Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao? Bật mí những tuyệt chiêu giúp bé bú mẹ tức thì

Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao? Bật mí những tuyệt chiêu giúp bé bú mẹ tức thì
Bé không chịu bú mẹ là tình trạng không hiếm gặp và là vấn đề gây lo lắng cho các ông bố bà mẹ. Vậy trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao?

Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, các mẹ sẽ gặp phải nhiều vấn đề băn khoăn, lo lắng, đặc biệt là với những mẹ làm mẹ lần đầu. Trong đó, trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao là câu hỏi của rất nhiều mẹ bỉm sữa.

1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không bú mẹ?

Không phải ngẫu nhiên mà bé không bú mẹ. Để tìm được giải pháp khi bé chê ti mẹ, các mẹ cần phải biết nguyên nhân nào gây ra tình trạng này.

Theo đó, các nguyên nhân thường gặp khiến bé bỏ bú mẹ là:

- Bé khó chịu hoặc đau: Bé bị tưa lưỡi, mụn rộp hay trong giai đoạn mọc răng khi bú sẽ gây đau nên nên bé từ chối bú mẹ.

- Bé bị nghẹt mũi, cảm lạnh khiến bé khó thở khi bú.

- Bé bị đau nhức do vừa mới tiêm chủng.

- Bé gặp khó khăn khi ngậm đầu ti mẹ.

- Bé bị phân tâm bởi môi trường ồn ào xung quanh hoặc bé bị kích thích quá mức.

- Thay đổi mùi vị sữa mẹ khiến bé không thích bú mẹ.

- Bé đã quen bú bình và mùi vị của sữa công thức.

Các mẹ cần lưu ý trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ là một trong những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tâm sinh lý của cả mẹ và bé. Trẻ không bú mẹ sẽ không có đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Hơn nữa, nếu bé không bú mẹ, mẹ sẽ gặp phải tình trạng cương sữa, thậm chí là tắc sữa.

Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao? Bật mí những tuyệt chiêu giúp bé bú mẹ tức thì - Ảnh 1.

Bé quen với bú bình là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không bú mẹ - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Nên cai sữa cho bé khi nào? Các cách cai sữa cho bé mẹ cần biết

Trẻ mấy tháng ăn được váng sữa? Thời điểm vàng cho trẻ ăn váng sữa cha mẹ nên biết

2. Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao?

2.1. Cho bé bú khi bé có nhu cầu

Rất nhiều mẹ cho bé bú theo một lịch trình cố định. Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý không phải lúc nào các bé cũng tuân theo đúng lịch trình mà mẹ đã đặt ra. Trên thực tế, có những trẻ bỏ bú sữa vào ban ngày nhưng ban đêm lại bú sữa rất nhiều và ngược lại. Điều này là hoàn toàn bình thường và các mẹ không cần phải bận tâm, lo lắng.

Vì thế, không nên quá cứng nhắc theo thời gian biểu. Vì ép bé bú khi bé chưa có nhu cầu hoặc chưa thích càng khiến trẻ chê ti mẹ. Biện pháp đơn giản là cho bé bú khi bé có nhu cầu, đảm bảo đáp ứng đủ lượng thức ăn cho bé.

2.2. Thay đổi tư thế cho bé bú

Có một số bé không cảm thấy thoải mái, không thích khi bú mẹ ở tư thể nào đó, có thể là nằm, ngồi, hay bên trái, bên phải. Có trẻ chỉ thích bú bên trái, lại cũng có bé chỉ thích bên phải, hay có bé thích luân phiên cả 2 bên ti mẹ.

Vì thế, khi bé bỏ bú mẹ, các mẹ hãy thay đổi tư thế cho bé bú, miễn là tư thế đó trẻ cảm thấy thoải mái và bú mẹ.

2.3. Da tiếp da khiến trẻ muốn bú mẹ

Da tiếp da giữa mẹ và bé không những đem lại những tác dụng tuyệt vời với sức khỏe của bé mà còn giúp bé muốn bú mẹ. Tiếp xúc da chạm da sẽ giúp bé theo bản năng của mình tìm thấy ti mẹ. Hơn nữa, nó cũng giúp bé cảm thấy an toàn và dễ chịu hơn khi bú mẹ.

Vì thế, khi trẻ bỏ bú, mẹ nên cởi áo cho da chạm da với bé, âu yếm vuốt ve bé rồi cho bé bú trên giường. Sự thân mật, thoải mái giữa mẹ và bé sẽ giúp mẹ thích thú hơn khi bú mẹ.

Trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ phải làm sao? Bật mí những tuyệt chiêu giúp bé bú mẹ tức thì - Ảnh 2.

Da tiếp da sẽ kích thích bé thích bú mẹ hơn - Ảnh Internet.

2.4. Kích thích sữa về nhiều hơn

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh không chịu bú mẹ là do mẹ ít sữa hoặc sữa chảy quá chậm, không đáp ứng đủ nhu cầu của bé. Vì thế, khi thấy mình ít sữa, các mẹ cần kích thích sữa về nhiều hơn.

Nếu thấy bé đang cố gắng bú tiếp thì bạn nên chuyển bé sang bên kia bú tiếp hoặc các mẹ cũng có thể ép, nén vú cho sữa chảy ra. Để duy trì nguồn sữa và kích thích sữa về nhiều hơn, bên cạnh việc cho con bú, các mẹ nên hút sữa thường xuyên, ăn các thực phẩm có tác dụng lợi sữa. Tuy nhiên, cần lưu ý với những mẹ quá nhiều sữa, bé bú bị sặc, bé cũng sợ bú nên mẹ cần đảm bảo sữa đủ và xuống đều cho con bú.

2.5. Tránh các yếu tố gây bé bị phân tâm khi đang bú mẹ

Cần lưu ý rằng bé rất dễ bị lôi cuốn bởi âm thanh, sự vật, sự việc diễn ra xung quanh, đậc biệt là với những be từ sau 3 tháng tuổi. Nếu bé đang bú mẹ mà có nhiều yếu tố tác động bên ngoài, bé sẽ không chịu nằm yên, chăm chú theo dõi việc khác mà quên đi việc bú mẹ.

Vì vậy, để tránh điều này, các mẹ nên cho trẻ bú sữa trong một căn phòng yên tĩnh, không bật tivi hay nhạc. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé bú khi bé đang buồn ngủ hoặc vừa thức dậy.

2.6. Chú ý tới chế độ dinh dưỡng của mẹ

Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, không kiêng khem quá nhiều không những giúp mẹ có nguồn sữa dồi dào mà còn đảm bảo chất lượng sữa cho con bú. Tuy nhiên, các mẹ phải lưu ý rằng bên cạnh việc ít sữa khiến trẻ sơ sinh không bú mẹ thì mùi vị sữa cũng là nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú.

Nếu mẹ ăn quá nhiều các gia vị cay nóng như tỏi, ớt, hay tiêu thụ nhiều các thực phẩm gây ra mùi vị khác như mắm tôm..sữa mẹ sẽ có vị khác so với bình thường và trẻ sẽ không có hứng thú bú.

Vì thế, với những bà mẹ đang cho con bú, cần ăn uống khoa học, hạn chế các thực phẩm không lành mạnh để bé luôn thích thú mỗi lần bú mẹ.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của các bậc cha mẹ về băn khoăn trẻ sơ sinh không bú mẹ phải làm sao. Các bố mẹ cần theo dõi tình trạng bé bỏ bú cẩn thận. Trong trường hợp bé bỏ bú kéo dài hơn vài ngày, con có ít tã ướt hơn bình thường hoặc có những bất thường khác, bạn nên đến các cơ sở ý tế để được thăm khám và tham khảo ý kiến của các bác sĩ.


Tác giả: Ngọc Điệp