Tổng quan về bệnh khàn tiếng

Tổng quan về bệnh khàn tiếng
Trong cuộc sống, ai cũng từng bị khàn tiếng ít nhất một lần. Hầu hết mọi người đều cho rằng đây là một bệnh lý thông thường do cảm, viêm họng hay viêm thanh quản. Tuy nhiên, đôi khi khàn tiếng còn là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng khác. Vì vậy, nên tìm hiểu rõ và chớ nên chủ quan khi bị khàn tiếng.

1. Khàn tiếng là gì?

Khàn tiếng hay khản tiếng là tình trạng thay đổi giọng nói thường hay gặp trong các trường hợp liên quan đến khô hoặc ngứa rát họng. Đây cũng là triệu chứng thường bắt nguồn từ các vấn đề liên quan đến dây thanh âm và có thể là từ viêm thanh quản. Nếu khàn tiếng kéo dài trên 10 ngày thì cần đến các cơ sở y tế nhanh chóng bởi khàn tiếng có thể do các nguyên nhân y học nghiêm trọng khác.

2. Nguyên nhân phổ biến gây khàn tiếng

+ Khàn tiếng thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên, chủ yếu từ virus. Trong đó viêm thanh quản là nguyên nhân khàn tiếng hay gặp nhất. Viêm thanh quản là tình trạng thanh quản hoặc dây thanh âm bị viêm do nhiễm trùng, kích thích hoặc làm việc "quá nhiều" (phải nói/ hát quá to, quá liều hay liên tục). Viêm thanh quản dưới 3 tuần gọi là viêm thanh quản cấp tính. Viêm thanh quản kéo dài trên 3 tuần được gọi là viêm thanh quản mạn tính.

Khần tiếng

Khàn tiếng do hát to trong thời gian dài. (Ảnh Internet)

Một số nguyên nhân thường gặp khác gây khàn tiếng hoặc làm khàn tiếng nặng hơn:

+ Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên đến dây thanh âm. Đây là một nguyên nhân khá phổ biến khiến bạn bị khàn tiếng. Đáng tiếc là nhiều người không biết về sự hiện diện của tình trạng trào ngược này vì đôi khi bạn bị trào ngược nhưng không liên quan đến chứng ợ nóng nên khó nhận biết. Khàn tiếng do trào ngược dạ dày thực quản thường có xu hướng tồi tệ hơn vào buổi sáng.

+ Hút thuốc lá: Không chỉ người hút thuốc mà người tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động cũng có thể bị khàn giọng.

+ Uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffein

+ Dị ứng: Tình trạng dị ứng theo mùa gây chảy nước mũi và ngứa mắt có thể khiến bạn bị khàn tiếng.

+ Hít phải dị vật hay các chất kích thích: Việc hít phải dị vật hay tiếp xúc với các chất kích thích có trong không khí hay các hóa chất tẩy rửa sử dụng trong gia đình cũng có thể là tác nhân gây ra tình trạng khàn tiếng.

+ Ho rất nhiều và kéo dài gây khàn tiếng

Các nguyên nhân gây khàn tiếng ít gặp hơn:

+ U nang dây thanh âm hoặc polyp dây thanh âm: U nang dây thanh âm về cơ bản là có khối u trên dây thanh âm khiến bạn bị khàn giọng khi nói. Nguyên nhân gây ra các tình trạng này thường là do lạm dụng giọng nói. Những người thường xuyên lạm dụng giọng nói có nguy cơ bị polyp dây thanh âm cao hơn những đối tượng khác.

+ Ung thư: Những người bị ung thư, chẳng hạn như ung thư thanh quản, cổ họng, phổi, tuyến giáp và u lympho thường có triệu chứng là khàn giọng. Đôi khi khàn tiếng là triệu chứng cảnh báo đầu tiên của những căn bệnh này. Ung thư di căn từ vú, phổi hoặc các vùng khác của cơ thể lan đến vùng giữa phổi có thể chèn lên dây thần kinh thanh quản, gây khàn tiếng.

+ Tình trạng tuyến giáp: Suy giáp không được điều trị có thể gây khàn tiếng.

+ Các vấn đề liên quan đến thần kinh: Tình trạng đột quỵ, bệnh Parkinson và bệnh đa xơ cứng có thể gây ảnh hưởng lên dây thần kinh thanh quản khiến người bệnh bị khàn giọng.

+ Chấn thương: Chấn thương liên quan đến vùng cổ họng, ví dụ trong một tai nạn giao thông, tai nạn lao động, phẫu thuật đặt nội khí quản hay nội soi phế quản… có thể ảnh hưởng đến dây thanh âm, gây khàn tiếng.

+ Chứng khó phát âm do co thắt (spasmodic dysphonia): Chứng khó phát âm do co thắt là một bất thường thần kinh gây ảnh hưởng đến các khối cơ ở vùng thanh quản, gây co thắt cơ khiến giọng bị vỡ, giọng nặng hay gằn. Nguyên nhân mắc chứng này là do những rối loạn tại vùng hạch nền gây nên bất thường về tâm lý.

+ Liệt dây thần kinh thanh quản: Các dây thần kinh dẫn đến thanh quản có thể bị tổn thương bởi những ca phẫu thuật như phẫu thuật tuyến giáp, phẫu thuật tim hoặc phẫu thuật vùng đầu, cổ.

+ Sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài: Bệnh nhân hen suyễn hoặc bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sử dụng corticosteroid dạng hít lâu dài cho có thể khiến giọng nói bị khàn.

+ Nam giới tuổi dậy thì (giọng trầm hơn).

3. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Khàn tiếng nói chung không phải tình trạng cấp cứu, tuy nhiên có thể liên quan đến một số tình trạng nghiêm trọng.

Cần đi khám bác sỹ ngay nếu tình trạng khàn tiếng kéo dài trên 1 tuần ở trẻ em và trên 10 ngày ở người lớn.

Cần đi khám bác sĩ ngay nếu khàn tiếng đi kèm thêm chảy nước nhãi ở trẻ nhỏ hay khó thở hoặc khó nuốt.

khan-tieng

Nên đến khám bác sĩ nếu khàn tiếng kéo dài (Ảnh: Internet)

Việc không thể nói hoặc ghép một câu mạch lạc đột ngột, có thể là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn.

4. Chẩn đoán tìm nguyên nhân khàn tiếng

Khi đến gặp bác sĩ vì khàn tiếng, trước tiên bác sĩ sẽ tìm hiểu triệu chứng và tiền sử bệnh của bệnh nhân. Sau đó có thể cần phải làm một số xét nghiệm để đánh giá chính xác nguyên nhân.

Một số câu hỏi bác sĩ thường hỏi:

+ Triệu chứng bắt đầu khi nào? Tần suất và thời gian mắc các triệu chứng này?

+ Bạn có bất kỳ dấu hiệu của bệnh cảm cúm như sốt, ho hay sổ mũi không? Bạn có bị viêm họng hay viêm amidan không?

+ Gần đây có phải sử dụng giọng nói quá nhiều như la hét, nói to, hát... không?

+ Bạn có uống bia, rượu hay hút thuốc không?

+ Bạn hay người thân có tiền sử hay đang mắc bệnh lý gì không?

+ Có gặp các triệu chứng gì khác không?

Nếu nguyên nhân không rõ ràng, hay nghi ngờ nguyên nhân khác, bác sỹ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm như: Nội soi thanh quản, chụp CT ngực hoặc cổ, MRI...

Một số xét nghiệm có thể được yêu cầu dựa trên tiền sử bệnh và các triệu chứng như xét nghiệm máu nếu nghi ngờ nhiễm trùng, nội soi dạ dày nếu nghi ngờ do trào ngược dạ dày, thực quản...

5. Các biện pháp làm giảm tình trạng khàn tiếng

+ Cho phép thanh quản và dây thanh âm của bạn nghỉ ngơi trong vài ngày: hạn chế nói chuyện hoặc la hét. Không nói thì thầm vì có thể làm căng dây thanh âm nặng hơn.

+ Uống nhiều nước hoặc trái cây nhiều nước: có thể giúp giảm triệu chứng và làm dịu họng.

+ Không sử dụng đồ uống có cồn hay caffein: vì có thể làm khô họng và làm khàn tiếng nặng hơn.

+ Sử dụng máy làm ẩm không khí

+ Tắm nước nóng.

+ Hạn chế hoặc dừng hút thuốc vì hút thuốc gây khô và kích thích họng.

khàn tiếng

Nên giảm hay ngưng hút thuốc khi bị khàn tiếng. (Ảnh: Internet)

+ Giữ ấm cơ thể mùa lạnh đặc biệt vùng cổ, tay, chân.

+ Tránh ăn các thực phẩm chua, cay, nhiều dầu mỡ và chất ngọt

+ Loại bỏ tác nhân gây dị ứng trong môi trường nếu có.

+ Không sử dụng các thuốc xịt làm khô và kích thích mũi.

Nên đến gặp bác sĩ nếu các biện pháp điều trị tại nhà không hiệu quả và khan tiếng vẫn còn dai dẳng. Bác sĩ có thể chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng và có biện pháp điều trị thích hợp.

Nếu bị khàn tiếng dai dẳng và mãn tính, đó có thể là biểu hiện của một bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn. Nếu phát hiện sớm có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh.

Việc điều trị khàn tiếng tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Ví dụ:

+ Viêm thanh quản cấp tính do nhiễm trùng đường hô hấp trên: thường sẽ tự cải thiện. Có thể dùng thuốc giảm ho hay dùng máy làm ẩm không khí để làm giảm triệu chứng.

+ Lạm dụng giọng nói: nghỉ ngơi, hạn chế nói chuyện la hét để tránh kích ứng hay tổn thương thêm dây thanh quản

+ Hạn chế hút thuốc, uống rượu bia hay cafein

+ Khàn tiếng do nguyên nhân bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, suy giáp, bệnh thần kinh: nên được điều trị bệnh theo chỉ định của bác sỹ

+ Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết trong trường hợp chấn thương ảnh hưởng dây thanh quản hay ung thư thanh quản...

6. Biện pháp dân gian làm giảm khàn tiếng

Một số biện pháp dân gian có thể hữu ích trong việc làm giảm triệu chứng khàn tiếng:

+ Nước muối: có tính sát khuẩn. Súc miệng bằng nước muối ấm có thể làm dịu cơn đau và rát cổ họng.

+ Dấm táo: dấm táo có tính kháng khuẩn, có thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Cách làm: cho 1 – 2 muỗng giấm táo nguyên chất vào cốc nước nhỏ (có thể thêm mật ong) và uống một vài lần trong ngày cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.

+ Trà: trà ấm có thể làm dịu cổ họng. Hơn nữa, các loại trà thảo dược như trà hoa cúc có chứa chất chống oxy hóa, nên giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Nghiêm cứu cho thấy, hoa cúc cũng có đặc tính kháng viêm.

khan-tieng

Uống trà ấm có thể làm giảm khàn tiếng (Ảnh: Internet)

 + Mật ong: bạn hãy dùng nước ấm cùng sáp ong sẽ giúp thanh quản sớm trở lại hoạt động bình thường. Ngoài ra có thể pha hai muỗng cà phê mật ong cùng 250ml lít sữa tươi hâm nóng rồi uống từng ngụm thật chậm, nhiều lần trong ngày.

+ Gừng: gừng có rất nhiều lợi ích cho cơ thể, gừng ức chế ho khan và khó chịu do viêm thanh quản.

+ Giá đỗ: có thể nấu nước giá đỗ uống để làm giảm khàn tiếng

+ Các sản phẩm có chứa tinh dầu: dầu khuynh diệp giúp làm loãng đờm và làm dịu kích ứng. Có thể thêm 4 - 5 giọt tinh dầu vào máy khuếch tán hoặc tạo độ ẩm.  Làm ẩm cổ họng và sát khuẩn bằng viên ngậm chứa các loại thảo mộc như khuynh diệp và bạc hà

+ Nếu có nhiều đờm, bạn hãy ngâm vài lát củ hành khô trong nước ấm vài giờ, sau đó súc miệng với nước hành.

+ Ngưng hút thuốc trong thời gian bị tắt tiếng vì thuốc lá là yếu tố phá hủy tác dụng của tất cả biện pháp nêu trên.

7. Cách phòng ngừa khàn tiếng

Thay đổi lối sống hay các yếu tố môi trường giúp bảo vệ dây thanh âm, thanh quản và dự phòng tình trạng khàn tiếng:

+ Dừng hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động: hít khói thuốc lá gây kích thích dây thanh âm và thanh quản, làm khô rát họng.

+ Rửa tay thường xuyên: Khàn tiếng thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên.

+ Vệ sinh tay thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp trên.

+ Uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày để giữ họng không bị khô.

+ Tránh la hét hoặc nói to trong thời gian dài

+ Hạn chế đồ uống có caffein và cồn.

Tóm lại, khàn tiếng thường ít khi nguy hiểm nhưng có thể gây khó chịu, ảnh hưởng đến việc giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Nếu khàn tiếng dai dẳng và không thể tự khỏi, nên đến thăm khám bác sỹ vì đây có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Nênphát hiện và điều trị sớm để đảm bảo sức khỏe cho bạn.


Tác giả: Nguyễn Phan Thư Trinh