Khi bị gai cột sống, bệnh nhân sẽ cảm thấy ám ảnh với sự đau nhức gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Gai cột sống có các biểu hiện dễ nhận thấy là những cơn đau mỏi kéo dài tại vùng cổ vai gáy, lưng hoặc thắt lưng. Dưới đây là tổng hợp những câu hỏi được thường gặp khi bị gai cột sống.
Khi cơ thể trưởng thành đến một giai đoạn nào đó sẽ lão hoá, "gai" chính là quá trình lão hoá tự nhiên của khớp, hay nói cách khác bệnh gai cột sống chính là bệnh thoái hoá các khớp. Gai thường xuất hiện ở đốt sống cổ và thắt lưng. Vì hai bộ phận này hoạt động nhiều nhất nên dẫn đến tình trạng khớp thoái hoá nhanh.
Thường sau 45 tuổi, người ta dễ bị gai cột sống. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường và gia đình. Nếu trong gia đình có người thân bị gai cột sống thì sẽ có nguy cơ cao khớp bị thoái hoá sớm hơn.
Yếu tố môi trường chính là công việc, nếu những người phải làm việc có khuân vác nặng, ngồi nhiều, đứng nhiều…thì cũng dễ bị bệnh hơn. Khảo sát đối tượng vận động viên thì cũng cho thấy, vận động viên cử tạ bị thoái hoá cột sống nhanh hơn do phải nhấc vật nặng, trọng lượng đè lên cột sống làm cột sống nhanh mòn và yếu đi.
Ngoài ra, bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi cột sống bắt đầu thoái hoá với tuổi già và thường có nhiều ở nam giới hơn nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới tuổi mãn kinh cũng hay bị gai cột sống hơn.
Triệu chứng thường gặp khiến người bệnh phải đi khám là đau thắt lưng, đua vai hoặc cổ, lan xuống cánh tay, tê tay…đôi khi làm giới hạn vận động ở cổ, vai, thắt lưng. Phần lớn gai cột sống gây đau là do tiếp xúc với dây thần kinh hoặc các xương đốt sống khi cử động.
Nhiều người cho rằng những gai này đâm vào cột sống nên gây đau, nhưng trên thực tế, bản thân gai không gây đau, đau là do hệ thống cơ và dây chằng bị yếu, hoặc bị chèn ép. Hiện không có thuốc nào có thể làm tiêu gai xương này đi và cũng không cần phẫu thuật loại bỏ chúng.
Gai chỉ là biểu hiện của thoái hoá khớp hơn là nguyên nhân gây đau. Ví dụ, đau vùng gót chân một thời gian dài mới chụp thấy gai, nhưng nhiều người bị ám ảnh cái gai này và đòi phải phẫu thuật cắt gai. Thực ra gai chỉ là do lắng tụ canxi lâu ngày.
90% canxi khi ăn vào đều được thải ra đường phân, chỉ có là 10% được hấp thụ. Ngoài ra, lượng canxi trong máu được kiểm soát rất chặt chẽ, không để tăng lên quá mức hoặc giảm quá mức. Điều này cho thấy, ăn nhiều canxi không ảnh hưởng, không làm gai xương mọc nhiều hơn.
Tập vật lý trị liệu là biện pháp hữu hiệu giúp tăng cường sức khoẻ cho cơ và dây chằng, giữ cho cột sống luôn vững chắc, khoẻ thì sẽ không thấy đau nữa. Thật ra, vật lý trị liệu là những động tác thể dục nhưng yêu cầu phải tập đúng kỹ thuật và điều này sẽ do bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu hướng dẫn.
Chú ý luôn giữ cho lưng thẳng, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu khi làm việc, tránh khom lưng, khuân vác hay nhấc vật nặng….để không gây áp lực lên cột sống. Ngoài ra, cần chú ý tránh loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh bằng cách ăn uống đầy đủ, nhất là các thực phẩm giầu canxi, tập thể dục, thể thao hợp lý và đều đặn.
Như đã nói, gai cột sống là một quá trình lão hoá tự nhiên theo thời gian, tuổi tác, do đó rất khó tránh khỏi. Hiện không có phương pháp nào chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều người có gai cột sống nhưng hoàn toàn không đau và khoẻ mạnh, nguyên nhân là do họ biết cách giữ cho cột sống khoẻ, không thực hiện các động tác gây đau như cúi, khom, đứng ngồi lâu..