Trầm cảm và stress - những điều cần phân biệt

Trầm cảm và stress - những điều cần phân biệt
Trầm cảm và stress là hai vấn đề về tâm lý, thần kinh hoàn toàn khác hẳn nhau. Tuy nhiên đến nay nhiều người vẫn không phân biệt được chính xác thế nào là trầm cảm, thế nào là stress, dẫn tới việc nhầm lẫn bệnh, không điều trị dứt điểm gây ra những hậu quả khó lường.

Bệnh trầm cảm là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hay nhầm lẫn bệnh trầm cảm và stress hoặc các hiện tượng căng thẳng khác của thần kinh. Điều đó dẫn tới việc hiểu sai về chúng và xem nhẹ hoặc quan trọng hóa tình trạng bệnh, gây khó khăn trong điều trị. 

Nhiều người có thói quen dùng chung hai cụm từ bệnh trầm cảm và stress để chỉ chung cảm giác mệt mỏi, chán nản. Vậy thực tế chúng cần được phân biệt như thế nào?

1. Bệnh trầm cảm và stress là gì?

Stress còn được gọi với cái tên khác là trạng thái căng thẳng. Đây là hiện tượng khi chúng ta cảm thấy áp lực, dễ bị kích động. Thực chất stress là một hiện tượng tâm lý do phản ứng của cơ thể khi đứng trước một sự kiện hoặc tình huống căng thẳng nào đó về tinh thần hoặc thể chất. Stress có thể gây ra mất ngủ, ảnh hưởng tới tiêu hóa, tâm lý và cuộc sống của chúng ta. 

Bệnh trầm cảm lại không đơn giản như vậy, nó là một dạng rối loạn tâm thần khiến cho các hoạt động chức năng trong não bị thay đổi. Khi bị bệnh trầm cảm, chúng ta sẽ luôn cảm thấy buồn bã, mất đi hứng thú và tình trạng này lặp đi lặp lại, kéo dài dai dẳng. Bệnh trầm cảm sẽ gây ra những ảnh hưởng về suy nghĩ, hành xử, cảm nhận và nặng hơn có thể dẫn tới các vấn đề về thể chất và tinh thần. 

Như vậy, trầm cảm và stress hoàn toàn khác nhau, và có thể stress là một trong những biểu hiện khi chúng ta mắc trầm cảm. Thực chất, chỉ có trầm cảm là bệnh lý về thần linh và tâm lý, còn stress chỉ là tình trạng cơ thể phản ứng với những ức chế về mặt thần kinh.

Ảnh 2.

Trầm cảm và stress hoàn toàn khác nhau, và có thể stress là một trong những biểu hiện khi chúng ta mắc trầm cảm (Ảnh: Internet)

2. Các dấu hiệu phân biệt bệnh trầm cảm và stress

– Vấn đề với giấc ngủ: Người bị căng thẳng có thể trải qua tình trạng bị mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều như một cách trốn tránh các vấn đề gây căng thẳng sắp xảy ra.

Với trầm cảm, người bệnh cũng có thể mắc các vấn đề rối loạn giấc ngủ như mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Tuy nhiên, kể cả có ngủ trong nhiều giờ liền, người bị trầm cảm vẫn có cảm giác mệt mỏi, uể oải.

Nhìn chung, trầm cảm và stress đều có chung biểu hiện là hiện tượng mất ngủ nhưng với căn bệnh trầm cảm, vấn đề này kéo dài và kèm theo cảm giác uể oải chán nản cuộc sống.

Ảnh 3.

Ảnh: Internet

– Khó khăn trong việc giải quyết công việc: Căng thẳng có thể khiến bạn làm việc không hiệu quả hoặc làm việc tốt hơn, tùy thuộc vào cách bạn giải quyết tình huống. Ngược lại, người bị trầm cảm có xu hướng gặp khó khăn khi đưa ra các quyết định, không giữ được sự tập trung và làm việc không hiệu quả kể cả khi nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh.

– Cảm giác quá sức hoặc tuyệt vọng: Căng thẳng, stress xảy ra khi một người làm việc quá sức hoặc không đủ khả năng đối phó với các tình huống trong cuộc sống. Với trầm cảm, người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn chán và tuyệt vọng trong mọi tình huống.

Ảnh 4.

Ảnh: Internet

– Dấu hiệu thể chất: Cả căng thẳng và trầm cảm đều gây ra các thay đổi như tăng cân, mệt mỏi, sốt và run chân tay… Tuy nhiên, với những người bị căng thẳng, các triệu chứng này có xu hướng giảm nhẹ khi nguyên nhân gây căng thẳng được kiểm soát.

Còn với người bị trầm cảm, các triệu chứng này có xu hướng trở nên trầm trọng hơn, khiến người bệnh càng thêm bất lực, buồn chán.

– Thay đổi tâm trạng: Những người đang bị căng thẳng có thể cảm thấy lo lắng, hồi hộp, cáu kỉnh hay chán nản. Người bị trầm cảm có thể trở nên giận dữ vô cớ. Những cảm xúc cực đoan có thể làm tăng cảm giác tội lỗi, bất lực của người bệnh.

– Khuynh hướng tự tử: Dù tình huống có quá sức đến thế nào, người bị căng thẳng cũng không có ý định tự tử. Ngược lại, người bị trầm cảm trong giai đoạn bệnh tiến triển rất hay có ý nghĩ tiêu cực này.

– Tình trạng căng thẳng có thể được khắc phục chỉ bằng cách thay đổi lối sống, nhưng người bị trầm cảm có thể phải điều trị, chăm sóc đặc biệt để trở lại trạng thái bình thường. Những thay đổi tâm lý và thể chất khi bị trầm cảm là do các thay đổi hóa học trong não bộ. Điều này khiến các triệu chứng trầm cảm xảy ra nghiêm trọng và kéo dài lâu hơn so với căng thẳng, stress.

Trầm cảm và stress luôn cần được nhìn nhận rõ để tránh trường hợp chủ quan, coi nhẹ các dấu hiệu hoặc quan trọng hóa tình trạng cơ thể. Nhất là khi bệnh trầm cảm đang có xu hướng phổ biến như hiện nay, việc phát hiện sớm và điều trị là vô cùng cần thiết.

Tác giả: Phương Thuận