Co thắt thanh quản là tình trạng dây thanh âm và các cơ vùng thanh môn đột ngột co thắt ngăn chặn không khí vào phổi gây ra tắc nghẽn đường hô hấp.
Hiện tượng này thường xảy ra trong vài phút nhưng đó là một trải nghiệm kinh hoàng khiến nhiều người không thể quên. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa tình trạng co thắt thanh quản là hết sức quan trọng.
Dễ nhận thấy nhất là tình trạng người bệnh đang ngủ thì đột ngột tỉnh dậy vì không thể thở và nói ra tiếng. Ngoài ra, nếu bệnh co thắt thanh quản có liên quan đến hiện tượng trào ngược dạ dày thì bạn sẽ có các biểu hiện như: ho, khó nuốt, khàn tiếng, đau họng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể cảm thấy nóng rát ở sau xương ức, đau ngực và ói mửa.
Đối với các trẻ nhỏ bị trào ngược dạ dày thực quản cần hết sức lưu ý vì có nhiều nguy cơ tử vong đột ngột.
Những người mắc chứng trào ngược dạ dày có nguy cơ bị co thắt thanh quản cao. Ảnh: Internet
Bệnh co thắt thanh quản có thể do nhiều nguyên nhân như chấn thương thanh quản, viêm nhiễm do vi trùng, dị vật hóc, u thanh quản... Nhưng phổ biến nhất là do chứng trào ngược dạ dày và biến chứng trong phẫu thuật.
Những người bị trào ngược dạ dày thực quản thường bị kích ứng cổ họng do thức ăn và acid trong dạ dày bị trào ngược lên. Điều này là bởi cơ vòng không hoạt động đúng chức năng đóng kín để giữ thức ăn. Tình trạng này xảy ra thường xuyên sẽ khiến màng thực quản bị tổn thương do phơi nhiễm với acid của dạ dày, lâu dần sẽ gây ra co thắt thanh quản.
Ngoài ra, co thắt thanh quản có thể xảy ra do biến chứng phẫu thuật. Đây là biến chứng thường gặp ở các em bé nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa bệnh co thắt thanh quản có liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản, chúng ta cần lưu ý :
- Chia nhỏ khẩu phần ăn thành 4-5 bữa, tránh nằm và ngủ sau khi ăn từ 2-3 tiếng.
- Tránh ăn các đồ lạnh, nước đá vì dễ bị kích thích đường tiêu hoá.
- Tránh các loại rau củ quả có thể gây viêm loát niêm mạc dạ dày như: chanh, cam, dứa, lá bạc hà... và các loại thức uống cà phê, bia rượu, trà xanh...
- Hạn chế các thức ăn có nhiều gia vị như tiêu, ớt, dầu mỡ...
- Tích cực bổ sung các thực phẩm giúp cải thiện trình trạng trào ngược như: cá hồi, các ngừ, hạt hạnh nhân, ngũ cốc, táo, dưa hấu, trứng...
- Sử dụng một số thực phẩm lên mên (probiotic) tốt cho dạ dày như: sữa chua, trà lên men, ...
- Kê cao gối khi ngủ sẽ giúp hạn chế tình trạng trào ngược
- Giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ cũng là cách để giảm bớt các chứng đau dạ dày.
Phòng tránh co thắt thanh quản do trào ngược dạ dày bằng cách hạn chế những thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ. Ảnh: Internet
Đối với các trường hợp co thắt thanh quản khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được hỗ trợ hô hấp bằng ống thở, máy thở áp suất để phòng ngừa rủi ro. Đồng thời, ekip phẫu thuật cần theo dõi hết sức sát sao và có phương án xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
Để điều trị chứng co thắt thanh quản, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để tìm hiểu rõ nguyên nhân của bệnh. Nếu bệnh do trào ngược dạ dày thực quản gây ra thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa bằng các thuốc như: prevacid, nexium và dexilant.
Đây là các loại thuốc có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa sự sản xuất acid trong dạ dày, đồng thời giảm bớt sự bào mòn dạ dày do các dịch tiết ra trong hiệu ứng trào ngược.
Nếu bệnh tình của bệnh nhân ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật gấp đáy để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Trên đây là những kiến thức tổng quan về chứng co thắt thanh quản. Mong rằng cá nhân mỗi chúng ta có ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của bản thân phòng tránh các chứng co thắt thanh quản.