Tổng quan 5 điều cần biết về bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già

Tổng quan 5 điều cần biết về bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già
Nhiễm trùng đường tiểu là một trong các loại nhiễm trùng thường gặp nhất ở người già, chỉ sau nhiễm trùng hô hấp. Khi không được can thiệp và điều trị kịp thời, nó có thể gây nên nhiều hậu quả và biến chứng nguy hiểm khác nhau.

1. Bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu được định nghĩa là tình trạng xảy ra khi có sự tấn công, xâm nhập của vi khuẩn vào một hoặc tất cả các thành phần của hệ tiết niệu bao gồm niệu đạo, bàng quang, niệu quản và thận. Theo thống kê tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 10,5 triệu lượt khám bệnh liên quan đến vấn đề nhiễm trùng đường tiểu, trong đó chủ yếu là các bệnh nhân nữ.

Nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiểu tăng lên cùng với sự lớn dần của tuổi tác. Người ta ước tính rằng chỉ có khoảng 10% phụ nữ trên 65 tuổi bị nhiễm trùng đường tiểu, nhưng với các phụ nữ trên 80 tuổi thì tỷ lệ này tăng lên đến hơn 30%.

Điều này khiến cho nhiễm trùng tiểu trở thành một trong các bệnh lý nhiễm trùng thường gặp nhất ở người già. Trên thực tế, mức độ phổ biến của bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già chỉ xếp sau các bệnh lý nhiễm trùng tại đường hô hấp.

Những điều cần biết về bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già - Ảnh 1.

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già là tình trạng rất phổ biến, thường gặp trên thực tế (Ảnh: Interenet)

Đọc thêm: 

Người thiếu sắt ở tuổi trung niên có nguy cơ cao mắc bệnh tim   

Tại sao người cao tuổi bị cao huyết áp? Cao huyết áp ở người cao tuổi có nguy hiểm không?

2. Nguyên nhân gây bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già

Có nhiều chủng vi khuẩn có thể gây nên bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già. Tuy nhiên các loại vi khuẩn đường ruột Enterobacteriaceae chịu trách nhiệm chủ yếu cho phần lớn các trường hợp bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu ở người già. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn đường niệu được nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến nhất là Escherichia Coli (E.Coli).

Bình thường, các loại vi khuẩn này không thể xâm nhập vào đường tiểu nhờ vào các cơ chế như độ pH của nước tiểu, dòng nước tiểu được đào thải liên tục,... Tuy nhiên, một số rối loạn, tổn thương hoặc can thiệp ở đường tiểu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập ngược dòng của vi khuẩn. Lúc này, bệnh nhiễm trùng đường tiểu sẽ xảy ra.

* Các yếu tố thuận lợi gây bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu ở người già

Các thống kê cho thấy rằng, bệnh nhiễm khuẩn đường tiểu thường gặp ở phụ nữ hơn so với nam giới. Điều này có thể là do sự khác biệt cấu trúc đường tiểu giữa nam và nữ. Trong khi niệu đạo ở nam dài và chia làm nhiều đoạn thì niệu đạo ở nữ lại ngắn, vì thế làm vi khuẩn dễ xâm nhập và gây nhiễm trùng đường tiểu ở nữ giới hơn.

Cùng với đó, tuổi già thường đồng nghĩa với việc một người có nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe nền khác nhau. Chẳng hạn có thể kể đến như bí tiểu (do thần kinh hoặc do tắc nghẽn trong phì đại tiền liệt tuyến), rối loạn chức năng tiểu tiện (tiểu són, tiểu không tự chủ), hoặc các bệnh lý đường tiểu mãn tính (sỏi tiết niệu),... Những bất thường này đều có thể làm tăng nguy cơ khiến bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già xảy ra.

Đặc biệt, người già phải nằm viện, không thể tự chủ trong vệ sinh cá nhân hoặc người già sống trong các môi trường tập thể (viện dưỡng lão),... là những đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng tiểu cao hơn hẳn so với những người cao tuổi bình thường khác.

3. Biểu hiện của bệnh nhiễm trùng đường tiểu

Dựa theo tính chất biểu hiện triệu chứng, người ta phân chia bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già thành 2 nhóm. Bao gồm bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già có triệu chứng và bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già không triệu chứng.

3.1. Bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già không triệu chứng

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già không triệu chứng dùng để chỉ các trường hợp có sự xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiểu ở người già nhưng lại không gây biểu hiện lâm sàng. Tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường tiểu không triệu chứng chiếm tỷ lệ cao trong bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già. Đặc biệt hay gặp ở những bệnh nhân cần được đặt sonde tiểu.

Do không có triệu chứng, vì thế dạng bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già này thường khó phát hiện. Thường được ghi nhận nhờ việc tìm thấy vi khuẩn trong nước tiểu tại các đợt xét nghiệm sàng lọc cộng đồng hoặc tình cờ phát hiện khi thực hiện một xét nghiệm nước tiểu khi đi khám bệnh.

Tuy nhiên, nhiễm khuẩn đường tiểu ở người già không triệu chứng không đồng nghĩa với việc vi khuẩn sẽ chung sống hòa bình với cơ thể bệnh nhân. Ngược lại, bất kỳ sự xâm nhập nào của vi khuẩn đều sẽ kích thích sự phản ứng của hệ thống miễn dịch, dù cho có biểu hiện triệu chứng hay không.

3.2. Nhiễm trùng đường tiểu ở người già có triệu chứng

Những điều cần biết về bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già - Ảnh 2.

Biểu hiện triệu chứng bệnh nhiễm trùng đường tiểu có thể thay đổi khác nhau giữa các bệnh nhân (Ảnh: Internet)

Nếu người bệnh bị nhiễm trùng tiểu và có các biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng, người ta gọi đây là các trường hợp bệnh nhiễm trùng tiểu có triệu chứng.

Các biểu hiện triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già có thể rất khác nhau giữa các bệnh nhân. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào thành phần bị nhiễm khuẩn của đường tiểu.

Nếu người bệnh bị nhiễm khuẩn ở đường tiết niệu dưới (niệu đạo, bàng quang) thì các triệu chứng điển hình bao gồm tiểu són, tiểu buốt, tiểu gắt, nước tiểu đục, khó tiểu và phải rặn mạnh để tiểu, đau khi đi tiểu,... Còn khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu trên (thận, bàng quang) người bệnh sẽ biểu hiện bằng tình trạng đau hông lưng, tiểu máu, tiểu đục,...

Sốt cũng là một biểu hiện rất thường gặp trong bệnh nhiễm trùng đường tiểu có triệu chứng. Tuy nhiên, sốt phải phối hợp xuất hiện cùng với các biểu hiện bất thường tại đường tiểu thì mới có giá trị trong định hướng nhiễm trùng đường tiểu.

Lúc này, một kết quả cấy nước tiểu tìm thấy sự hiện diện của vi khuẩn sẽ giúp khẳng định chắc chắn hơn chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già. Nhưng nó không phải là một tiêu chuẩn bắt buộc để chẩn đoán bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già.

Một số trường hợp người già bị nhiễm trùng đường tiểu mãn tính khiến các triệu chứng không còn rầm rộ. Lúc này các biểu hiện của bệnh có thể tương đối mờ nhạt và cần phải rất thận trọng mới có thể được khai thác một cách chính xác.

4. Điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già

Tiến hành điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở các trường hợp bệnh không triệu chứng là điều không được khuyến cáo. Bởi lợi ích thu được của điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già trong những trường hợp này không tương xứng với các nguy cơ tác dụng phụ do thuốc kháng sinh có thể gây nên, cũng như sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc ở vi khuẩn.

Chỉ bắt đầu tiến hành điều trị cho các trường hợp nhiễm trùng đường tiểu có triệu chứng.

Liệu pháp kháng sinh là nội dung chủ yếu của điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già, và cần phải được sử dụng càng sớm càng tốt. Các kháng sinh fluoroquinolon (ciprofloxacin, levofloxacin,...) là những kháng sinh được lựa chọn đầu tay trong điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần được lấy nước tiểu để tiến hành nuôi cấy trước khi sử dụng kháng sinh. Kết quả nuôi cấy vừa có khả năng giúp củng cố chẩn đoán, vừa có thể hỗ trợ quá trình điều trị nhờ giúp thực hiện kháng sinh đồ.

Nếu trường hợp bệnh nhân đáp ứng kém với các kháng sinh ban đầu, bệnh trở nên phức tạp và diễn tiến nặng thì bác sĩ có thể sẽ tiến hành tăng bậc kháng sinh. Các kháng sinh mạnh hơn sẽ được sử dụng, chẳng hạn như ertapenem,...

Khi đã có kết quả kháng sinh đồ, bệnh nhân nên được điều trị kháng sinh đặc hiệu theo kháng sinh đồ để tiêu diệt vi khuẩn tốt hơn, hiệu quả hơn.

Những điều cần biết về bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già - Ảnh 3.

Liệu pháp kháng sinh là nội dung chính trong điều trị nhiễm trùng đường tiểu có triệu chứng (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, một số các thuốc điều trị triệu chứng cũng có thể được dùng để giảm nhẹ các biểu hiện của bệnh nhiễm trùng đường tiểu, kể đến như thuốc hạ sốt hay các thuốc giảm đau kháng viêm không kê đơn,...

5. Cách phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu ở người già

Bệnh nhiễm trùng đường tiểu ở người già có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau như áp xe tại đường tiết niệu, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương thận cấp hoặc dẫn đến bệnh thận mạn,... Vì vậy, các tốt nhất để ngăn chặn các ảnh hưởng xấu do bệnh nhiễm trùng đường tiểu gây nên chính là phòng tránh, không để cho bệnh xảy ra.

Một số biện pháp phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu ở người già:

- Uống nhiều nước, đảm bảo khối lượng nước tiểu. Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu.

- Nhịn đi tiểu gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Do đó, không nên nhịn tiểu mà hãy đi tiểu nếu có cảm giác buồn tiểu.

- Vệ sinh bộ phân sinh dục ngoài sạch sẽ sau khi đi tiểu để loại bỏ nước tiểu còn sót lại.

- Sử dụng các miếng lót có độ thấm tốt cho những bệnh nhân bị són tiểu và thay ngay khi miếng lót đã đầy.

- Người chăm sóc trực tiếp cho người già cần phải thực hiện tốt các yêu cầu vệ sinh.

Có thể thấy rằng, nhiễm trùng đường tiểu ở người già thực sự là một vấn đề phổ biến và hết sức nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách. Do đó, hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh nhiễm trùng đường tiểu đang diễn ra để được hướng dẫn và tư vấn.

Nguồn tham khảo: 

https://www.medscape.com/viewarticle/586757_1


Tác giả: QN