Trẻ có hệ miễn dịch kém nên thường xuyên bị ốm, nhất là trong thời điểm giao mùa. Sau khi ốm dậy, hầu hết trẻ đều mệt mỏi, gầy yếu, xanh xao. Vì trong thời gian bị bệnh, cơ thể mệt mỏi nên trẻ chán ăn, dẫn tới suy giảm dinh dưỡng, thiếu chất.
Ngoài ra, sau khi bị bệnh, sức đề kháng của trẻ vẫn còn yếu. Nếu như không có phương pháp chăm sóc cho con, trẻ dễ bị tái bệnh trở lại. Do đó, cha mẹ nên chú trọng đến chế độ dinh dưỡng, lối sống để giúp con hồi phục sau ốm hiệu quả.
Sau khi ốm dậy, trẻ vẫn còn yếu và hệ miễn dịch kém, nên cha mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con, cụ thể:
- Khi trẻ bị ốm, cơ thể mất nhiều nước do sốt hoặc tiêu chảy. Vì vậy, lúc này cha mẹ nên bổ sung đủ nước theo nhu cầu cơ thể. Đối với trẻ, cha mẹ có thể cho con uống nước lọc, sữa, nước hoa quả, …
- Ưu tiên các nhóm thực phẩm giàu chất đạm: Đạm là dưỡng chất quan trọng giúp phục hồi sức khoẻ sau khi bị ốm. Cha mẹ có thể lựa chọn những thực phẩm như trứng, sữa, thịt bò, hải sản, … bổ sung vào bữa ăn hàng ngày cho con.
- Tăng cường vitamin và khoáng chất thiết yếu cho con: Đây là những dưỡng chất thiết yếu, có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh hồi phục sau khi bị bệnh. Đặc biệt, bổ sung các loại vitamin C, D, Kẽm còn giúp trẻ phòng ngừa các bệnh do virus, vi khuẩn gây ra.
Hoa quả họ cam, quýt, ngũ cốc, các loại đậu, … là những thực phẩm giàu vitamin, cha mẹ có thể bổ sung hàng ngày cho con. Nếu trẻ nhỏ hoặc biếng ăn, cha mẹ có thể xay nhỏ, chế biến thành các món dễ ăn.
Một số nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản cha mẹ cần lưu ý khi con mới ốm dậy:
- Sau khi ốm, trẻ vẫn còn chán ăn, nên cha mẹ không cố gắng ép con ăn quá nhiều, bổ sung cho con những thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu hoá như cháo, súp, … Đặc biệt, trẻ thích ăn gì hãy cố gắng đáp ứng để kích thích lại vị giác của con.
- Chia thành các bữa ăn nhỏ để trẻ dễ ăn lại hấp thu tốt. Điều này tốt cho hệ tiêu hóa so với các bữa ăn lớn.
- Không nên cho con ăn những món ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn sẵn, nước có gas, thực phẩm quá nhiều đường, ...
Ngoài chế độ dinh dưỡng, nên cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, không nên cho trẻ quay lại trường sớm.
Mới khỏi bệnh, có nhiều trẻ biếng ăn hơn so với thời gian trước đó. Vì vậy, cha mẹ nên chế biến những món ăn dễ tiêu hóa, dễ ăn, chẳng hạn:
- Cháo gà: Gà giàu protein, sắt và một số khoáng chất khác nên giúp người mới khỏi bệnh phục hồi nhanh chóng. Hơn nữa, cháo gà là món ăn dễ chế biến, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, nhất là trẻ em.
Để bổ sung thêm các dưỡng chất khác, mọi người có thể nấu cháo gà với rau xanh, các loại đậu hay các loại củ.
- Cháo lươn: Lươn là thực phẩm giàu protein, bổi bổ khí huyết và giàu dưỡng chất. Nếu con không thích cháo gà, cha mẹ có thể cân nhắc lựa chọn cháo lươn cho con.
- Cháo thịt bò: Thịt bò cũng chứa rất nhiều dưỡng chất, vitamin và sắt rất phù hợp cho trẻ mới ốm dậy, giúp tăng cường đề kháng và phục hồi sức khoẻ. Các bạn nên băm nhỏ thịt bò xào với hành tây, sau đó cho vào cùng cháo để ninh nhừ. Như vậy, con sẽ dễ ăn và hấp thu hơn.
- Nước cam: Bên cạnh các món cháo, mọi người cũng nên bổ sung vitamin cho con bằng nước ép trái cây. Nước cam là một lựa chọn tốt để bổ sung cho con. Để giảm độ chua và giúp con dễ uống hơn, mọi người nên pha thêm một chút đường.
Ngoài việc bổ sung đủ dinh dưỡng cho con, để tránh việc trẻ bị tái nhiễm bệnh, cha mẹ nên lưu ý thêm một số vấn đề:
- Hướng dẫn con thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhất là vào các mùa bệnh truyền nhiễm bùng phát.
- Khuyến khích con không nên cho tay lên mắt, mũi, miệng để tránh virus xâm nhập vào cơ thể
- Tiêm phòng cho trẻ. Trẻ dưới 3 tuổi nên tiêm đủ các mũi như viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, thuỷ đậu, cúm, ...
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giữ môi trường sống thoáng mát, khô ráo để phòng tránh nấm mốc, vi khuẩn, virus phát triển.
- Nếu các thành viên trong gia đình có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, ... không nên tiếp xúc với trẻ.
Có thể nói, trẻ thường bị ốm vặt do sức đề kháng còn kém, khi chịu những yếu tố từ bên ngoài như thời tiết, vi khuẩn, virus, ... dễ nhiễm bệnh. Sau khi khỏi bệnh, cha mẹ nên có chế độ dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý để tránh việc con bị suy dinh dưỡng, sức khoẻ yếu, dễ tái bệnh.