4 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
4 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm
Khi bị bệnh thoát vị đĩa đệm, bạn không chỉ cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ mà còn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng và các chất cần thiết cho cơ thể sẽ giúp thúc đẩy quá trình hồi phục sức khỏe tốt hơn.

Đối với những người bị bệnh thoát vị đĩa đệm, vấn đề "thoát vị đĩa đệm nên ăn gì, thoát vị đĩa đệm kiêng ăn gì" vô cùng quan trọng. Chế độ dinh dưỡng hàng ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và hiệu quả chữa thoát vị đĩa đệm. 

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, bận rộn như ngày nay, nhất là những người trẻ, họ thường có tâm lý cậy sức trẻ, coi thường bệnh tật mà không hề để ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, chế độ sinh hoạt hàng ngày sao cho đúng. 

Những người bị bệnh thoát vị đĩa đệm thì càng cần quan tâm nhiều hơn tới dinh dưỡng hàng ngày. 4 nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng sau đây sẽ giúp người bệnh xây dựng được chế độ ăn uống hợp lý, hỗ trợ điều trị bệnh và hồi phục sức khỏe tốt hơn:

1. Người bệnh thoát vị đĩa đệm cần bổ sung nhiều canxi

Với các bệnh về xương khớp nói chung, canxi là chất vô cùng quan trọng và thiết yếu. Canxi là thành phần quan trọng nhất của bộ xương. Canxi giúp xương phát triển, cải thiện chiều cao và tầm vóc, giúp duy trì bộ xương chắc khỏe. Có thể nói canxi là nguyên tố không thể thiếu được đối với việc duy trì và đảm bảo cho hệ cơ quan vận động duy trì nhịp đập của tim, sự đông đặc của máu, nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể.

Thoát vị đĩa đệm nên ăn gì? Trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày của người bị bệnh thoát vị đĩa đệm không nên thiếu các loại thực phẩm bổ sung canxi. Đồ ăn giàu canxi mà bạn có thể tham khảo: sữa các loại, đậu nành, cá, tôm, các loại rau màu xanh đậm như cải xoăn, rau diếp, rau bina… giúp xương khớp chắc khỏe hơn, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình chữa thoát vị đĩa đệm.

2. Tăng cường nhóm thực phẩm giàu vitamin C, D, E

Người bệnh thoát vị đĩa đệm không chỉ cần đến thực phẩm giàu canxi mà hơn hết là một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Các loại thực phẩm giàu vitamin C, D, E cũng cần xuất hiện thường xuyên trong thực đơn hàng ngày:

- Thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam, bưởi, súp lơ xanh, dứa… giúp hỗ trợ giảm đau nhẹ, kháng viêm hiệu quả. Vì vậy để giảm cảm giác đau nhức do bệnh thoát vị đĩa đệm gây ra, bạn cũng nên ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C nhé.

- Thực phẩm giàu vitamin D như: lòng đỏ trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các loại nấm, phomai… sẽ hỗ trợ quá trình hấp thụ và chuyển hóa canxi từ thức ăn vào cơ thể tốt hơn. Như vậy, cùng với canxi, vitamin D sẽ góp phần bảo vệ kết cấu khung xương, gia tăng sức mạnh cơ bắp.

- Thực phẩm giàu vitamin E: bông cải xanh, bí ngô, hạt hạnh nhân, quả bơ… có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ kháng viêm hiệu quả. Bên cạnh đó, bổ sung đủ vitamin E cần thiết cho người bệnh thoát vị đĩa đệm còn giúp hỗ trợ giảm đau rất tốt.

3. Tăng cường nhóm thực phẩm giàu omega-3

Cảm giác đau nhức ở người bệnh thoát vị đĩa đệm sẽ được xoa dịu phần nào nếu được bổ sung lượng omega-3 cần thiết cho cơ thể. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ vừa đủ các loại thực phẩm giàu omega-3 sẽ giúp làm tăng hiệu quả của thuốc kháng viêm - loại thuốc thường được sử dụng trong chữa trị bệnh thoát vị đĩa đệm.

Thực phẩm giàu omega-3 nên sử dụng nhiều như: dầu oliu, hạt hạnh nhân, hạt óc chó, cá hồi, cá ngừ.

Mặc dù dầu cá là sản phẩm rất giàu omega-3 và nhiều người bị thoát vị đĩa đệm có xu hướng sử dụng chúng nhưng điều này cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Sử dụng dầu cá quá liều đối với người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể gây ra tác dụng phụ là rối loạn đông máu.

4. Cần uống đủ 2l nước mỗi ngày

Chắc hẳn có nhiều thắc mắc về nguyên tắc dinh dưỡng: uống đủ 2l nước mỗi ngày đối với người bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tình trạng thoái hóa đĩa đệm và bệnh thoát vị đĩa đệm đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chúng.

Cụ thể, cơ thể không được cung cấp đủ lượng nước cần thiết (1,5 - 2l nước/ngày) sẽ khiến cho các đĩa đệm trở nên khô hơn, mỏng và phẳng hơn. Dần dần, chức năng đệm giữa các đốt sống bị suy giảm và không thể hấp thụ các sốc ở cột sống do sinh hoạt gây ra. 

Điều này sẽ góp phần gây ra những cơn đau dai dẳng ở lưng và vùng cột sống cổ. Do vậy, khi bị bệnh thoát vị đĩa đệm, bạn đừng quên uống đủ 2l nước mỗi ngày nhé!


Tác giả: hoangtrang