Tổng quan kiến thức về bệnh loét lưỡi aphthe

Tổng quan kiến thức về bệnh loét lưỡi aphthe
Có đến 30% dân số gặp phải tình trạng viêm loét lưỡi aphthe. Tuy không quá nguy hiểm nhưng lại gây cho người bệnh cảm giác đau, khó chịu và ảnh hưởng đến ăn uống. Tìm hiểu những kiến thức về loét lưỡi aphthe sẽ giúp bạn hiểu và có cách phòng tránh cũng như biết cách hạn chế những khó chịu.

1. Bệnh loét lưỡi aphthe là gì?

Khái niệm và đặc điểm dịch tễ: Bệnh loét lưỡi aphthe hay loét áp tơ theo đúng thuật ngữ là hiện tượng viêm miệng áp tơ tái diễn. 

Là căn bệnh thường gặp ở người lớn, nhất là những người trên tuổi 30. Đây là căn bệnh mà tất cả độ, tuổi, màu da, sắc tộc và các khu vực trên thế giới đều mắc phải. Trong đó người da trắng có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn da đen. Khi càng lớn tuổi, tỉ lệ mắc bệnh sẽ thấp hơn.

1.1. Đặc điểm lâm sàng

Bệnh loét lưỡi aphthe là hiện tượng tại lưỡi hoặc khoang miệng xuất hiện các tổn thương. Những tổn thương này thường là những vết loét hình tròn hoặc ovan. Vết loét có quầng đổ, đáy có màu vàng hoặc xám. Kích thước, số lượng các vết loét sẽ khác nhau ở từng người bệnh. Đặc biệt một người có thể bị các vết loét này lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian.

Bệnh loét lưỡi aphthe khiến bệnh nhân cảm giác đau đớn, khó chịu khi ăn uống. Đặc biệt cảm giác đau sẽ tăng lên nếu ăn đồ chua, cay, nóng. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu để lâu, tái phát thường xuyên khiến người bệnh chán ăn, sụt cân, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng sống.

Ảnh 2.

Bệnh loét lưỡi aphthe biểu hiện theo từng giai đoạn nặng nhẹ khác nhau (Ảnh: Internet)

1.2. Đặc điểm mô bệnh học

Bệnh loét lưỡi aphthe có những hình ảnh mô bệnh học không đặc hiệu. Theo nghiên cứu, vị trí niêm mạc bị tổn thương có hiện tượng hoại tử nông với bề mặt màng fibrin bao phủ ổ loét. Tại phần biểu mô có các bạch cầu trung tính và lympho xâm nhập. Đặc biệt, dưới ổ loét bị tế bào bạch cầu trung tín xâm nhập nhưng vùng ranh giới lại là bạch cầu đơn nhân.

1.3. Phân loại bệnh loét lưỡi aphthe

Theo phân loại lâm sàng (kích thước, thời gian lành và số lượng) thì bệnh loét lưỡi aphthe chia thành 3 thể đó là: nhỏ, lớn và dạng herpes. Trong đó, bệnh loét lưỡi aphthe thể nhỏ chiếm phần lớn đến 90 - 95%, tỷ lệ giảm dần với thể lớn chỉ chiếm 5 - 10%, với dạng thể herpes chỉ chiếm 1 - 5%.

- Bệnh loét lưỡi aphthe nhỏ có số lượng từ 1 đến nhiều và không cố định. Những vết loét chỉ rộng tối đa 5mm, nông, tại vị trí niêm mạc không sừng hóa. Khi mắc phải bệnh tại tình trạng này bạn không cần lo lắng bởi các vết loét sẽ lành sau 7-10 ngày, không để lại sẹo.

- Bệnh loét lưỡi aphthe lớn có số lượng một hoặc nhiều. Lúc này các vết loét có kích thước lớn hơn từ 1-3 cm và sâu hơn. Vị trí thường gặp có thể chuyển sang môi, họng, ít xuất hiện ở lưỡi hơn. Bệnh có thể kéo dài từ 1 đến 1,5 tháng. Khi lành thương có thể để lại sẹo.

- Bệnh loét lưỡi aphthe dạng herpes có thể có từ 10 - 100 vết loét tại khu vực trong miệng nhưng kích thước nhỏ chỉ 1 - 3mm, loét nông. Bệnh có thể khỏi nhanh chóng trong 1 tuần.

Ảnh 3.

Bệnh loét lưỡi aphthe chia thành 3 thể đó là: nhỏ, lớn và dạng herpes (Ảnh: Internet)

2. Nguyên nhân gây bệnh loét lưỡi aphthe  

Đến nay chưa xác định chính xác nguyên nhân của căn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh có thể do các yếu tố sau:

- Di truyền: Theo khảo sát, có đến 40% bệnh nhân bị bệnh loét lưỡi aphthe đã có người nhà mắc bệnh này. Những người khỏi bệnh phát bệnh sớm hơn với mức độ nặng nề.

- Chấn thương cơ học: Tiêm tê, răng sắc nhọn, bàn chải đánh răng không phù hợp hoắc các tác động khác có thể gây ra bệnh loét lưỡi aphthe  

- Thuốc: Các loại  thuốc chống viêm không steroid như diclofenac, axit propionic, và piroxicam có thể gây lên các tổn thương loét lưỡi aphthe.

- Thiếu máu: Khi bạn bị thiếu máu hoặc các yếu tố như sắt, axit folic, vitamin B12 thì nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi người bình thường.

- Thay đổi nội tiết: Nhiều nghiên cứu cho thấy nội tiết có thay đổi có thể liên quan đến việc bị loét lưỡi aphthe.

- Căng thẳng kéo dài: Tuy không trực tiếp nhưng khi bị căng thẳng sẽ gián tiếp gây loét lưỡi aphthe thông qua các sang chấn mô mềm khi bị các thói quen cắn môi, cắn má...

3. Một số mối liên hệ loét lưỡi aphthe và các yếu tố khác

- Liên cầu trong miệng được xem là vi sinh góp phần gây nên các vết tổn thương đồng thời là kháng nguyên, kích thích sản xuất chéo với kháng thể.

- Helicobacter pylori là một yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của loét lưỡi aphthe.

- Virus cytomegalovirus, Epstein-barr virus tham gia vào cơ thế bệnh sinh của bệnh.

- Yếu tố hoại tử u (TNF-α) là cytokin tiền viêm chính là nguyên nhân khiến các vết loét tái phát nhiều lần.

Ảnh 4.

Cần chẩn đoán và chữa bệnh bệnh loét lưỡi aphthe ngay ở giai đoạn sớm (Ảnh: Internet)

4. Điều trị bệnh loét lưỡi aphthe

Điều trị bệnh loét lưỡi aphthe không đơn giản do chưa xác định rõ nguyên nhân và cơ thể của bệnh. Do đó, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ và tình trạng bệnh cụ thể và được chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa. Có thể điều trị bằng các loại thuộc hoặc phương pháp vật lý, bóc tách, phẫu thuật... Đồng thời hạn chế những nguy cơ tăng bệnh từ kem đánh răng, thức ăn và luôn giữ khoang miệng sạch sẽ và tinh thần thư giãn.

Bệnh loét lưỡi aphthe rất phổ biến trong danh sách các bệnh về lưỡi ở trẻ em. Bệnh này không quá nguy hiểm nên khi mắc bạn thì không cần quá lo lắng. Một lời khuyên cho các bạn là ngay khi có bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.

Tác giả: Minh Nghiêm