Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện?

Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện?
Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện là thắc mắc của rất nhiều ông bố bà mẹ, nhất là những người lần đầu chăm sóc em bé.

Trước khi trẻ học nói bằng ngôn ngữ thực như tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha… chúng sẽ bập bẹ và thủ thỉ, như một kiểu chơi với âm thanh. Đó là trò chuyện của em bé sơ sinh trên toàn thế giới, người ta hay gọi là hóng chuyện. Vậy trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện?

Các cột mốc quan trọng để một em bé học nói xảy ra trong suốt 3 năm đầu đời, khi não của trẻ đang phát triển nhanh chóng. Trong thời gian đó, việc trẻ có hóng chuyện sớm hay biết nói sớm hay không tùy thuộc vào kỹ năng của cha mẹ cũng như tùy mỗi em bé khác nhau.

Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện? - Ảnh 1.

Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện là thắc mắc của rất nhiều ông bố bà mẹ - Ảnh: healthline

Đọc thêm:

Trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều: Hướng dẫn cách trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh hiệu quả

Giúp mẹ tìm hiểu bí quyết làm thế nào để sữa mẹ đặc và thơm

1. Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện?

Biểu cảm của em bé thường xảy ra ngay sau khi sinh, em bé biết nhăn mặt và khóc. Khóc là một cách thể hiện một loạt cảm xúc của em bé khi chưa biết nói; diễn đạt sự sợ hãi, nhu cầu thể chất… Cha mẹ nên học cách lắng nghe và phân tích các kiểu khác nhau của con.

Thời điểm em bé biết hóng chuyện tùy thuộc vào mỗi em bé khác nhau, thường thì bé sẽ biết hóng chuyện vào khoảng 2-3 tháng tuổi. Có 2 cột mốc khá quan trọng mà cha mẹ cần quan sát em bé của mình:

Trẻ hóng chuyện lúc 3 tháng tuổi: Khi được 3 tháng tuổi, em bé biết lắng nghe giọng nói của bạn, quan sát khuôn mặt của bạn khi bạn nói chuyện và hướng về những giọng nói, âm thanh khác có thể nghe thấy xung quanh nhà.

Nhiều trẻ sơ sinh thích giọng phụ nữ hơn giọng đàn ông; nhiều trẻ lại thích giọng nói và âm nhạc mà mẹ đã cho bé nghe khi còn trong bụng mẹ.

Trẻ bập bẹ khi được 6 tháng: Khi được 6 tháng tuổi, bé bắt đầu bập bẹ với những âm thanh khác nhau. Ví dụ, bé có thể nói "ba-ba" hoặc "da-da."

Vào cuối tháng thứ sáu hoặc thứ bảy, trẻ sơ sinh phản ứng với tên riêng của chúng, nhận ra ngôn ngữ mẹ đẻ và sử dụng giọng nói của trẻ để cho bạn biết bé đang vui hay buồn. Một số ông bố bà mẹ vẫn nghĩ rằng "ba-ba" ở đây mà bé gọi bố, thế nhưng những tiếng bập bẹ ở độ tuổi này được tạo thành các âm tiết ngẫu nhiên không có ý nghĩa.

Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện? - Ảnh 2.

Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện? - Ảnh: babycenter

2. Cha mẹ có nên dạy trẻ sơ sinh hóng chuyện không?

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ sơ sinh có thể hiểu được lời nói của cha mẹ trước khi trẻ biết nói rất lâu. Do đó, hành động của bố mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng giao tiếp, hóng chuyện của trẻ.

Hãy thử chơi trò "ú òa" với bé, nói chuyện với bé khi thay tã, hát cho bé nghe khi cho bé chìm vào giấc ngủ. Và khi em bé của bạn vui vẻ phát ra những âm thanh khi hóng chuyện, bạn cũng nên đáp lại bé bằng những âm thanh tương tự. Đó là niềm vui của cha mẹ nhưng nó cũng vô cùng quan trọng cho sự phát triển của con bạn.

Bộ não non nớt của trẻ sơ sinh lúc này đang hấp thụ âm thanh, âm điệu và ngôn ngữ mà chúng sẽ dùng để nói những từ ngữ đầu tiên của mình. Và cha mẹ đóng một vai trò vô cùng lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ có cha mẹ nói chuyện thường có xu hướng hình thành ngôn ngữ và đàm thoại mạnh mẽ hơn những bé khác.

Trẻ sơ sinh mấy tháng biết hóng chuyện? - Ảnh 3.

Khi bé cố gắng bập bẹ đáp lại, đừng ngắt lời bé hoặc quay mặt đi chỗ khác - Ảnh: wachanga

Vậy cha mẹ cần làm gì để trẻ hóng chuyện và hình thành ngôn ngữ sớm?

- Nói chuyện thường xuyên với bé. Cha mẹ nói nhiều sẽ giúp ích cho trẻ sơ sinh nhiều hơn.

- Dành nhiều thời gian ở với bé một mình. Việc trò chuyện với em bé có lợi nhất khi trò chuyện trực tiếp giữa cha mẹ với bé, hơn là cuộc trò chuyện có nhiều em bé và người khác cùng tham gia.

- Khi bé cố gắng bập bẹ đáp lại, đừng ngắt lời bé hoặc quay mặt đi chỗ khác. Em bé cũng rất cần biết rằng chúng đang được lắng nghe.

- Hãy nhìn vào mắt con thường xuyên, bé sẽ phản ứng tốt hơn khi bố mẹ nhìn thằng vào con.

- Hạn chế cho trẻ xem ti vi hoặc nghe những chương trình có tiếng nói quá lớn.

Nguồn dịch: 

1. https://www.webmd.com/parenting/baby-talk-your-babys-first-words#1

2. https://www.webmd.com/parenting/baby/baby-talk-language#


Tác giả: Tiểu Quyên