Tổng hợp các phương pháp phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp dưới

Tổng hợp các phương pháp phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp dưới
Bệnh viêm đường hô hấp dưới là căn bệnh thường gặp vào mùa lạnh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng bệnh nhờ một số biện pháp đơn giản.

Viêm phế quản, phổi và tiểu phế quản là các bệnh lý phổ biến của viêm đường hô hấp dưới. Bệnh thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân và có xu hướng diễn biến phức tạp vào mùa lạnh. Cùng tìm hiểu thêm về cách phòng bệnh viêm đường hô hấp dưới trong bài viết sau đây.

1. Bệnh viêm đường hô hấp dưới là gì?

Đường hô hấp dưới gồm các bộ phận: khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Bệnh viêm đường hô hấp dưới là thuật ngữ để chỉ các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp dưới nhưng không phải lao. Bệnh thường được đặc trưng bởi các bệnh lý sau:

Viêm phế quản: Là tình trạng niêm mạc phế quản bị kích thích dẫn đến sưng phồng, tăng tiết dịch nhầy và bít tắc phế quản. Viêm phế quản được chia thành 2 loại là viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mãn tính. Trong đó, viêm phế quản cấp tính thường do các tác nhân có hại từ bên ngoài gây ra. Khác với viêm phế quãn mãn tính, viêm phế quản cấp tính chỉ kéo dài trong khoảng một vài tuần.

Viêm phổi: Là tình trạng tổn thương ở các tổ chức chính ở phổi như phế nang. Các tổn thương này chính là nguyên nhân ngăn cản dưỡng khí đi vào máu.

Viêm tiểu phế quản: Căn bệnh này chỉ thường xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 12 tháng tuổi, bởi đây là đối tượng chưa có sự phát triển toàn diện về tiểu phế quản. Bệnh thường bắt nguồn từ các siêu vi khuẩn gây viêm. Các loại vi khuẩn này là tác nhân khiến chất nhờn tích tụ trong đường hô hấp, gây khó thở.

Tổng hợp các phương pháp phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp dưới - Ảnh 2.

2. Nguyên nhân và các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm đường hô hấp dưới

Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm đường hô hấp dưới là do nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới có thể xuất phát từ sự tấn công của vi khuẩn và vi rút. Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn thường là Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn), Moraxella catarrhalis,… Đồng thời, các loại vi rút cúm và hợp bào hô hấp cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh.

Các loại vi khuẩn và virus thường tồn tại dưới dạng mầm bệnh, đặc biệt là phế cầu khuẩn. Loại vi khuẩn gây viêm phổi và viêm phế quản này thường gặp ở trẻ vị thành niên. Trong khi đó, Gram âm và Legionella là tác nhân chủ yếu gây nhiễm khuẩn ở người trưởng thành và người lớn tuổi. Bên cạnh đó, bệnh viêm đường hô hấp dưới cũng có thể bắt nguồn từ những tác nhân lý, hóa. Chẳng hạn như không khí lạnh, các chất gây kích ứng trong khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá…

Các biểu hiện thường gặp nhất của bệnh viêm đường hô hấp cấp gồm có:

- Các triệu chứng liên quan đến khí quản: khàn giọng, khó nói.

- Các triệu chứng liên quan đến phế quản: ho khan, ho kèm theo đờm, nặng hoặc đau tức ngực.

- Các triệu chứng liên quan đến tiểu phế quản: khó thở, khò khè, thở rít.

- Các triệu chứng do phổi bị tổn thương: khó thở, ho có đờm, ho ra máu, đau tức ngực khi hít sâu.

3. Các biện pháp phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp dưới

Bệnh viêm đường hô hấp dưới có thể lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt là viêm đường hô hấp dưới do vi khuẩn và vi rút gây ra. Do đó, để phòng bệnh, bạn cần tránh để bị lây nhiễm các tác nhân gây bệnh. Các biện pháp để phòng tránh bệnh viêm đường hô hấp dưới gồm có:

- Che kín miệng khi ho hoặc hắt hơi.

- Hạn chế tiếp xúc với những người có mầm bệnh.

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn để ngăn vi khuẩn.

- Không hút lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.

- Sử dụng khẩu trang khi đến nơi đông người, nhất là những nơi có không khí ô nhiễm.

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là bộ phận như ngực và cổ.

- Thường xuyên vận động, tập luyện thể dục, thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

- Có chế độ ăn uống khoa học và hợp lý.

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin chủng ngừa vi rút và phế cầu khuẩn.

Bệnh viêm đường hô hấp dưới có thể gây ảnh hưởng lớn đến công việc, học tập và sức khỏe. Do đó, bạn hãy chú ý chăm sóc sức khỏe để phòng tránh căn bệnh này nhé!

Tác giả: Thùy Dung