Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em

Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em
Mặc dù là một căn bệnh mạn tính và thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi, đôi khi vẫn xuất hiện những trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em dù cho chúng rất hiếm khi xảy ra.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay COPD là một tình trạng khó thở do các tổn thương kéo dài xảy ra trong đường dẫn khí. Từ đó làm suy yếu hoặc phá hủy các túi khí trong phổi. Thông thường, bệnh xuất hiện ở người lớn, nhất là những đối tượng đang hoặc đã từng hút thuốc lá trước đây.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em xuất hiện với các triệu chứng như khó thở, ho mạn tính hoặc thở khò khè.

1. Triệu chứng và đối tượng trẻ mắc phổi tắc nghẽn mãn tính

Những triệu chứng trên đôi khi có thể xuất hiện nếu trẻ bị hen suyễn, nhiễm trùng phổi mạn tính hoặc xơ nang. Ngoài ra nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, ô nhiễm không khí hoặc các chất kích thích khác cũng sẽ gặp các dấu hiệu này.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em là rất hiếm gặp những vẫn có thể xảy ra. Hội hô hấp TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 1 trường hợp khí phế thũng ở một bé trai 14 tuổi có triệu chứng dãn phế quản nhập viện vì khó thở nặng do hậu quả từ cơn phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Do vậy, các bậc phụ huynh không nên chủ quan với căn bệnh này ở trẻ em.

- Đối tượng trẻ có nguy cơ bị phổi tắc nghẽn mãn tính cao:

Tuy rằng rất hiếm gặp ở trẻ em, nhưng nếu đã mắc phải thì bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lúc này sẽ rất khó để điều trị. Các chuyên gia đã ghi nhận một số trường hợp trẻ nhỏ mắc COPD khi có các vấn đề như sau:

- Trẻ đang có tổn thương đường hô hấp sớm và tái phát nhiều lần.

- Khí phế thũng theo các tiêu chuẩn chẩn đoán ATS.

- Những trẻ có sức đề kháng kém.

- Trẻ có người thân trong gia đình bị mắc phổi tắc nghẽn mạn tính

2. Mối liên hệ giữa hen phế quản và phổi tắc nghẽn mạn tính ở trẻ nhỏ

Hen suyễn là một căn bệnh khá thường gặp ở trẻ em. Một số trẻ phải sống chung với căn bệnh này đến khi trưởng thành. Trong đó, một số trường hợp trẻ hen suyễn có phổi không phát triển bình thường hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Vì vậy, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng hen suyễn có thể là một nguyên nhân gây ra phổi tắc nghẽn mạn tính. Hoặc hen suyễn chính là một trong những yếu tố khiến cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nhiều khả năng hình thành khi trẻ trưởng thành.

Trẻ bị hen suyễn có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi trưởng thành (Ảnh: Internet)

Trẻ bị hen suyễn có nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính khi trưởng thành (Ảnh: Internet)

Trên thực tế, điều này khá đúng với những trẻ từng mắc hen suyễn kéo dài suốt thời thơ ấu. Hen suyễn khiến trẻ cảm thấy khó thở gần như mỗi ngày. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thấy 11% trẻ em bị hen suyễn nặng mắc phải bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở độ tuổi khá trẻ.

Hơn thế nữa, đa phần trẻ em bị hen suyễn kéo dài có dấu hiệu giảm dung tích phổi khi được 20 tuổi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sau này. Bé trai cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh về phổi hơn các bé gái.

3. Nên làm gì khi trẻ có nguy cơ bị phổi tắc nghẽn mạn tính?

Khi trẻ bị hen suyễn nặng thì tốt nhất các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám định kỳ. Việc thực hiện đo thông khí phổi mỗi năm sẽ giúp kiểm tra thể tích không khí có khả năng hít vào và thở ra. Thử nghiệm này có thể giúp phát hiện những bất thường liên quan đến phổi hoặc các triệu chứng sớm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Từ đó giúp điều trị và kiểm soát COPD kịp thời.

Mặc dù bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh không thể chữa khỏi, nhưng nếu chăm sóc kịp thời và đúng cách sẽ giúp phổi hoạt động tốt trong thời gian lâu nhất có thể.

Ngoài ra, cũng cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá xem biện pháp điều trị nào có khả năng ngăn ngừa hen suyễn ở trẻ nhỏ tiến triển thành bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Khói thuốc là nguyên nhân chính hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do vậy, tuyệt đối không nên để trẻ nhỏ tiếp xúc với khói thuốc lá và giáo dục từ nhỏ để chúng nói không với thuốc lá sau này.

Hãy chủ động đưa trẻ tránh xa khỏi khói thuốc đồng thời phụ huynh cần tìm hiểu về các triệu chứng của bệnh. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở trẻ em nào, hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.

4. Các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở trẻ em

Nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, trẻ em có thể gặp các triệu chứng điển hình như sau:

- Ho mạn tính.

- Khó thở, thở khò khè.

- Thường xuyên bị nhiễm trùng phổi.

Để tham khảo thêm về các triệu chứng phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em, có thể xem xét đến trường hợp bé trai 14 tuổi được chẩn đoán mắc COPD có giãn phế quản khá hiếm gặp vào năm 2016. Bé trai này gặp các triệu chứng như sau:

- Nhiễm trùng phế quản tái phát nhiều lần từ nhỏ, khó chữa trị.

- Ho có đờm, khi khạc đờm thấy có mủ mạn tính.

- Phân lập vi khuẩn trong đờm luôn có Staphylococcus aureus và Pseudomonas aeruginosa.

- Thở khò khè, khó thở với nhiều đợt kịch phát nặng.

- Có xuất hiện viêm xoang phối hợp giãn phế quản.

- Các triệu chứng lâm sàng khác bao gồm: Suy dinh dưỡng nặng; ngón tay, ngón chân dùi trống, tím; ngực hình thùng. Trẻ còn có các triệu chứng lâm sàng theo tiêu chuẩn chẩn đoán khí phế thũng.

Ngón tay dùi trống ở trẻ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Ảnh: Internet)

Ngón tay dùi trống ở trẻ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Ảnh: Internet)

- Kết quả X-quang và CT ngực cho thấy hình ảnh lồng ngực khí phế thũng, ứ khí kèm dày, giãn phế quản lan tỏa, tắc đờm. Có nhiều túi khí dịch nhỏ và tổn thương phế quản phế viêm trên hai phổi.

- Tình trạng ứ CO2 có xuất hiện, giảm trao đổi qua màng phế nang mao mạch mạnh, oxy hóa máu giảm nặng.

- Đo chức năng hô hấp thấy tắc nghẽn ở mức trung bình, tăng tổng dung lượng phổi, tăng sức cản đường thở và cả thể tích khí cặn nhiều.

5. Điều trị COPD cho trẻ

Việc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em khá khó khăn. Để có thể điều trị một cách tốt nhất, cần phải chẩn đoán bệnh thật chính xác để không nhầm lẫn với các bệnh khác như hen phế quản, viêm phế quản mạn, suy tim, ung thư phổi…

Khi đã được chẩn đoán, xác định và phân loại bệnh, bác sĩ sẽ kê toa, chỉ định các loại thuốc để điều trị như kháng sinh, chống viêm, giãn phế quản,… Các bậc phụ hunh cần đặc biệt lưu ý phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong quá trình điều trị để có biện pháp thực hiện hiệu quả.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc đúng liều dùng và thời gian quy định, cần nắm rõ và áp dụng đúng kỹ thuật hít thuốc để đảm bảo hiệu quả tối ưu khi dùng thuốc dạng xịt.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tìm hiểu về các dấu hiệu khi bệnh trở nặng ở trẻ nhỏ. Cần sơ cứu kịp thời, sử dụng đúng loại thuốc trước khi trẻ được đưa đến bệnh viện. Để làm chậm tiến triển của bệnh, giảm tổn thương phổi, phụ huynh nên chú ý cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, vận động phù hợp.

Không chỉ vậy, trẻ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng nên có môi trường sống trong lành, sạch, thoáng, tránh xa khói thuốc lá và các loại khí gây khó thở.

6. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em có chữa được không?

Các chuyên gia y tế đã khẳng định rằng đây là một bệnh lý mạn tính không thể hồi phục hoàn toàn. Do đó, kể cả khi việc điều trị đạt được hiệu quả tối ưu thì bệnh cũng không khỏi hẳn. Tình trạng bệnh lý chỉ có thể cải thiện trong một giới hạn nhất định và hạn chế diễn tiến của bệnh.

Nếu trẻ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cần được hướng dẫn để học cách sống chung hòa bình với COPD. Khi đó, chất lượng cuộc sống của trẻ sẽ tốt hơn, hạn chế sự phát triển của bệnh cũng như những đợt điều trị cấp.

Bệnh COPD ở trẻ em vô cùng nguy hiểm và không có khả năng hồi phục hoàn toàn, trẻ em cần tránh xa khỏi những yếu tố là nguyên nhân gây bệnh. Đặc biệt là khói thuốc lá cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề.


Tác giả: Anh Dũng