Sốt là hiện tượng rất phổ biến, đây là phản ứng bình thường giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, đối với trẻ, sốt có thể gây ra tình trạng co giật hoặc một số tình trạng nghiêm trọng khác. Do đó, khi trẻ bị sốt cha mẹ nên quan sát các triệu chứng khác mà trẻ gặp phải.
Sốt là tình trạng cơ thể có nhiệt độ trên 38 độ. Sốt ở trẻ em thường do nhiễm trùng. Sốt có thể bảo vệ cơ thể bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Các bác sĩ cũng cho rằng nhiệt độ cao hơn khiến vi trùng khó phát triển hơn.
Ngoài nhiễm trùng, sốt ở trẻ cũng có thể do mọc răng, tiêm chủng,... nhưng các tình trạng này không kéo dài và không nguy hiểm.
Khi bị sốt, trẻ có thể có các phản ứng kèm theo như:
- Nóng người, nhất là phần đầu
- Thở nhanh hơn một chút hoặc nhịp tim nhanh hơn bình thường
- Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi
- Đau đầu
- Làn da có thể chuyển sang màu đỏ ửng
- Quấy khóc hoặc ngủ li bì
Đọc thêm:
- Trẻ bị sốt có nên nằm điều hòa không?
- Phải làm gì khi trẻ bị sốt cao co giật?
Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể nhưng sốt cũng có thể gây ra một số vấn đề ở trẻ nếu không được kiểm soát tốt, chẳng hạn như co giật. Vì vậy, ngoài phản ứng sốt, cha mẹ rất lo lắng khi trẻ xuất hiện các triệu chứng khác, trong đó có tình trạng trẻ bị sốt kèm theo chân tay lạnh. Liệu đây có phải là triệu chứng bất thường ở trẻ khi bị sốt hay không?
Thật may mắn, hầu hết các trường hợp trẻ bị sốt chân tay lạnh đều bình thường. Theo Healthline, điều này có thể xảy ra vì hệ thống tuần hoàn máu và miễn dịch mới của trẻ đang hoạt động chống lại vi trùng ở những nơi khác trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm nhiệt ra khỏi các bộ phận bên ngoài như tay và chân.
Sốt cũng có thể dẫn đến ớn lạnh và nhiệt độ thấp khi cơ thể bé cố gắng cân bằng cơn sốt tăng đột ngột.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên lơ là khi trẻ bị sốt kèm theo chân tay lạnh. Đây cũng có thể là triệu chứng của nhiễm trùng huyết. Do đó, cha mẹ nên quan sát thêm các phản ứng khác của trẻ, nếu có những triệu chứng bất thường thì nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám.
Triệu chứng nhiễm trùng huyết ở trẻ
- Sốt, run rẩy hoặc nhiệt độ rất thấp, chân tay lạnh
- Thở nhanh
- Nhịp tim nhanh hoặc đập nhanh, đặc biệt nếu sốt giảm
- Da đổ mồ hôi hoặc có đốm
- Ngủ li bì, thờ ơ
- Khóc nhiều, đối với trẻ biết nói có thể phàn nàn về những cơn đau
Chân tay lạnh khi bị sốt hầu hết là phản ứng bình thường của trẻ cũng như không quá nguy hiểm. Do vậy, các cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp hạ sốt thông thường cho trẻ:
- Hạ sốt: Nếu trẻ bị sốt trên 38,5 độ, quấy khóc thì cha mẹ nên cho trẻ uống hạ sốt nhưng cần lưu ý sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ:
+ Không được cho trẻ uống aspirin vì thuốc này có thể dẫn đến sự phát triển của một tình trạng hiếm gặp gọi là hội chứng Reye, có thể gây tử vong hoặc gây ra các vấn đề nghiêm trọng về não.
+ Không cho trẻ dưới 2 tháng tuổi uống paracetamol
+ Không dùng ibuprofen cho trẻ dưới 3 tháng hoặc dưới 5kg
+ Không dùng ibuprofen cho trẻ bị hen suyễn trừ khi được bác sĩ khuyên dùng
+ Không kết hợp ibuprofen và acetaminophen, trừ khi được bác sĩ yêu cầu
- Bù nước cho trẻ: Khi sốt cơ thể trẻ sẽ bị mất nước nên cần bù nước để tránh các vấn đề do mất nước gây ra như mất cân bằng điện giải. Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước ấm, sữa, canh,... Nếu trẻ không muốn ăn uống thì nên chia thành nhiều bữa nhỏ.
- Nghỉ ngơi: Tạo không gian thoải mái cho trẻ nghỉ ngơi hoặc ngủ sẽ giúp nhiệt độ cơ thể hạ xuống và tạo cảm giác thoải mái hơn.
* Lưu ý: Nếu nhiệt độ không vượt quá 38,5 độ C, trẻ vẫn chơi và không quấy khóc thì cha mẹ không cần thiết phải sử dụng thuốc. Lúc này cha mẹ có thể chườm ấm để hạ nhiệt, không mặc nhiều quần áo hoặc ôm ấp trẻ, áp dụng một số bài thuốc dân gian (chẳng hạn như cho trẻ uống nước lá diếp cá hoặc đắp diếp cá lên trán),...
Khi trẻ bị sốt chân tay lạnh sẽ không quá nguy hiểm nhưng nếu kèm theo các triệu chứng dưới đây, cha mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện sớm:
- Thờ ơ hoặc cáu kỉnh
- Trẻ sơ sinh không chịu bú
- Khó thở
- Thở nhanh hoặc thở hổn hển
- Đau, đỏ hoặc sưng ở một vùng (như đau họng hoặc đầu gối sưng đỏ)
- Đi tiểu rất ít
- Sốt kéo dài hơn 3 ngày
- Uống thuốc hạ sốt mà không có tác dụng
- Da xanh, nhợt nhạt, có đốm ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân
- Nôn ói, tiêu chảy
- Co giật
Như đã đề cập, trẻ bị sốt chân tay lạnh hầu hết là phản ứng bình thường. Hơn nữa, khi bị sốt cơ thể nhiệt độ tăng cao. Lúc này, các bác sĩ thường khuyến cáo không nên mặc ấm cho trẻ vì sẽ làm quá trình tản nhiệt không hiệu quả.
Do đó, bất kỳ ai bị sốt nên mặc ít quần áo, không nên đeo tất chân, tất tay hay đội mũ để giúp cơ thể tản nhiệt tốt hơn và giúp hạ sốt nhanh hơn.
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ có thể pha một số tinh dầu như dầu tràm, bạc hà,... với nước ấm, sau đó nhúng khăn và chườm đầu cho trẻ. Tuy nhiên, làn da của trẻ nhỏ còn khá nhạy cảm, do đó cha mẹ không nên thoa trực tiếp dầu nguyên chất vào tay chân hay làn da của trẻ.
Nhìn chung, trẻ bị sốt chân tay lạnh hầu hết là phản ứng bình thường. Khi trẻ bị sốt cha mẹ có thể quan sát các triệu chứng trong quá trình chăm sóc. Nếu không kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác thì tình trạng này không quá lo ngại đối với sức khoẻ của trẻ.
Nguồn tham khảo:
1. Why Does My Baby Have Cold Hands?
2. Fever in Kids: When to Call the Doctor
3. Is your baby or toddler seriously ill?