Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, khá phổ biến tại các quốc gia châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam. Thực tế, ở nước ta đã ghi nhận nhiều đợt dịch qua các năm. Dịch chân tay miệng thường bùng phát vào thời điểm tháng 3 đến tháng 5.
Mọi người đều có thể mắc bệnh tay chân miệng, nhưng phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 10 tuổi. Đây cũng là đối tượng của bệnh dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm nhất. Tác nhân gây bệnh tay chân miệng là virus Coxsackie - loại virus có khả năng lây lan nhanh chóng từ người sang người.
Tổng quan về bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Thông qua nước bọt, dịch mũi, mụn nước và phân của người mang bệnh, virus Coxsackie có thể xâm nhập vào cơ thể người lành. Ngoài ra, virus này còn lây lan qua đường tiêu hoá, đi vào đường ruột của trẻ rồi vào hệ bạch huyết, tấn công hệ thần kinh trung ương, gây ra viêm não và nhiều tổn thương cùng di chứng khác.
Các con đường lây truyền bệnh tay chân miệng chủ yếu bao gồm: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm virus gây bệnh hoặc hít phải các chất dịch tiết mũi họng của bệnh nhân. Ngoài ra, việc cầm nắm, sử dụng các đồ vật có mầm bệnh cũng là nguyên nhân nhiễm tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với các triệu chứng điển hình như: Sốt nhẹ (dưới 38 độ), chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng.
Ngoài ra, trẻ bị bệnh tay chân miệng còn có dấu hiệu như: xuất hiện các vết loét hoặc mụn nước không đau trên niêm mạc miệng, má, lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông,... Các vết loét sẽ gây ra cảm giác đau, xót khi nhai hoặc nuốt thức ăn.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng trên da và niêm mạc (Ảnh: Internet)
Ở các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: Sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, nôn mửa, tay chân run, đi đứng không vững, nhịp thở bất thường,... Khi trẻ có các dấu hiệu này, cần đưa bé tới các cơ sở y tế để khám và điều trị, hạn chế các nguy cơ biến chứng.
Bệnh tay chân miệng thường gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu, mệt mỏi, chán ăn cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, những cơn sốt, nôn ói cũng khiến bệnh nhân không còn cảm giác thèm ăn. Lúc này, cha mẹ cần kích thích việc ăn uống bằng cách nấu các món ăn ngon miệng, đẹp mắt, có mùi và màu sắc hấp dẫn để kích thích vị giác của trẻ.
Ngoài ra, thức ăn cũng cần được nấu ở dạng lỏng, xay nhuyễn để giảm cảm giác đau khi nuốt. Có thể chia nhỏ các bứa ăn thành nhiều lần trong ngày nếu trẻ không thể ăn nhiều cùng một lúc. Với trẻ chưa cai sữa, cần duy trì cho bé bú sữa mẹ nhưng chia nhỏ làm nhiều lần trong ngày.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng (Ảnh minh hoạ: Internet)
Lúc này, việc bổ sung các loại chất dinh dưỡng để cải thiện sức đề kháng cho trẻ là rất cần thiết, đặc biệt là kẽm. Các loại thực phẩm chứa nhiều kẽm nên ăn là thủy hải sản (sò, tôm,...), thịt cừu, thịt nạc heo, lòng đỏ trứng gà, củ cải, đậu Hà Lan,...
Ngoài ra, việc bổ sung nước cho cơ thể cũng là cần thiết. Nêu bù nước cho người mắc bệnh tay chân miệng bằng các loại đồ uống như nước ép cà chua, cam, quýt, ổi, nước dừa,... Thời gian này, trẻ cũng nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống không có lợi cho sức khỏe như trà sữa, nước ngọt có ga, nước chè,...
Một lưu ý nhỏ là sau mỗi bữa ăn, trẻ cần súc miệng thật sạch và mỗi bữa ăn nên cách nhau từ 3-4 giờ.
Để phòng bệnh tay chân miệng, cần thực hiện một số biện pháp như: rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, thường xuyên lau dọn, rửa sạch đồ chơi và các vật dụng của bé. Quan trọng hơn, không nên để trẻ mút tay hoặc đưa các vật dụng lạ vào miệng để đề phòng lây nhiễm bệnh tay chân miệng.
Trên đây là một số kiến thức tổng quan về bệnh tay chân miệng giúp cha mẹ có biện pháp phòng và điều trị bệnh phù hợp, bảo vệ sức khỏe cho bé.