Trẻ bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Trẻ bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Một nghiên cứu lưu ý rằng trẻ em bị chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch.

Theo một nghiên cứu năm 2019, gần 1 tỷ người trưởng thành trên toàn thế giới phải vật lộn với một số dạng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ. Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ cho rằng, nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong cao hơn bệnh tim. Tổ chức y tế này cũng lưu ý đối với trẻ em bị chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Một tuyên bố mới đây được đăng trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho biết chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch của thanh thiếu niên, và có thể dẫn đến bệnh cao huyết áp. Điều quan trọng là cha mẹ phải biết các triệu chứng cần theo dõi và biết cách giúp con kiểm soát chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.

Trẻ bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh 1.

Chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch của thanh thiếu niên - Ảnh: scitechdaily

Đọc thêm:

- Nhận biết chứng ngưng thở khi ngủ thông qua 9 dấu hiệu từ nặng đến nhẹ sau

- Bạn có thể phòng ngừa chứng ngưng thở khi ngủ nhờ đeo tất!

Hiểu rõ hơn chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ thường được gọi là OSA, một chứng bệnh xảy ra khi hơi thở của trẻ bị cản trở trong khi ngủ. Sự tắc nghẽn ở đường hô hấp trên làm gián đoạn quá trình thở khi một người đang cố gắng lấy hơi.

"Khi chúng ta ngủ, các cơ ở phía sau cổ họng giãn ra, điều này có thể dẫn đến xẹp và tắc nghẽn đường hô hấp trên ở một số bệnh nhân", Armeen Poor, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Metropolitan ở New York lưu ý.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy OSA phổ biến ở khoảng 9% trẻ em và 44% trẻ em béo phì.

Có một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra OSA ở trẻ em, chẳng hạn như đường thở bị nhỏ hoặc hẹp; viêm tắc đường thở hoặc trương lực cổ yếu. Ngoài ra, các u tuyến hoặc amidan lớn cũng có thể gây ra tình trạng này. Đặc biệt, trẻ em bị béo phì, bệnh hồng cầu hình liềm hoặc sinh non cũng có nguy cơ dễ bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ hơn.

Chủng tộc cũng có thể là một yếu tố nguy cơ đối với OSA, vì trẻ em người Mỹ gốc Phi có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao hơn. Một nghiên cứu năm 2016 ghi nhận rằng trẻ em da đen có nguy cơ gặp khó khăn với chứng ngưng thở khi ngủ cao gấp 6 lần so với trẻ em da trắng.

Trẻ bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh 2.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy OSA phổ biến ở khoảng 9% trẻ em và 44% trẻ em béo phì - Ảnh: drpuvan

Cũng giống như người lớn, chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể tác động bất lợi đối với trẻ em.

"Trẻ em mắc chứng OSA ngủ ít giờ hơn và khi đang ngủ, trẻ có thể có nồng độ oxy thấp và carbon dioxide cao suốt đêm. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ cáu kỉnh, thay đổi hành vi và mệt mỏi trong ngày", Holly Gooding, chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em của Atlanta chia sẻ.

Ngoài ra, chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tim mạch của trẻ.

"OSA dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn, các vấn đề tim mạch tiềm ẩn như rối loạn nhịp tim toàn thân, tăng áp động mạch phổi và những thay đổi trong giải phẫu và chức năng của tim. Những vấn đề này có liên quan đến rối loạn nhận thức và hành vi, chẳng hạn như rối loạn tăng động giảm chú ý", Luis Torero, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Northwestern Medicine Central DuPage giải thích.

Có nhiều phương án điều trị chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ

Hiểu được các triệu chứng của chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ là bước đầu tiên để tìm ra giải pháp trợ giúp cho trẻ. Các triệu chứng của OSA ở trẻ thường bao gồm:

- Ngáy liên tục khi ngủ;

- Thở hổn hển khi ngủ hoặc tạm dừng thở;

- Mệt mỏi sau khi ngủ dậy;

- Trẻ bị ủ rũ và khó chịu;

- Trẻ có nhiều thay đổi tiêu cực trong kết quả học tập.

Trẻ bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch - Ảnh 3.

Có nhiều lựa chọn về điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở trẻ - Ảnh: sleepfoundation

Có nhiều lựa chọn về điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ ở trẻ. Một số trường hợp có thể dùng thuốc chống viêm hoặc thay đổi chế độ ăn uống nhằm giảm cân đối với trẻ bị béo phì, những điều này có thể làm giảm bớt các vấn đề có thể xảy ra do OSA.

Ngoài ra, chỉ định thở áp lực dương liên tục (CPAP) cũng có thể giúp ích cho trẻ, tuy nhiên sử dụng máy trợ thở đối với trẻ sẽ tương đối khó khăn. Để điều trị OSA, bác sĩ cũng có thể cân nhắc lựa chọn phẫu thuật, chẳng hạn như cắt amidan.

Tốt nhất, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia về giấc ngủ của trẻ khi nhận thấy các triệu chứng nghi vấn. Ngoài ra, cha mẹ nên trợ giúp giấc ngủ của trẻ bằng cách cho trẻ đi ngủ đúng giờ và phòng ngủ không bị tác động bởi tiếng ồn để trẻ được ngủ ngon hơn.

Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/sleep-apnea-can-lead-to-heart-problems-in-children-5198658


Tác giả: Tiểu Quyên