Top 5 bệnh lý nguy hiểm do cung cấp thiếu natri cho cơ thể

Top 5 bệnh lý nguy hiểm do cung cấp thiếu natri cho cơ thể
Hầu hết mọi người có đủ natri chỉ nhờ chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cơ thể được cung cấp thiếu natri có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

1. Sưng phù não

Natri có khả năng điều chỉnh dòng nước vào và ra khỏi tế bào để cân bằng chất lỏng. Khi thiếu natri, nước tự do di chuyển vào trong tế bào và tồn tại ở đó, gây ra sưng trong các mô của cơ thể. Khi thiếu natri nhẹ, sưng mô như bọng mắt, phù tay chân,.... tương đối vô hại. Nhưng khi các tế bào trong não sưng lên, nó sẽ gây bất lợi hơn nhiều.

Các tế bào não bị bó chặt bởi xương sọ, nên dù chỉ sưng lên rất ít cũng có thể gây nguy hiểm. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi nồng độ natri giảm đột ngột, khiến các tế bào não bị sưng lên nhanh chóng. Sưng trong các mô não có thể dẫn đến đau đầu, nhầm lẫn, mất phương hướng. Nếu không được điều trị y tế ngay lập tức, vết sưng nhanh này có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

2. Buồn nôn và chuột rút

Ngoài sưng mô não, thiếu natri còn gây sưng ở các mô cơ thể khác, bao gồm cả hệ thống tiêu hóa và cơ bắp. Điều này dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, chuột rút cơ và co giật. 

Những người lao động nặng, hoặc các vận động viên thường bị buồn nôn, chuột rút trong khi vận động thường được khuyên sử dụng thức uống thể thao hoặc gel cung cấp natri để ngăn ngừa hoặc giảm các triệu chứng.

3. Huyết áp thấp

Thiếu natri dẫn đến mất nước ở bên ngoài tế bào, làm giảm thể tích máu, gây huyết áp thấp, là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Huyết áp thấp khiến các cơ quan khó nhận được chất dinh dưỡng và oxy.

Điều này có thể dẫn đến suy giảm chức năng, thậm chí là tổn thương nội tạng nghiêm trọng. Huyết áp thấp cũng biểu hiện ở các triệu chứng như thường xuyên mệt mỏi và khó tập trung.

4. Thiếu natri nghiêm trọng có thể gây đột quỵ

Lượng natri quá thấp dẫn đến tăng sưng trong các tế bào và mô của não, dẫn đến tăng áp lực não lên hộp sọ. Áp lực này trước tiên gây đau đầu, nếu nghiêm trọng và không được điều trị đúng cách sẽ gây đột quỵ. 

Thiếu natri gây vận chuyển dinh dưỡng và oxy kém khiến các cơ quan ngừng hoặc không hoạt động. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

5. Ngăn ngừa nguy cơ thiếu natri

Thiếu natri rất hiếm khi xảy ra, bởi muối là gia vị gần như không thể thiếu của mỗi món ăn. Chúng ta thường gặp tình trạng dư thừa natri nhiều hơn. Thiếu natri thường xảy ra ở những người mắc một số bệnh lý về gan và thận, người đang sử dụng thuốc tăng đào thải, người lao động nặng hoặc vận động viên hoạt động cường độ cao. Những đối tượng này cần hết sức thận trọng để tránh bị thiếu natri:

- Tham khảo các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống, và lượng natri bổ sung thích hợp với bản thân.

- Lưu ý khi sử dụng các thuốc tăng đào thải như thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm,.... Thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

- Nếu bệnh nhân bị nôn hoặc tiêu chảy quá nhiều thì việc sử dụng thuốc giúp ngừng nôn và tiêu chảy là cần thiết để giúp đưa mức natri trở lại mức bình thường. 

- Nếu thiếu natri cho hoạt động cường độ cao, toát mồ hôi nhiều thì có thể khắc phục bằng cách uống bù nước điện giải.

Thiếu natri gây ra những tình trạng sức khỏe vô cùng nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng thiếu natri, bác sĩ cần xác định và điều trị nguyên nhân căn bản. Trong khi nguyên nhân cơ bản đang được khắc phục, các phương pháp điều trị bổ sung thường sẽ được sử dụng để điều chỉnh tạm thời lượng natri trong cơ thể. Những phương pháp điều trị này có thể bao gồm tiêm natri vào cơ thể thông qua đường tĩnh mạch và hạn chế uống nước.

Nguồn dịch: https://www.livestrong.com/article/408584-the-effects-of-a-deficiency-of-sodium-in-a-diet/


Tác giả: Mai Nhung