Trẻ ho, nôn trớ nhiều có nguy hiểm không?

Trẻ ho, nôn trớ nhiều có nguy hiểm không?
Ho dữ dội có thể khiến trẻ nôn trớ. Điều này xảy ra có thể do khi ho, đặc biệt ho kéo dài làm cổ họng kích ứng, gây hiện tượng ngứa họng, buồn nôn và nôn.

Ho là tình trạng nhiều trẻ gặp phải, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường hoặc thời tiết lạnh. Ho không phải là bệnh lý, đây là phản ứng của cơ thể giúp loại bỏ các chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp. Vì vậy, phản xạ ho cũng là cách để cơ thể tự bảo vệ và chữa lành.

Tuy nhiên, nếu trẻ bị ho kéo dài kèm theo các triệu chứng khác như nôn trớ, sốt, tiêu chảy, mệt mỏi, ... Điều này cho thấy con trẻ đang bị bệnh lý nào đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để tìm rõ nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

1. Nguyên nhân gây ho ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ho ở trẻ, chẳng hạn như:

- Nhiễm trùng: Cảm lạnh, cúm và viêm thanh khí phế quản đều có thể dẫn đến ho kéo dài ở trẻ. Cảm lạnh có xu hướng gây ho khan nhẹ đến trung bình; cúm đôi khi gây ho khan và nghiêm trọng; bệnh viêm thanh khí phế quản gây ho khan và gắt tiếng, tiếng ho của trẻ giống như hải cẩu kêu, chủ yếu ho vào ban đêm.

- Trào ngược: Khi bị trào ngược, trẻ dễ bị kích ứng cổ họng và gây ho, buồn nôn. 

- Hen suyễn: Trẻ em bị hen phế quản thường có biểu hiện ho khan tái đi tái lại nhiều lần, ho dần nặng hơn vào ban đêm đồng thời kèm theo dấu hiệu khò khè và khó thở. Các cơn hen có thể nặng hơn khi trẻ hoạt động thể chất, tiếp xúc với khói thuốc hoặc không khí ô nhiễm.

- Dị ứng hoặc viêm xoang: 2 bệnh lý này có thể khiến trẻ ho kéo dài cũng như ngứa họng, sổ mũi, chảy nước mắt, đau họng hoặc phát ban.

- Ho gà: Các cơn ho gà ở trẻ sẽ diễn ra liên hồi, âm thanh the thé khi trẻ hít vào. Nhiều trẻ ho nhiều dẫn đến nôn trớ. Ngoài ra, các triệu chứng khác của ho gà có thể bao gồm chảy nước mũi, hắt hơi và sốt nhẹ.

Trẻ ho, nôn trớ nhiều có nguy hiểm không? - Ảnh 2.

Trẻ bị ho do rất nhiều nguyên nhân (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

3 sai lầm khi điều trị ho đờm ở trẻ khiến bệnh kéo dài

Lạm dụng thuốc điều trị ho và cảm lạnh có thể gây nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ

2. Ho, nôn trớ ở trẻ có nguy hiểm không?

Tại sao ho lại gây nôn ở trẻ? Thông thường nôn trớ sẽ diễn ra khi trẻ ho quá nhiều. Điều này xảy ra có thể do khi ho quá nhiều, cổ họng bị kích ứng nên dẫn tới tình trạng ngứa họng, khó chịu và buồn nôn, nôn. 

Ngoài ra, khi ho, dạ dày có thể bị quặn thắt tạo nên cơn trào ngược tạo cảm giác buồn nôn hoặc nếu trẻ ho do viêm VA hoặc viêm amidan, trẻ thường có xu hướng bị ghê cổ và dễ buồn nôn.

Ho, nôn trớ ở trẻ thường không nguy hiểm nhưng nếu trẻ kèm theo các dấu hiệu dưới đây, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được cấp cứu:

- Ho, nôn trớ ra máu

- Khó thở hoặc thở nhanh

- Môi, mặt hoặc lưỡi chuyển sang màu xanh hoặc sẫm màu

- Xuất hiện các triệu chứng mất nước

Khi trẻ nôn trớ do ho nhiều, cha mẹ nên làm gì?

Nếu trẻ bị nôn trớ khi ho, cha mẹ nên cho bé ngồi nghiêng đầu ra phía trước hoặc nằm nghiêng, gối cao đầu, tránh để trẻ hít và sặc chất nôn. Tuyệt đối không được bế xốc trẻ khi đang nôn vì có thể chất nôn sẽ tràn vào đường thở gây khó thở, suy hô hấp cho trẻ.

Trẻ ho, nôn trớ nhiều có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Ho nhiều dễ gây kích ứng cổ họng và khiến trẻ buồn nôn (Ảnh: Internet)

3. Cách khắc phục tình trạng ho, nôn trớ ở trẻ

Tìm và điều trị đúng nguyên nhân gây ho ở trẻ sẽ khắc phục được tình trạng ho, nôn trớ cho trẻ. Để làm được điều này, cha mẹ nên:

- Đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh

- Điều trị theo sự chỉ dẫn từ bác sĩ

Ngoài phương pháp điều trị từ bác sĩ, cha mẹ nên có chế độ chăm sóc trẻ một cách phù hợp để giúp con nhanh hồi phục và tạo cảm giác dễ chịu hơn:

- Bổ sung đủ nước cho trẻ: Bổ sung đủ nước là điều cần thiết khi trẻ ốm, ho. Đối với trẻ nhỏ, mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn. Còn đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ vừa cho trẻ uống nước ấm, kết hợp uống thêm sinh tố hoặc nước ép.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Sử dụng máy tạo độ ẩm giúp bổ sung độ ẩm cho không khí, làm giảm các triệu chứng ho, ngứa họng, khô mũi, ... Tuy nhiên, nếu độ ẩm cao thì điều này là không cần thiết.

- Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn

- Khi trẻ vào cơn ho, không nên cho trẻ uống sữa, điều này có thể khiến con dễ nôn trớ hơn.

- Giữ ấm cho trẻ nếu trong mùa lạnh hoặc nằm trong phòng có máy điều hoà

- Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, ưu tiên các loại trái cây, rau củ, trứng, cá, ...  Cha mẹ nên chia nhỏ bữa ăn, chế biến thức ăn thành dạng mềm lỏng để trẻ dễ nuốt và giúp dạ dày tiêu hoá nhanh hơn, tránh tình trạng nôn trớ.

Trẻ ho, nôn trớ nhiều có nguy hiểm không? - Ảnh 4.

Tìm và điều trị đúng nguyên nhân gây ho ở trẻ sẽ khắc phục được tình trạng ho, nôn trớ cho trẻ (Ảnh: Internet)

4. Một số bài thuốc chữa ho cho trẻ

Bên cạnh việc điều trị từ bác sĩ, cha mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc trị ho dân gian để tăng hiệu quả điều trị:

- Bài thuốc từ gừng: Gừng cũng đã chứng minh các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, polysacarit trong gừng có thể giúp giảm ho. Cha mẹ có thể pha nước gừng ấm và thêm một chút đường để cho trẻ uống.

- Bài thuốc từ tỏi: Tỏi không chỉ là một loại gia vị mà còn là vị thuốc có tính kháng khuẩn và hỗ trợ tăng cường đề kháng nên rất hữu ích khi dùng để chữa ho. Cha mẹ có thể làm theo hướng dẫn sau: chưng cách thuỷ 4 đến 5 tép tỏi tươi đập dập với 1 hoặc 2 viên đường phèn, chắt lấy nước cốt sử dụng 2-3 lần/ngày.

- Bài thuốc từ mật ong: Mật ong có tính kháng khuẩn và kháng viêm nên hữu ích trong việc hỗ trợ điều trị các tình trạng ho. Cha mẹ có thể pha mật ong với nước ấm hoặc dùng mật ong chanh, mật ong ngâm hoa đu đủ đực, ... Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi không được sử dụng mật ong vì có nguy cơ ngộ độc.

- Bài thuốc từ quả lê: Lê có tác dụng bổ phế, tiêu đờm, sinh tân dịch nên được nhiều cha mẹ sử dụng để chữa ho cho con. Cách làm rất đơn giản, lê thái nhỏ sau đó hấp cùng đường phèn trong khoảng 30 phút, sau đó lọc lấy nước cho trẻ uống, đối trẻ lớn hơn có thể cho ăn cả cái.


Tác giả: Vân Anh