Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách?

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách?
Ho là cách cơ thể bạn loại bỏ chất kích thích. Vào mùa thu trẻ có xu hướng ho nhiều hơn do mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.

Cảm lạnh và ho thường gặp ở trẻ nhỏ. Ho là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ của cơ thể, giúp cơ thể loại bỏ các vi khuẩn và chất kích thích có thể gây hại, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn.

Một cơn ho thông thường kéo dài đến hai tuần, có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu ho không thuyên giảm và kèm theo nhiều triệu chứng khác nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ.

1. Nguyên nhân trẻ em bị ho

1.1. Nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút hoặc vi khuẩn khác nhau có thể dẫn đến ho do đường hô hấp bị kích thích và viêm nhiễm. Các bệnh liên quan đến nhiễm trùng phổ biến như cảm cúm, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, ho gà, Covid-19, …

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách? - Ảnh 1.

Trẻ ho nhiều có thể do nhiễm trùng đường hô hấp (Ảnh: Internet)

Ngoài ho, những bệnh hô hấp do nhiễm trùng thường kèm theo một số triệu chứng khác như:

- Sốt

-Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

- Hắt xì

- Đau đầu

- Đau nhức cơ thể

1.2. Dị ứng

Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với tác nhân nào đó như phấn hoa, lông động vật, thời tiết, thực phẩm. Một chất gọi là histamin được giải phóng trong quá trình phản ứng dị ứng và có thể gây ra các triệu chứng về đường hô hấp.

Ho khan là một triệu chứng của dị ứng kèm theo đó là hắt xì, ngứa, chảy nước mắt, sổ mũi, phát ban.

Dị ứng là bệnh lý khá phổ biến vào mùa thu. Vì vậy, cha mẹ nên lưu ý khi con xuất hiện các triệu chứng trên để có hướng điều trị phù hợp.

1.3. Hen suyễn

Hen suyễn gây ra tình trạng viêm và thu hẹp đường hô hấp, khiến trẻ cảm thấy khó thở, ho, có thể khan hoặc có đờm. Ho thường xuyên hơn vào ban đêm hoặc khi trẻ đang chơi.

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách? - Ảnh 2.

Hen suyễn khiến trẻ cảm thấy khó thở, ho (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ khi quay lại trường học

Phụ huynh đã biết những cách chữa ho cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi này chưa?

Ngoài ra, khi bị hen suyễn, trẻ gặp thêm một số triệu chứng khác như:

- Khó thở hoặc thở gấp

- Thở nhanh

- Mức năng lượng thấp

- Tức ngực hoặc đau

Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, trẻ bị ho có thể khi tiếp xúc với các chất kích thích từ môi trường như khói thuốc lá, khí thải xe hơi, ô nhiễm không khí, không khí quá lạnh hoặc khô.

2. Cách điều trị đúng cách khi trẻ bị ho

Trẻ bị ho do rất nhiều nguyên nhân nên cha mẹ cần xác định đúng bệnh để có hướng điều trị phù hợp. Đặc biệt, cha mẹ không nên tự ý cho con dùng thuốc kháng sinh vì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Một số phương pháp dưới đây có thể cải thiện triệu chứng và hỗ trợ giảm ho cho trẻ nhỏ:

2.1. Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi

Bạn có thể mua những loại thuốc nhỏ mũi không kê đơn này ở hiệu thuốc. Thuốc nhỏ nước muối có thể làm mềm chất nhầy ở mũi, giảm triệu chứng nghẹt mũi và ngăn chặn nước mũi chảy xuống họng, gây tình trạng viêm nhiễm.

Cha mẹ nên làm theo hướng dẫn trên chai để nhỏ mũi một cách an toàn. Bạn nên nhỏ mũi sáng, trưa, tối cho con để đạt hiệu quả.

2.2. Bổ sung đủ nước cho con

Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là đặc biệt quan trọng khi con bạn bị ốm. Nước giúp cơ thể chống lại bệnh tật và giữ cho đường hô hấp luôn ẩm và khỏe.

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách? - Ảnh 2.

Bổ sung nước đầy đủ giúp trẻ giảm ho hiệu quả (Ảnh: Internet)

Tùy vào thể trạng và độ tuổi của trẻ, bố mẹ có thể bổ sung cho con lượng nước khác nhau, cụ thể:

- Trẻ dưới 1 tuổi: Có thể hoặc không cần bổ sung nước, trẻ có thể chỉ cần bú sữa mẹ hoặc dùng sữa công thức.

- Trẻ 1 tuổi trở lên: Bổ sung khoảng 650ml đến 1 lít nước, tuỳ vào lượng sữa bé đã uống.

- Bé trên 10 tuổi: Uống lượng nước bằng với người lớn, từ 2 đến 2,5 lít nước.

Ngoài ra, nếu trẻ vừa ho vừa sốt, bố mẹ có thể bổ sung thêm điện giải để bù nước cho con. Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về các loại điện giải phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

2.3. Sử dụng mật ong

Mật ong là một chất làm ngọt tự nhiên có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Mật ong cũng có đặc tính kháng khuẩn và có thể giúp chống lại nhiễm trùng.

Tuy nhiên, mật ong không an toàn cho trẻ em dưới một tuổi vì có nguy cơ ngộ độc nên cha mẹ không áp dụng cách này cho bé.

Đối với trẻ trên một tuổi, bạn có thể cho một thìa mật ong nhỏ, pha với nước ấm cho con uống dễ dàng hơn. Hơn nữa, áp dụng theo cách này, bé sẽ được bổ sung thêm lượng nước cho cơ thể.

2.4. Bổ sung độ ẩm bằng máy tạo độ ẩm

Bổ sung độ ẩm cho không khí giúp đường thở của con bạn không bị khô và làm lỏng chất nhầy. Điều này có thể làm dịu cơn ho và nghẹt mũi.

2.5. Dùng tinh dầu

Để làm giảm tình trạng ho, cha mẹ có thể dùng một số loại tinh dầu như long não, dầu tràm, dầu gió thoa lên ngực và bàn chân của trẻ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu trên động vật cho thấy việc làm này có thể làm tăng chất nhờn, gây tắc nghẽn đường thở của bé, gây nguy hiểm. Vì vậy, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi áp dụng phương pháp này.

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách? - Ảnh 3.

Thoa tinh dầu lên cổ, chân, bụng trẻ kiểm soát cơn ho tốt, nhưng không áp dụng cho bé dưới 2 tuổi (Ảnh: Internet)

Đặc biệt cần lưu ý, không áp dụng cách này cho trẻ dưới hai tuổi và không thoa lên mặt hoặc dưới mũi của trẻ.

3. Khi nào cần đưa con đến bác sĩ

Nếu khi áp dụng các cách điều trị tại nhà mà tình trạng ho của trẻ không thuyên giảm và có chiều hướng nặng hơn, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và dùng thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ.

Đặc biệt, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng này, cha mẹ không nên chủ quan mà cần đưa con đi thăm khám sớm:

- Ho kéo dài hơn 10 ngày

- Sốt trên 100,4 ° F (38˚C) trong hơn 3 ngày

- Thở gấp

- Tức ngực

Hãy đến phòng cấp cứu nếu con bạn gặp tình trạng:

- Hôn mê hoặc rất mệt

- Có dấu hiệu mất nước

- Thở nhanh hoặc không thở được

- Xuất hiện màu xanh lam trên môi, móng tay hoặc da, đó là dấu hiệu của việc thiếu oxy

4. Một số cách phòng ngừa tình trạng ho cho trẻ

Để phòng ngừa các bệnh hô hấp cũng như tình trạng ho ở trẻ, các bậc phụ huynh nên lưu ý và thực hiện một số khuyến cáo sau:

** Các phương pháp dưới đây chỉ mang tính chất hỗ trợ, không thay thế cho các chỉ định của bác sĩ. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng

4.1. Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên

Việc giúp trẻ rửa tay thường xuyên sẽ ngăn ngừa được sự xâm nhập của virus, vi khuẩn vào đường hô hấp.

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ không ngậm tay, đồ chơi, ngoáy mũi. Vì điều này vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách? - Ảnh 4.

Hướng dẫn bé rửa tay thường xuyên để phòng ngừa nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh (Ảnh: Internet)

4.2. Tăng sức đề kháng cho bé

Đề kháng khoẻ sẽ giúp trẻ phòng ngừa được nhiều bệnh tật, nhất là các bệnh nhiễm trùng, hô hấp, ... nhất là khi hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện. 

Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cha mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho con. Có 4 dưỡng chất quan trọng trong sự phát triển và tăng miễn dịch ở trẻ: chất béo, chất đạm, đường bột, vitamin và khoáng chất. Những thực phẩm như rau xanh, trái cây, trứng, cá, ... rất giàu dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, nên các bậc phụ huynh nên lựa chọn bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày cho trẻ. 

Đặc biệt, cha mẹ nên cùng cấp đầy đủ hàm lượng vitamin A, C, Kẽm, Selen cho con qua thực phẩm hoặc các sản phẩm bổ sung phù hợp. 

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách? - Ảnh 5.

Bổ sung đầy đủ dưỡng chất và vitamin để tăng cường miễn dịch, phòng bệnh cho bé (Ảnh: Internet)

4.3. Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ

Trẻ thường mắc các bệnh cảm cúm, covid-19, ho gà, sởi, ... nhất là khi thời tiết thay đổi, chuyển lạnh. Do đó, bố mẹ nên tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ con trước những bệnh truyền nhiễm.

Mọi người có thể liên hệ với cơ sở y tế ở địa phương để được tư vấn và biết chính xác lịch tiêm phòng cho con. 

4.4. Duy trì cho bé lối sống khoa học

Lối sống khoa học cũng giúp trẻ tăng cường sức khoẻ, chống lại được nhiều bệnh tật. Vì vậy, nên khuyến khích con trẻ ngủ sớm, thể dục nhẹ nhàng phù hợp với trẻ, tránh để trẻ xem tivi hay điện thoại quá nhiều, ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt và làm cho trẻ lười vận động hơn. 

Đối với giấc ngủ, không chỉ ngủ sớm, bố mẹ nên đảm bảo cho con có giấc ngủ ngon như giữ nhiệt độ phòng thoáng mát, chăn mền sạch sẽ, ... Khi ngủ, bố mẹ có thể đắp chăn mỏng lên vùng cổ, chân và bụng của con, để giúp giữ ấm cho cơ thể bé. 

4.5. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ

Môi trường sống ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh phát triển. Vì thế, các gia đình nên vệ sinh nhà cửa hàng ngày, dùng dung dịch sát khuẩn vệ sinh sạch sẽ những bề mặt, đồ chơi, đồ dùng của trẻ. 

Trẻ ho nhiều vào mùa thu, cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa và điều trị đúng cách? - Ảnh 6.

Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ ngăn ngừa vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh cho trẻ (Ảnh: Internet)

Nếu trong gia đình có thành viên bị bệnh truyền nhiễm như cảm, covid-19, sởi, ... nên cách ly với trẻ đề phòng ngừa lây nhiễm. 

Nhìn chung, ho ở trẻ diễn ra phổ biến, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa. Thông thường, ho không quá nguy hiểm nhưng cha mẹ nên quan sát thêm các triệu chứng của trẻ để có hướng điều trị phù hợp. Không tự ý dùng kháng sinh và tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ là điều quan trọng để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ.

Nguồn tham khảo:

How to Treat a Cough in Toddlers at Home

Why Does My Kid Have a Dry Cough?


https://suckhoehangngay.vn/tre-ho-nhieu-vao-mua-thu-cha-me-nen-lam-gi-de-phong-ngua-va-dieu-tri-dung-cach-20220914120029083.htm
Tác giả: Vân Anh