Tổng quan về bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh

Tổng quan về bệnh cong vẹo cột sống bẩm sinh
Cong vẹo cột sống bẩm sinh là một loại dị tật cột sống tổng quát phổ biến nguy hiểm với nhiều biến chứng ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan xung quanh nó.

Cong vẹo cột sống bẩm sinh là bệnh do độ cong ở mặt phẳng đứng ngang của cột sống bị khiếm khuyết từ khi sinh ra. Nó chỉ xảy ra ở 1 trên 10.000 trẻ sơ sinh và ít phổ biến hơn nhiều so với loại cong vẹo cột sống bắt đầu ở tuổi thiếu niên.

Trẻ em bị cong vẹo cột sống bẩm sinh đôi khi có các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như các vấn đề về thận hoặc bàng quang.

Mặc dù cong vẹo cột sống bẩm sinh hiện diện ngay khi sinh, nhưng đôi khi nó không được phát hiện kịp thời cho đến khi trẻ đến tuổi vị thành niên.

1. Các loại cong vẹo cột sống bẩm sinh

1.1. Cong vẹo cột sống bẩm sinh do hình thành không đầy đủ các đốt sống

- Vì cột sống được tạo thành trước khi sinh nên có thể xảy ra trường hợp một phần của một (hoặc nhiều) đốt sống không được hình thành hoàn chỉnh. Khi điều đó xảy ra, các bất thường được gọi là tật nửa đốt sống và có thể tạo thành một góc gù vẹo ở cột sống.

- Góc vẹo có thể trầm trọng hơn khi trẻ lớn lên

1.2. Việc phân chia các đốt sống không thành công

- Trong quá trình phát triển của thai nhi, hình thái cột sống đầu tiên là một cột liên tục duy nhất mà sau đó sẽ tách thành các đoạn và trở thành các đốt sống. Nếu việc tách này không hoàn chỉnh sẽ dẫn đến kết quả là dính một phần hay toàn bộ của hai hoặc nhiều đốt sống với nhau.

- Điều này sẽ ngăn chặn sự phát triển cột sống từ một bên sau khi một đứa trẻ được sinh ra và làm cho mức độ vẹo cột sống tăng lên khi trẻ lớn.

1.3. Sự kết hợp giữa tật nửa đốt sống và dính đốt sống

- Sự kết hợp giữa dính cột sống và tật nửa đốt sống gây ra vấn đề nghiêm trọng nhất cho việc phát triển cột sống.

- Những trường hợp này có thể cần phải được phẫu thuật sớm ở tuổi nhỏ để ngăn chặn sự tăng độ vẹo của cột sống.

1.4. Đường cong bù trừ

- Ngoài đường cong vẹo, cột sống của trẻ em cũng có thể phát triển thêm đường cong bù trừ để duy trì tư thế thẳng đứng.

- Điều này xảy ra khi cột sống cố gắng để bù đắp cho một đường cong vẹo cột sống bằng cách tạo ra các đường cong khác theo hướng ngược lại ở trên hoặc dưới khu vực bị ảnh hưởng. Các đốt sống có hình dạng bình thường trong đường cong bù.

2. Triệu chứng của cong vẹo cột sống bẩm sinh

Cong vẹo cột sống bẩm sinh thường được phát hiện trong quá trình kiểm tra của bác sĩ nhi khoa khi trẻ em mới sinh do bất thường nhẹ phía sau lưng.

Vì vẹo cột sống không gây đau đớn nên thường không được phát hiện lúc mới sinh. Nó có thể không được phát hiện cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng – có thể đến tận cuối tuổi vị thành niên. Bé có thể nghi ngờ điều gì đó không ổn khi quần áo không vừa vặn với mình. Cha mẹ có thể phát hiện ra vấn đề khi nhìn thấy con mình mặc đồ tắm.

Các dấu hiệu của vẹo cột sống bao gồm:

- Hai vai nghiêng và không đồng đều nhau, với một bả vai nhô ra hơn so với bên kia.

- Nổi xương sườn ở một bên.

- Vòng eo không đồng đều.

- Một bên hông cao hơn.

- Cơ thể bị nghiêng sang một bên.

- Trong một số trường hợp hiếm gặp, bé có thể có một vấn đề với tủy sống hoặc dây thần kinh làm cho bị yếu cơ, tê hoặc mất phối hợp tay chân.

Cong vẹo cột sống bẩm sinh được phát hiện ở trẻ nhỏ là một trong những loại vẹo cột sống khó điều trị. Các đường cong có thể lớn ngay lúc đầu. Cùng với sự phát triển cơ thể của bé, nhiều khả năng đường cong sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.


Tác giả: Thúy Nga