Tổng quan về bệnh viêm khớp

Tổng quan về bệnh viêm khớp
Có rất nhiều loại viêm khớp khác nhau, nhưng chúng đều gây đau và sưng cứng ở khớp. Đây là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, thường gặp hơn ở người lớn tuổi. Mặc dù không có cách chữa khỏi viêm khớp hoàn toàn, nhưng nếu tích cực điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân có cuộc sống khỏe mạnh bình thường.

1. Bệnh viêm khớp là gì?

Khớp là nơi hai hoặc nhiều xương gặp nhau. Ví dụ như đầu gối, ngón tay và vai. Khớp có vai trò neo giữ xương, cho phép chúng di chuyển tự do trong giới hạn. Bệnh viêm khớp là tình trạng một hoặc nhiều khớp bị viêm nhiễm. Nếu có 4 khớp trở nên bị ảnh hưởng, nó được gọi là viêm đa khớp.

Viêm khớp là căn bệnh phổ biến, chiếm tới 35% dân số. Bệnh thường gặp nhất ở người già, độ tuổi trên 65, chiếm khoảng 50%. Nhưng nó cũng có thể phát triển ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.

2. Phân loại

Có đến hơn 100 loại viêm khớp khác nhau. Trong đó những loại phổ biến nhất là:

- Viêm xương khớp: Là tình trạng liên quan đến sự hao mòn của sụn. Viêm xương khớp bắt đầu với sự sần sùi của sụn. Ban đầu, cơ thể sẽ cố gắng sửa chữa để bù đắp sự mất mát quan trọng này. Dần dần, tình trạng tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến loãng xương, mọc gai xương thừa ở đầu xương, gia tăng dịch lỏng trong khớp, kéo dài nang khớp, biến dạng khớp,....

- Viêm khớp dạng thấp: Là một loại viêm khớp liên quan đến hệ thống miễn dịch. Trong trường hợp này, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm các mô và khớp khỏe mạnh là tác nhân gây bệnh. Chúng tấn công khớp, gây viêm.

- Viêm khớp truyền nhiễm: Là tình trạng nhiễm trùng từ một bộ phận khác của cơ thể, lây lan đến khớp, khiến khớp bị viêm.

- Viêm khớp vảy nến: Cũng là một loại viêm khớp liên quan đến hệ thống miễn dịch. Sự nhầm lẫn của hệ miễn dịch khiến khớp bị sưng đau, đồng thời gây phát ban da có vảy đỏ. Viêm khớp vảy nến thường ảnh hưởng đến những người đã bị bệnh vảy nến.

Tổng quan về bệnh viêm khớp - Ảnh 2.

Viêm khớp vảy nến - Ảnh minh họa

- Bệnh Gout: Là loại viêm khớp thường xuất hiện ở ngón chân cái, gây sưng đau nghiêm trọng. Khớp bị Gout có thể bị đỏ và nóng. Vùng da bên ngoài thường bong tróc, hoặc trông sáng bóng. Nguyên nhân là do có quá nhiều axit uric trong cơ thể. Chúng dần biến thành các tinh thể, tồn tại trong và xung quanh khớp.

- Viêm cột sống dính khớp: Là tình trạng viêm quanh khớp cột sống. Viêm tại chỗ bám vào dây chằng hoặc gân. Chúng gây sưng đau lưng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến cong cột sống, gù, vẹo, biến dạng đốt sống lưng.

- Viêm khớp tự phát vị thành niên: Là tình trạng viêm khớp ảnh hưởng đến đối tượng dưới 16 tuổi. Có nhiều loại viêm khớp tự phát vị thành niên khác nhau, nhưng chủ yếu có liên quan đến hệ thống miễn dịch. Bệnh cần được điều trị sớm để giảm thiểu thiệt hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.

3. Triệu chứng

Đau và cứng khớp là triệu chứng chính của viêm khớp. Tùy và tình trạng và mức độ bệnh ở mỗi bệnh nhân mà các triệu chứng có thể khác nhau.

- Đau khớp. Các cơn đau rõ rệt hơn khi chạm và vùng khớp bị viêm.

- Cứng khớp, đặc biệt là sau khi ngủ dậy hoặc sau một khoảng thời gian không vận động.

- Hạn chế vận động.

- Da sưng đỏ và ấm ở trên vùng khớp bị ảnh hưởng. Có thể xuất hiện các cu cục nhỏ nhô lên quanh khớp.

- Yếu cơ bắp quanh vùng khớp bị viêm.

- Cảm thấy lạo xạo, cọ xát bên trong khớp. Khớp phát ra tiếng kêu khi cử động.

Nếu viêm khớp liên quan đến nhiễm trùng thì các triệu chứng có thể bao gồm:

- Sốt.

- Ớn lạnh.

Tổng quan về bệnh viêm khớp - Ảnh 3.

Cảm giác ớn lạnh - Ảnh minh họa

- Mệt mỏi.

4. Nguyên nhân và đối tượng có nguy cơ bị viêm khớp

4.1. Nguyên nhân

Tùy vào từng loại viêm khớp là gì và nguyên nhân gây bệnh sẽ có sự khác biệt. Nhưng chúng chủ yếu tập trung thành 2 nhóm nguyên nhân:

- Nguyên nhân tại khớp: Phổ biến nhất là thoái hóa sụn, dẫn đến sụn khớp bị bào mòn. Các tình trạng khác có thể là viêm sụn, chấn thương khớp, nhiễm khuẩn tại khớp,...

- Nguyên nhân ngoài khớp: Thường gặp nhất là lên quan đến sự bất thường hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch tấn công nhầm khớp gây viêm. Nguyên nhân khác có thể là do rối loạn chuyển hóa. Ví dụ như tăng acid uric có thể dẫn đến viêm khớp dạng Gout.

4.2. Đối tượng có nguy cơ

- Người trên 65 tuổi.

- Nữ giới dễ bị viêm khớp hơn nam giới.

- Người làm các công việc nặng nhọc, công việc đòi hỏi duy trì lâu một tư thế cũng khiến khớp nhanh bị thoái hóa và mài mòn hơn, tăng nguy cơ bị viêm khớp.

- Người có thói quen sinh hoạt không khoa học, chế độ dinh dưỡng kém, thường xuyên vận động sai tư thế.

- Người từng bị chấn thương ở khớp, dù đã chữa khỏi trước đó vẫn có nguy cơ bị viêm khớp cao hơn các đối tượng khác.

- Bệnh nhân bị rối loạn miễn dịch, bệnh nhân bị nhiễm trùng.

- Người béo phì, thừa cân sẽ khiến các khớp bị quá tải, dễ bị bào mòn, đẩy nhanh quá trình viêm.

5. Chẩn đoán

- Chụp X-quang: Là phương pháp sử dụng tia phóng xạ tần số thấp để nhìn rõ hình ảnh xương, phát hiện tổn thương xương, lồi xương hoặc mất sụn. Chụp X-quang rất khó phát hiện viêm khớp sớm. Nhưng nó thường được dùng để theo dõi tiến triển bệnh và hiệu quả của việc điều trị.

- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hiển thị mặt cắt ngang của cấu trúc xương khớp. Phương pháp này cho phép bác sĩ nhìn rõ cả xương lẫn các mô xung quanh.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp bác sĩ quan sát chi tiết các mô mềm như sụn, gân và dây chằng.

- Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ để lấy chất lỏng xung quanh khớp bị đau. Phân tích và xét nghiệm dịch này sẽ giúp bác sĩ phân loại viêm khớp mà bệnh nhân mắc phải.

- Xét nghiệm máu: Đánh giá tình trạng viêm. Đồng thời kiểm tra các kháng thể, xem viêm khớp có phải được gây ra bởi bất thường hệ miễn dịch hay không.

6. Điều trị

6.1. Tự chăm sóc

Đối với các trường hợp viêm khớp nhẹ, cơ thể có thể tự sửa chữa thì bệnh sẽ dần được đẩy lùi sau 2 - 4 tuần. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà để giảm thiểu triệu chứng, rút ngắn thời gian hồi phục:

- Chườm ấm hoặc chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng.

- Chế độ ăn khoa học, đủ dưỡng chất giúp xương khớp khỏe mạnh.

- Luôn duy trì tư thế đúng.

- Tập thể dục nhẹ nhàng giúp khớp linh hoạt hơn. Tránh nghỉ ngơi quá lâu, ít vận động sẽ làm cứng khớp.

- Có thể sử dụng các đai hỗ trợ để nâng đỡ và bảo vệ khớp bị viêm.

- Trong trường hợp đau nhiều, người bệnh có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê toa.

6.2. Thuốc

Tùy vào từng loại viêm khớp mà bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc khác nhau. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm :

- Thuốc giảm đau: Ví dụ acetaminophen, tramadol, oxycodone nhoặc hydrocodone là những loại thuốc giảm đau nhưng không có tác dụng giảm viêm.

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Ví dụ như ibuprofen và naproxen natri. NSAID có thể được sử dụng dạng uống hoặc dạng kem, gel bôi, miếng dán lên vị trí khớp cụ thể để điều trị viêm.

- Thuốc kích thích giảm đau: Là những loại kem và thuốc mỡ có chứa thành phần là tinh dầu bạc hà hoặc capsaicin. Các chất này giúp kích ứng da, thay đổi tín hiệu thần kinh, giúp giảm cảm giác đau.

- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): Thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp. DMARDs làm chậm hoặc ngăn chặn hệ thống miễn dịch tấn công các khớp. Thuốc DMARD phổ biến là methotrexate và hydroxychloroquine.

- Thuốc sinh học: Bao gồm các chất có chức năng điều chỉnh phản ứng sinh hóa, nhắm vào các phân tử protein khác nhau liên quan đến phản ứng miễn dịch. Thuốc sinh học thường được sử dụng cùng với thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Thuốc sinh học phổ biến là etanercept và Infliximab.

- Thuốc Corticosteroid: Điển hình là prednison và cortisone, có tác dụng giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch.

6.3. Vật lý trị liệu

Các phương pháp vật lý trị liệu có thể được đề xuất như một phương pháp điều trị hoặc hỗ trợ điều trị. Nó giúp bệnh nhân viêm khớp giảm đau, mềm khớp, tăng khả năng vận động, rút ngắn thời gian hồi phục. Các hình thức vật lý trị liệu có thể bao gồm:

- Chườm đá nóng.

- Xây dựng và hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục các bài tập phù hợp.

- Tập thể dục trong hồ nước ấm. Lợi dụng sự chuyển động và áp lực của nước để tác động lên các cơ và khớp.

- Nắn bóp, massage.

- Châm cứu, bấm huyệt.

- Tư vấn chọn các thiết bị và dụng cụ chuyên dụng bảo vệ khớp.

6.4. Phẫu thuật

Phẫu thuật khớp thường gây nhiều đau đớn, thời gian hồi phục lâu, chi phí đắt, dễ xảy ra các biến chứng như nhiễm trùng và chảy máu. Do đó, phương pháp phẫu thuật điều trị viêm khớp chỉ được khuyến nghị khi áp dụng các phương pháp các thất bại. Hoặc chỉ định khi viêm khớp gây ra các biến chứng nguy hiểm như mọc gai xương, biến dạng khớp.

Có 2 loại phẫu thuật điều trị viêm khớp là:

- Phẫu thuật thay khớp: Bác sĩ sẽ thay khớp bị tổn thương bằng một khớp nhân tạo. Hình thức phẫu thuật này được thực hiện chủ yếu cho vùng khớp hông và đầu gối.

- Phẫu thuật làm cứng khớp: Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật khóa các đầu xương lại, chờ cho đến khi khớp được chữa lành trở lại. Hình thức phẫu thuật này được thực hiện chủ yếu cho vùng khớp ngón tay hoặc cổ tay.

7. Biến chứng của viêm khớp dạng thấp là gì?

- Viêm khớp nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, giảm năng suất lao động. Bệnh nhân gặp khó khăn ngay cả trong các việc di chuyển bình thường như đi lại hoặc ngồi thẳng.

- Viêm khớp không được điều trị kịp thời sẽ gây biến dạng khớp, làm mất chức năng khớp hoặc thay đổi hình dạng cơ thể.

- Có khoảng 1/4 bệnh nhân viêm khớp thường xuyên cảm thấy chán nản và tự ti. Bệnh càng nghiêm trọng, việc vận động càng khó khăn, càng khiến họ tự ti nhiều hơn. Các cơn đau khớp diễn ra thường xuyên cũng có thể đẩy bệnh nhân vào tình trạng trầm cảm.

8. Phòng tránh

- Duy trì cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp giảm áp lực khối lượng lên xương khớp, giảm nguy cơ bị viêm khớp.

- Tập thể dục đều đặn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, đồng thời giúp giảm cân. Mặt khác, tập luyện đều đặn sẽ giúp cho xương khớp dẻo dai và khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa cứng khớp.

- Luôn duy trì tư thế đúng.

- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dưỡng chất để xương khớp khỏe mạnh hơn.

- Stress có thể làm tăng nguy cơ viêm trong cơ thể. Do đó, cần quản lý tốt căng thẳng. Cân bằng hợp lý giữa làm việc và nghỉ ngơi.

- Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể có thời gian sửa chữa các khu vực viêm.

- Theo các thống kê cho thấy, những người hút thuốc lá có tỉ lệ mắc viêm khớp cao hơn nhóm không hút. Do đó, hãy cai thuốc lá sớm nếu bạn không muốn bị viêm khớp.

- Kiểm soát tốt các căn bệnh nhiễm trùng hoặc căn bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch.

9. Cách ăn uống

9.1 Nên ăn gì?

- Ưu tiên rau củ quả tươi chứa nhiều chất xơ, vừa giúp thải độc cơ thể lại giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giảm áp lực cho các khớp.

- Bổ sung các loại quả giàu vitamin C như táp, cam, dây tây, xoài, đào, mâm xôi,... Chúng có khả năng chống lại các phản ứng viêm.

- Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trà xanh, nghệ, tảo, nấm,... cũng có tác dụng chống viêm rất tốt. Các loại rau gia vị như húng quế, bạc hà, đinh hương, mùi tây,... cũng có tác dụng tương tự.

- Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cà mòi,.. rất giàu omega-3. Đây là thành phần giúp tổng hợp collagen, giúp cho khớp và các mô mềm khỏe mạnh, dẻo dai hơn.

- Đừng quên các thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, hải sản,...

9.2 Nên kiêng gì?

- Không nên nạp quá nhiều phốt-pho vào cơ thể. Bởi phốt-pho sẽ ngăn cản cơ thể hấp thụ canxi. Thực phẩm giàu phốt-pho thường gặp là thịt gia cầm, nội tạng, khoai tây, tỏi, ngũ cốc nguyên cám,...

- Ăn quá nhiều thịt đỏ, hải sản có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể. Điều này khiến các triệu chứng sưng đau của viêm khớp trở nên trầm trọng hơn.

- Kiêng thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến, đồ ăn chiên rán, đồ ngọt, thức ăn nhiều gia vị. Đây đều là những thực phẩm kích thích phản ứng viêm.

- Kiêng thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích. Chúng khiến xương khớp yếu đi, gia tăng phản ứng viêm trong cơ thể.

10. Các câu hỏi thường gặp

10.1. Bệnh viêm khớp có nguy hiểm không?

Viêm khớp là căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nó sẽ gây đau đớn và hạn chế vận động, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt thường ngày và năng suất lao động.

10.2. Bệnh viêm khớp có chữa được không?

Không có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và tích cực điều trị thì bệnh có thể được kiểm soát, các triệu chứng biến mất, bệnh nhân có cuộc sống khỏe mạnh bình thường.

10.3. Những bệnh thường bị nhầm lẫn với bệnh viêm khớp là gì?

- Lupus: Là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh của cơ thể, bao gồm cả xương khớp. Khớp bị ảnh hưởng nhiều nhất là các khớ nhỏ của bàn tay và bàn chân. Đau khớp trong bệnh lupus có thể di chuyển từ khớp này sang khớp khác.

- Đau cơ xơ hóa: Là tình trạng mãn tính, có thể gây đau khắp cơ thể. Các triệu chứng có vẻ giống với bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, các triệu chứng chủ yếu ở cơ bắp chứ không phải khớp.

- Đau đa cơ do thấp khớp: Là tình trạng đau và cứng cơ, đặc biệt là cơ hông, vai và đùi. Nó chủ yếu ảnh hưởng đến những người trên 70 tuổi.

- Đau lưng: Trong chúng ta, dường như ai cũng đã từng trải qua các cơn đau lưng. Nó thường được gây ra bởi sự căng cơ hoặc dây chằng, hiếm khi là một vấn đề nghiêm trọng. Đau lưng thường sẽ hết trong một vài tuần.

- Bệnh gân: Khi gân bị tổn thương, nó có thể đau và sưng đỏ, gây hạn chế vận động. Các triệu chứng khá giống với viêm khớp. Tổn thương gân thường được gây ra bởi sự lạm dụng quá mức phần cơ thể đó. Phương pháp chườm lạnh có thể giúp giảm đau và phục hồi gân.

10.4. Khớp nào dễ bị viêm nhất?

Bất cứ khớp xương nào trên cơ thể đều có nguy cơ bị viêm. Tuy nhiên, các vị trí thường gặp nhất là: bàn tay, bàn chân, cổ tay, cổ chân, đầu gối, cột sống, vai.

10.5. Bị viêm khớp có cần kiêng tập thể dục?

Nhiều bệnh nhân viêm khớp lo sợ việc tập luyện có thể làm tăng tổn thương đến khớp. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Tập thể dục phù hợp sẽ giúp các khớp dẻo dai và linh hoạt hơn. Ít vận động dễ dẫn đến cứng khớp, hạn chế vận động.

Do đó, bệnh nhân viêm khớp cần tập thể dục đều đặn. Điều quan trọng là chọn những bài tập phù hợp với thể trạng của bản thân. Bạn có thể xin ý kiến của huấn luyện viên thể dục hoặc của các chuyên gia vật lý trị liệu để có hiệu quả tập luyện cao nhất.

10.6. Sự thay đổi thời tiết có phải là nguyên nhân gây viêm khớp?

Sự biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng viêm khớp. Nhưng nó không phải là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm khớp. Có tới 70% bệnh nhân viêm khớp nhạy cảm với thời tiết. Người bệnh thường cảm thấy cơn đau nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ giảm và độ ẩm tăng. Do đó, người bệnh cần chủ động giữ ấm và bảo vệ bản thân trước những thay đổi của thời tiết.

11. Một số hình ảnh về bệnh viêm khớp

Tổng quan về bệnh viêm khớp - Ảnh 1.

Mô phỏng so sánh khớp bình thường và khớp bị viêm.

Tổng quan về bệnh viêm khớp - Ảnh 2.

Những vị trí khớp dễ bị viêm

Tổng quan về bệnh viêm khớp - Ảnh 3.

Bệnh viêm khớp vảy nến.

Tổng quan về bệnh viêm khớp - Ảnh 4.

Gout là một dạng viêm khớp thường xảy ra ở khớp ngón chân cái.

Tổng quan về bệnh viêm khớp - Ảnh 5.

Viêm khớp không được điều trị sớm có thể gây biến dạng khớp.


Tác giả: Mai Nhung