Xơ gan có thể là hậu quả của các bệnh viêm gan mạn tính, vì vậy nếu đã từng mắc các bệnh viêm gan như viêm gan A, B, C thì hãy thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ của mình. Ngoài ra, nếu nhận thấy cơ thể đang gặp các dấu hiệu sau, bệnh nhân cũng nên đi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan để có thể phát hiện bệnh kịp thời:
- Người bệnh sẽ thấy hơi đau ở hạ sườn phải.
- Bụng trướng nhẹ, cảm thấy đầy hơi như ăn không tiêu.
- Trên da xuất hiện các sao vi mạch ở cổ và mặt.
- Ăn uống kém, ăn không ngon trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng sụt cân.
- Hay bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, đầy hơi, khó tiêu...
- Người mệt mỏi kéo dài.
Nếu bạn thuộc 1 trong số những nhóm người dưới đây thì nên được xét nghiệm chẩn đoán xơ gan định kỳ để có thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh:
- Người có tiền sử gia đình mắc các bệnh về gan, đặc biệt xơ gan, ung thư gan.
- Người mắc bệnh viêm gan B, viêm gan C mãn tính.
- Người thường xuyên uống rượu, bia, hút thuốc lá.
- Người mắc bệnh tiểu đường và thừa cân, béo phì.
- Người gặp stress, căng thẳng kéo dài.
Trước khi thực hiện các xét nghiệm người bệnh được các bác sĩ khám lâm sàng. Đây là bước quan trọng vì dựa vào dấu hiệu lâm sàng của người bệnh để chỉ định làm những xét nghiệm gì. Nếu có dấu hiệu xơ gan, người bệnh sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm:
- Xét nghiệm công thức máu.
- Xét nghiệm bilirubin.
- Siêu âm.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT).
- Chụp cộng hưởng từ (MRI).
- Sinh thiết gan.
Xét nghiệm công thức máu
Khi gan bị xơ, các mô xơ gây cản trở dòng máu chạy qua gan. Khi đó máu chảy về lá lách khiến lá lách phình to. Lá lách giữ lại và phá hủy tế bào gan làm số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu giảm xướng, còn gọi là hiện tượng cường lách. Nếu kết quả xét nghiệm công thức máu cho thấy giảm tiểu cầu thì chính là dấu hiệu sớm của bệnh xơ gan.
Xét nghiệm bilirubin
Bilirubin hay còn được gọi là sắc tố mật là một sắc tố có màu vàng đỏ, được tạo ra từ chất hemoglobin có trong hồng cầu. Khi bị xơ gan, gan không xử lý được làm nồng độ bilirubin tăng lên gây ra triệu chứng vàng da , vàng mắt là triệu chứng thường gặp để chẩn đoán xơ gan.
Siêu âm
Đây là phương pháp đơn giản và nhanh gọn không gây nguy hại cho người bệnh và có thể làm nhiều lần. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá được kích thước gan to hay nhỏ, cấu trúc của gan, bờ của gan có gồ gề hay không, có sẹo không. Các bất thường như gan nhiễm mỡ, áp xe, khối u trong gan. Siêu âm màu bác sĩ còn có thể thấy được các mạch máu trong gan rõ ràng hơn và nhìn được hướng đi của dòng máu chảy trong gan.
Nhưng kết quả của siêu âm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ tổn thương gan nặng hay nhẹ. Siêu âm khó cho một kết quả rõ ràng để kết luận có bị xơ gan hay không. Đây chỉ coi là một xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán xơ gan.
Chụp cắt lớp ( CT Scan)
Đây cũng là một phương pháp chụp X - Quang nhưng kỹ thuật tinh vi hơn, cho phép chụp cắt ngang cơ thể cùng một lúc nhiều vùng và nhiều đoạn khác nhau.
Phương pháp này cho kết quả chính xác cao, hình ảnh rõ nét nên khá đắt tiền và có thể làm cho người bệnh nhiễm tia xạ X. Phương pháp này được tiến hành sau khi có phát hiện ra các bất thường trong kết quả siêu âm của gan.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Phương pháp chẩn đoán xơ gan này tạo ra hình ảnh bằng sóng vô tuyến và từ trường. MRI an toàn hơn chụp cắt lớp CT Scan vì người bệnh không bị nhiễm tia X và có thể tái tạo hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau, nhưng khá đắt tiền.
Sinh thiết gan
Phương pháp này chính xác nhất để chẩn đoán xơ gan. Nhưng nếu người bệnh bị rối loạn chảy máu hoặc cổ trướng nặng thì bác sĩ sẽ không làm xét nghiệm này.