Mùa hè đang đến gần và với kiểu thời tiết thất thường như hiện nay, việc phát sinh thêm nhiều bệnh nguy hiểm vào mùa nóng là nỗi sợ của nhiều người. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối diện thường xuyên hơn với chứng sốc nhiệt.
Sốc nhiệt tưởng chừng là một hiện tượng đơn giản, tuy nhiên nó có thể lấy đi tính mạng của bạn bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy, rất nhiều bệnh nhân bị sốc nhiệt trước khi xe cấp cứu đến.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt. Trong đó, đối tượng dễ bị sốc nhiệt nhất chính là trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, hiếu động, hay chạy nhảy… nên nguy cơ mất nước do toát mồ hôi, mất muối là rất lớn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sốc nhiệt hay còn gọi là say nắng là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Khi bị sốc nhiệt, bệnh nhân có thể bị tổn thương não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Các triệu chứng ban đầu của sốc nhiệt thường là rối loạn nhẹ liên quan đến nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và kiệt sức vì nóng. Ngoài ra, sốc nhiệt còn có các triệu chứng khác, bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.
"Tuy nhiên, sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước", chuyên gia cảnh báo. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cực nhanh nhạy trong việc nhận biết, nhất là với những người phải tiếp xúc với nắng nóng liên tục.
Những người thường xuyên làm việc dưới ánh nắng mặt trời, hay toát mồ hôi do tập luyện, không cấp đủ nước cho cơ thể, thậm chí thay đổi nóng - lạnh đột ngột từ điều hòa ra ngoài trời cũng rất dễ bị sốc nhiệt.
Khi bị sốc nhiệt, chúng ta thường nhanh chóng tìm cách hạ nhiệt bằng nước đá. Chuyên gia cảnh báo, đây là cách hạ nhiệt sai lầm. Việc làm này không những không làm mát cơ thể mà còn khiến tim đập loạn nhịp, gây viêm họng và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Thậm chí nhiều người còn tắm ngay khi cơ thể đang đầm đìa mồ hôi có thể dẫn đến đột quỵ, gây nguy hiểm tính mạng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khi bị sốc nhiệt, bạn cần nhanh chóng làm những bước sau để cứu người thân kịp thời:
- Gọi 115 ngay lập tức để xe cấp cứu đến càng sớm càng tốt.
- Tiến hành làm mát cho nạn nhân trong thời gian chờ đợi cấp cứu bằng cách:
- Dìu nạn nhân vào bóng râm hoặc vào trong nhà, ở nơi thoáng đãng.
- Cởi bỏ bớt quần áo trên người nạn nhân để cơ thể được thông thoáng hơn.
- Lấy khăn nhúng nước áp vào người hoặc sử dụng bình xịt, xịt nước mát lên người để làm mát cơ thể.
- Cho nạn nhân uống nước lọc mát hoặc các loại đồ uống mát không có cồn và caffeine nếu có thể uống được.
- Cho nạn nhân uống nước lọc mát hoặc các loại đồ uống mát không có cồn và caffeine nếu có thể uống được.
- Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động. Cách thực hiện như sau:Nâng đầu bệnh nhân ngả về phía sau để thông khí đạo và ép nén ngực nạn nhân 30 lần ngay tức thời, sau đó tiếp hơi thở bằng miệng 2 lần, cứ như thế mà tiếp tục thực hiện xen kẽ với nhau.
- Sau khi hạ nhiệt tại nhà, không được chủ quan không cần đến bệnh viện. Bệnh nhân vẫn cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu… để có phương pháp điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.
Để phòng tránh bị sốc nhiệt trong ngày nắng nóng, chúng ta cần bổ sung đủ nước cho cơ thể, tránh tình trạng mất nước, không hoạt động quá sức, hoạt động nhiều giờ dưới thời tiết nắng nóng. Nếu phải lao động vào trời nắng, bạn cần uống nhiều nước, bù muối, bù khoáng, che chắn cho cơ thể khỏi ánh nắng trực tiếp, tìm chỗ râm mát, không tắm ngay sau khi đổ mồ hôi hay đi làm về. Ngoài ra, cần tránh các loại nước giải khát có cồn, nhiều đường và caffeine - nguyên nhân khiến cơ thể của bạn bị mất nước trầm trọng.