Trẻ em có nên ăn thực phẩm chứa đường hay không?

Trẻ em có nên ăn thực phẩm chứa đường hay không?
Thực phẩm chứa đường được xem là một trong những loại thức ăn cần hạn chế đối với trẻ em. Tuy nhiên, vai trò của đường đối với cơ thể và sự phát triển của trẻ vẫn là điều không thể phủ nhận.

Nhiều ông bố, bà mẹ thường không muốn con em mình ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường. Bởi họ cho rằng đường chính là tác nhân khiến trẻ thừa cân, béo phì và sâu răng. Tuy nhiên, đường vẫn có vai trò nhất định đối với cơ thể và sự phát triển của trẻ. Cùng tìm hiểu về vai trò của đường đối với trẻ em thông qua bài viết sau đây.

1. Vai trò của đường đối với trẻ em

Đồ ngọt và các loại thực phẩm chứa đường là những món ăn khoái khẩu đối với trẻ em. Dù không được lòng phụ huynh, nhưng các loại thực phẩm này vẫn có vai trò nhất định đối với trẻ. Đường trong thực phẩm, dù là tự nhiên hay bổ sung, đều cung cấp một lượng calo cho cơ thể.

Calo chính là nhiên liệu tạo ra năng lượng cần thiết cho các hoạt động hàng ngày của trẻ. Vấn đề chỉ thực sự phát sinh khi trẻ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa đường và khiến lượng calo bị dư thừa.

Đồng thời, việc thêm đường vào các món ăn còn khiến trẻ hào hứng hơn với bữa ăn của mình. Bởi đường là nguyên liệu tạo ra màu sắc và mùi vị của các món ăn mà trẻ yêu thích.

Ngoài ra, đường cũng là thành phần quan trọng của kim tự tháp dinh dưỡng của trẻ. Để cơ thể khỏe mạnh, trẻ phải đảm bảo được một lượng đường cần thiết cho cơ thể.

Tuy vậy, bố mẹ cũng cần giới hạn lượng đường mà trẻ bổ sung hàng ngày để tránh dư thừa. Mặt khác, bố mẹ cũng có thể định hướng cho trẻ sử dụng các loại đường tự nhiên có trong các loại trái cây, hoa quả.

2. Lượng đường cần thiết cho trẻ hàng ngày

Một lượng đường vừa phải hàng ngày sẽ giúp vai trò của đường với trẻ được phát huy hiệu quả. Việc trẻ ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường có thể khiến đường dư thừa và tích tụ trong cơ thể. Lượng đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo và khiến trẻ tăng cân mất kiểm soát. Đây cũng là lý do trẻ càng tiêu thụ đồ ngọt thì tỷ lệ béo phì ở trẻ càng tăng.

Tuy nhiên, nhiều ông bố, bà mẹ vẫn còn khá chủ quan trong vấn đề này. Nếu không được kiểm soát, trẻ có thể biến các loại thực phẩm chứa đường thành bữa ăn chính. Điều này là cực kỳ nguy hiểm bởi đồ ngọt chứa rất ít vitamin và khoáng chất.

Đồng thời, chúng cũng không thể dùng để thay thế cho các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác. Để tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh, hàng ngày trẻ chỉ nên bổ sung một lượng đường như sau:

- Đối với trẻ từ 4 đến 6 tuổi: Lượng đường tối đa là 19 gram/ ngày.

- Đối với trẻ từ 7 đến 10 tuổi: Lượng đường tối đa là 24 gram/ ngày.

- Đối với trẻ từ 11 tuổi trở lên: Lượng đường tối đa là 30 gram/ ngày.


3. Những biện pháp giúp trẻ ăn ít đường hơn

Bố mẹ có vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi khẩu phần ăn của trẻ. Khi phát hiện sự chênh lệch thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, bố mẹ cần điều chỉnh ngay. Đặc biệt là khi trẻ tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa đường, bố mẹ cần có các biện pháp để cắt giảm.

Điều quan trọng là vẫn đảm bảo được số lượng và vai trò của đường với cơ thể của trẻ. Các bậc phụ huynh có thể tham khảo các mẹo giúp trẻ ăn ít thực phẩm chứa đường hơn như sau:

- Kết hợp các loại thực phẩm chứa đường cùng với thực phẩm lành mạnh hơn. Ví dụ, bố mẹ có thể thử kết hợp đường hoặc chocolate với các loại trái cây cho bữa ăn nhẹ của trẻ.

- Khuyến khích cho trẻ ăn nhiều loại trái cây có vị ngọt tự nhiên thay vì bánh, kẹo.

- Thay thế nước ngọt hoặc đồ uống có đường bằng hỗn hợp nước trái cây và soda.

- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp như: trái cây, nước ngọt có ga, ngũ cốc…

- Tránh tạo thói quen ăn đồ ngọt vào các bữa phụ cho trẻ.

- Tránh việc sử dụng bánh kẹo hoặc đồ ngọt như một phần thưởng cho hành vi tốt của trẻ.

Hiểu vai trò của đuờng sẽ giúp bố mẹ điều chỉnh khẩu phần ăn của trẻ một cách phù hợp. Bởi những thực phẩm chứa đường không hoàn toàn có hại, mà trái lại nó còn cần thiết cho cơ thể của trẻ. Hy vọng bài viết đã giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về vai trò của đường đối với trẻ.


Tác giả: Thùy Dung