Trẻ bị sốt sau tiêm chủng có nguy hiểm không? Cách xử lý như thế nào?

Trẻ bị sốt sau tiêm chủng có nguy hiểm không? Cách xử lý như thế nào?
Sau tiêm chủng, cơ thể của trẻ có thể xuất hiện một số phản ứng thể hiện sự đáp ứng với vacxin, trong đó có trẻ bị sốt sau tiêm chủng. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp sốt là bình thường và sẽ tự lui mà không cần điều trị và không để lại biến chứng.

1. Trẻ bị sốt sau tiêm chủng có nguy hiểm không?

Như chúng ta đã biết, tiêm vacxin cho trẻ thực chất là việc đưa các kháng nguyên vào cơ thể trẻ một cách chủ động để cơ thể trẻ tự tạo miễn dịch đối với tác nhân gây bệnh, nhờ vậy giúp phòng tránh bệnh về sau khi các tác nhân thực sự tấn công trẻ.

Vì là một loại chất lạ, nên khi vacxin được đưa vào cơ thể trẻ, nó sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận dạng và thực hiện các đáp ứng miễn dịch cần thiết. Từ đó khiến cho cơ thể sinh ra các phản ứng khác nhau sau khi tiêm, trong đó có trẻ bị sốt sau tiêm chủng. 

Do đó trẻ bị sốt sau tiêm chủng là một phản ứng bình thường thể hiện trẻ có sự đáp ứng miễn dịch với vacxin. Tình trạng trẻ bị sốt sau tiêm chủng trong hầu hết các trường hợp là một tình trạng không nghiêm trọng, thường chỉ là sốt nhẹ (đôi khi có thể sốt cao nhưng hiếm gặp hơn) bắt đầu sau khi tiêm 1 đến vài giờ, và sốt sẽ tự lui dần sau từ 1-2 ngày.

2. Cần làm gì khi trẻ bị sốt sau tiêm chủng

2.1. Kiểm tra thân nhiệt thường xuyên cho trẻ

Theo dõi thân nhiệt cho trẻ thường xuyên sau tiêm chủng là điều nên làm. Nên sử dụng dụng cụ nhiệt kế để có kết quả chính xác thay vì sờ bằng tay, đồng thời nên sử dụng nhiệt kế điện tử thay cho nhiệt kế thủy ngân để tránh nhiệt kế vỡ gây nguy hiểm cho trẻ.

Theo dõi nhiệt độ thường xuyên kiểm soát chính xác nhiệt độ của trẻ, phát hiện được sốt cao quá mức, sốt nhẹ nhưng kéo dài trong thời gian quá lâu,...

2.2. Hạ sốt cho trẻ đúng cách

Có hai cách mà cha mẹ có thể sử dụng để hạ sốt khi trẻ bị sốt sau tiêm chủng là hạ sốt bằng các phương pháp vật lý và hạ sốt bằng thuốc.

Trẻ bị sốt sau tiêm chủng có nguy hiểm không? Cách xử lý như thế nào? - Ảnh 2.

Đối với các trường hợp trẻ chỉ bị sốt nhẹ (dưới 38oC) thì chỉ cần hạ sốt bằng các phương pháp vật lý như chườm mát hoặc lau mát bằng nước ấm, mặc quần áo mỏng thoải mái,... 

Đối với những trường hợp trẻ bị sốt cao trên 38,5oC, bên cạnh việc sử dụng các biện pháp hạ sốt vật lý thì cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt. Nhưng việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bởi hệ thống các men chuyển hóa thuốc trong cơ thể trẻ có thể chưa hoàn thiện và gây thương cho trẻ nếu sử dụng thuốc không đúng liều lượng.

2.3. Bù nước và điện giải

Khi trẻ bị sốt (đặc biệt là sốt cao) thì sẽ xuất hiện nguy cơ rối loạn nước và hệ điện giải trong cơ thể. Vì thế, đối với những trẻ bị sốt sau tiêm chủng, cha mẹ cũng cần lưu ý đến vấn đề bù nước và điện giải cho trẻ. Có thể cho trẻ uống thêm nhiều nước hơn, bú nhiều hơn, ăn các loại thức ăn có hàm lượng nước cao, hoặc sử dụng nước cháo loãng có nêm thêm muối,...

Nếu cho trẻ bù dịch bằng các dung dịch điện giải chuyên dụng như oresol,... thì cần phải tuân thủ về cách pha chế, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

2.3. Đưa trẻ gặp bác sĩ khi cần thiết

Hầu hết các trường hợp trẻ bị sốt sau tiêm chủng là sốt nhẹ và thường sẽ tự lui sau 1-2 ngày. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ mà sốt phản ánh một trạng thái nghiêm trọng hơn. Khi này trẻ cần được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ để có sự xử lý kịp thời.

Trẻ sốt cao liên tục trên 39oC, trẻ sốt kéo dài trên hai ngày liên tục, hoặc sốt có kèm theo một số biểu hiện như lơ mơ, nôn ói, đi cầu ra máu, co giật,... là những trường hợp mà trẻ nên được đưa đến gặp bác sĩ ngay.

Có thể thấy rằng, trẻ bị sốt sau tiêm chủng là phản ứng bình thường của cơ thể và đều an toàn trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần theo dõi kỹ tình trạng sốt của trẻ sau tiêm chủng để có thể xử lý đúng đắn và kịp thời. 


Tác giả: QN