỉ nên xem với cha mẹ, phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ tự ý xem điện thoại một mình. Ngoài ra, nên cho trẻ xem nội dung với chất lượng cao, tránh gây hại cho mắt của trẻ.
- Thời điểm trẻ được 2 tuổi đến khi trẻ 5 tuổi phụ huynh chỉ nên cho trẻ xem các video chất lượng cao và có phụ huynh lựa chọn nội dung phù hợp với trẻ trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày.
- Đối với trẻ từ 6 tuổi trở nên, cần có giới hạn nhất quán về việc sử dụng phương tiện truyền thông như điện thoại di động cho trẻ, không để trẻ bị nghiện điện thoại và cần chú ý ưu tiện cho giấc ngủ và các hoạt động của trẻ hơn là sử dụng phương tiện truyền thông trong thời gian dài.