Tổng hợp chung về cách chăm sóc khi bị bệnh nấm da

Tổng hợp chung về cách chăm sóc khi bị bệnh nấm da
Ngoài việc sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, người bị nấm da cần có cách chăm sóc phù hợp để tình trạng bệnh nhanh khỏi.

Ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ nhiễm nấm ngoài da, người bệnh nên đến các trung tâm da liễu, bệnh viện,… để thăm khám để xác định mình đã bị nhiễm loại nấm gì, tình trạng của mình đang ở mức nào để có cách chữa trị và chăm sóc cho thích hợp để giảm dần triệu chứng đang mắc và diệt nấm.

1. Người nhiễm nấm cần chú trọng đến dinh dưỡng hàng ngày

Theo lời khuyên các chuyên gia, khi bị nấm da, điều đầu tiên bạn cần phải làm là phải biết cách chăm sóc và có một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày, tăng cường các loại thực phẩm như rau xanh, các loại hoa quả giúp cung cấp vitamin, chất xơ; trứng, thịt lợn…

Tổng hợp chung về cách chăm sóc khi bị bệnh nấm da - Ảnh 1.

Ăn nhiều rau xanh để cung cấp nhiều vitamin phục hồi làn da- Ảnh Internet

Ngoài ra, người bệnh tránh những thực phẩm có hại như đồ ăn vặt, đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng và các chất kích thích…

Trong điều trị nấm Candida cần tăng cường ăn thực phẩm giàu vitamin B các loại, cần giảm lượng đường trong chế độ ăn uống hàng ngày.

2. Bệnh nhân phải vệ sinh vùng da bị nấm cẩn thận

Nhiều người có sở thích và thói quen mặc đồ bó sát cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh nên giữ vùng da bị nấm được thông thoáng. Không mặc đồ ẩm ướt hoặc đồ quá chật, nên mặc quần áo mềm mại, dễ thoát mồ hôi.

Tổng hợp chung về cách chăm sóc khi bị bệnh nấm da - Ảnh 2.

Mặc đồ rộng rãi để các vùng da trên cơ thể được thông thoáng- Ảnh Internet

Trong quá trình điều trị nấm, giữ vệ sinh thân thể và môi trường sạch sẽ đóng vai trò quan trọng không kém. Bệnh nhân cần phải có cách giữ gìn vùng da bị nấm sạch sẽ hàng ngày thật tốt, vì một làn da sạch sẽ giúp ngăn ngừa nấm và vi khuẩn phát triển.

Vi khuẩn có thể gây bội nhiễm vi khuẩn và làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Người bệnh nên sử dụng sử dụng xà phòng diệt khuẩn để làm sạch bụi bẩn bám trên da, nhất là sau khi vừa mới ra ngoài và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

Lựa chọn nước rửa thích hợp cho vùng da bị nấm. Nên chọn những tinh chất rửa có độ PH 5 %, không nên dùng sữa rửa mặt trong thời gian da bị nấm, đối với trường hợp bị nấm da mặt. Lưu ý dung dịch sát khuẩn hiệu lực cao nhưng phải đảm bảo lành tính,an toàn để sử dụng được lâu dài. Dung dịch sát khuẩn tốt là mẹo trị nấm ngoài da hữu hiệu được nhiều người áp dụng.

Bệnh nhân cần lựa chọn được dung dịch sát khuẩn phù hợp, thỏa mãn các tiêu chí: Sát khuẩn tốt, tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật có hại trên da, tránh gây bội nhiễm da. Không chứa cồn, pH phù hợp để không gây khô da, rát da khi sử dụng lâu dài. An toàn với cơ thể, không gây tác dụng phụ. Được kiểm chứng chất lượng và được cấp phép lưu hành.

Tẩm dung dịch rửa nguyên chất lên khăn sạch để lau rửa những vùng da bị tổn thương do nấm.

3. Giữ vệ sinh môi trường sống, tránh lây lan cho những người tiếp xúc

Nếu trong gia đình có người bị nấm thì những người khác cũng có nguy cơ cao bị lây nhiễm vì việc dùng chung đồ dùng trong nhà là khó tránh khỏi Vì vậy khi có người bị nhiễm nấm cần đặc biệt chú ý sử dụng đồ dùng riêng với người bệnh, không ngủ chung, không dùng chung khăn lau, lược chải tóc, mũ đội đầu và mặc chung quần áo.

Chú ý ngâm rửa đồ dùng, lau rửa dụng cụ hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn, tránh để nấm có nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Cần chú ý thay giặt chăn, ga gối, khăn lau thường xuyên.

Để hạn chế tình trạng lây lan của bệnh, nhất là thời tiết nắng nóng cần giữ vệ sinh nhà ở sạch sẽ. Nhắc nhở mọi người đặc biệt giữ vệ sinh chung những nơi như quán xá, nhà trẻ, trường học, ký túc xá,…

Nếu bạn bị nấm ở bàn chân nên mang dép đi trong nhà riêng hay đi giày không thấm nước trong các khu vực như hồ bơi, phòng tránh nước ngọt ở khu du lịch... để ngừa lây lan cho người khác

Tránh tiếp xúc với những vật nuôi bị nhiễm bệnh, có thể đưa các vật nuôi đi bác sĩ thú y khám định kỳ và kiểm tra xem có nấm không. Bởi vi nấm có thể lây từ động vật như chó, mèo nên cũng cần kiểm tra xem vật nuôi nhà bạn có bị nấm da không. Biểu hiện là một mảng da trên cơ thể con vật sẽ bị trụi lông hoặc có những mảng da đỏ, nổi ban, mụn…

4. Một số lưu ý khác khi chăm sóc da cho người bị nấm

Khi sử dụng thuốc bôi, người bệnh cần phải thoa thuốc kháng nấm rộng hơn vùng da bị nhiễm nấm ít nhất khoảng 2cm, phòng trường hợp nấm vẫn có thể còn sót lại và tiếp tục lây lan sang các khu vực lân cận trên cơ thể.

Sau khi chạm vào vùng nhiễm nấm như tắm rửa, vệ sinh, bôi thuốc hoặc đơn giản chỉ là vô tình chạm phải người bệnh phải rửa tay sạch bằng dung dịch khử trùng hay xà phòng kháng khuẩn. Việc này nhằm mục đích tránh lây lan sang vùng da lành khi tay chạm vào các vùng khác trên cơ thể.

Ngoài ra, nếu tay có dính vi nấm, khi đụng vào vật dụng khác ẩm ướt, cũng khiến vi nấm sinh sôi ngay trên những vật dụng đó.

Tổng hợp chung về cách chăm sóc khi bị bệnh nấm da - Ảnh 3.

Rửa tay bằng xà phòng sau khi chạm vào vùng da nhiễm nấm- Ảnh Internet

Nếu bị nấm ở bàn chân thì người bệnh cần loại bỏ đôi giày cũ hoặc tiệt trùng bằng tia cực tím để tránh bị tái đi tái lại, do vi nấm vẫn còn dính lại và sinh sôi ở giày.

Với người tập luyện thể thao, tốt nhất trong thời gian trị bệnh nên dùng khăn giấy để lau mồ hôi. Người bệnh nên nhớ gói gọn và bỏ khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác.

Trường hợp vùng da bị đỏ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, dù đã dùng thuốc theo chỉ định thì hãy thông báo và đặt lịch hẹn khám lại với bác sĩ da liễu. Bạn cần tái khám cho đến khi nấm hết hoàn toàn.

5. Chăm sóc đặc biệt với người bị nấm da đầu

Đối với các trường hợp nhẹ, gội đầu hàng ngày để loại bỏ tóc rụng, dùng nước gội đầu pha Sulfide selenium hoặc dầu gội Nizoral có tác dụng tốt.

Tuy nhiên, với nấm da đầu, hầu hết các chất được sử dụng tại chỗ như kem bôi không có hiệu quả vì tóc ngăn cản khiến thuốc không ngấm vào các chỗ nấm. Vì vậy, người bệnh phải cắt hết tóc vùng da đầu bị nấm, bôi thuốc diệt nấm tại chỗ hàng ngày. Nếu tổn thương bị nhiễm trùng thì bôi thuốc sát khuẩn tại chỗ, có thể dùng kháng sinh toàn thân kết hợp.

Dùng dầu gội đầu sạch hằng ngày, không cào gãi, cào mạnh gây xây xát da đầu tạo điều kiện cho bội nhiễm vi khuẩn, phải xả nước sạch nhiều lần khi gội đầu và luôn giữ cho tóc khô ráo, sạch sẽ. Đồng thời làm cho tóc khô ngay sau khi gội đầu và lúc đi ngoài mưa về. Nếu bị nặng hơn, sau khi gội nên phủ khăn trùm hết tóc.

Tổng hợp chung về cách chăm sóc khi bị bệnh nấm da - Ảnh 4.

Chà xát mạnh khi gội đầu sẽ làm tổn thương vùng da nấm khiến bệnh nặng hơn- Ảnh Internet

Không nên đội các loại mũ quá chật, đội mũ với thời gian quá lâu làm tóc bị ẩm, dễ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển gây bệnh.

Thuốc uống chống nấm được sử dụng riêng để điều trị nhiễm trùng da đầu. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm Griseofulvin trong 6 – 8 tuần. Bệnh nhân nên dùng Griseofulvin với một bữa ăn đầy chất béo để tăng cường sự hấp thụ.

Griseofulvin có thể gây buồn nôn hoặc gây đau bụng ở trẻ em. Terbinafine, Itraconazole và Fluconazole là những loại thuốc có tác dụng diệt nấm phổ biến. Tuy nhiên, thời gian điều trị đối với một số loại thuốc này có thể ngắn hơn, từ 2 đến 4 tuần. Cả Ketoconazol và Fluconazole cũng có thể gây ra đau bụng cho bé, nên thận trọng sử dụng.

Đối với viêm da đầu do Microsporum spp., Griseofulvin đã được chứng minh là tốt hơn hết trong việc điều trị, trong khi Terbinafine lại tốt hơn đối với nhiễm khuẩn Trichophyton spp.

Tập thể dục thường xuyên giúp giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng, giúp chống chọi lại với bệnh tật tốt hơn.

Nấm da là một tình trạng khá thường gặp, nhất là ở khu vực khí hậu nóng ẩm như Việt Nam. Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa thì gần như mọi trường hợp nấm da đều có thể được điều trị thành công.


Tác giả: Ngọc Điệp