Tổng hợp các phương pháp phẫu thuật ung thư xương

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tổng hợp các phương pháp phẫu thuật ung thư xương
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến và có hiệu quả cao trong điều trị ung thư xương. Phụ thuộc vào vị trí và diễn biến của bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật ung thư xương phù hợp đối với từng bệnh nhân.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các loại ung thư xương. Đồng thời, phẫu thuật cũng là điều cần thiết cho việc tiến hành sinh thiết ung thư (lấy ra một số tế bào khối u để kiểm tra tại phòng thí nghiệm).

Sinh thiết và phẫu thuật là các hoạt động riêng biệt nhưng việc lên kế hoạch cho cả hai cần phải rất cẩn thận. Sẽ tốt hơn nếu chúng được thực hiện bởi cùng một bác sĩ phẫu thuật. Lý do là vì sinh thiết được lấy từ một vị trí sai có thể làm bác sĩ khó khăn khi thực hiện phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư. Thậm chí nếu sinh thiết được làm không tốt thì việc cắt bỏ khối u là không thể và khi đó cắt cụt chi là điều khó tránh khỏi.

Mục tiêu chính của phẫu thuật ung thư xương là loại bỏ tất cả các tế bào của bệnh ung thư. Bởi nếu không được loại bỏ hoàn toàn, các tế bào ung thư còn sót lại có thể phát triển và tạo ra một khối u mới. Để hạn chế điều này, bác sĩ sẽ loại bỏ khối u cùng với một số mô lành  xung quanh khối u đó. Biện pháp này được gọi là wide-excision (cắt bỏ diện rộng).

Sau phẫu thuật ung thư xương, nhà giải phẫu bệnh sẽ xem xét các mô đã được loại bỏ để xem xét các diện cắt của mô có còn tế bào ung thư hay không. Nếu các tế bào ung thư được tìm thấy tại các diện cắt thì được coi là dương tính, nghĩa là có thể một số tế bào ung thư đã bị bỏ sót trong khi phẫu thuật. Nếu không tìm thấy tế bào ung thư ở diện cắt của mô thì được coi là âm tính. Biện pháp cắt bỏ u rộng rãi với phần diện cắt an toàn sẽ giảm thiểu được nguy cơ ung thư phát triển trở lại.

1. Phẫu thuật ung thư xương với khối u ở cánh tay hoặc chân

Đối với khối u ở cánh tay hoặc chân, trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ hoàn toàn chi để loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư. Phương pháp này gọi là phẫu thuật cắt cụt chi. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp, bác sĩ có thể loại bỏ ung thư mà không cần cắt cụt chi. Cách này được gọi là phẫu thuật cắt một phần chi hoặc phẫu thuật bảo tồn chi.

Khi lựa chọn phương pháp phẫu thuật ung thư xương, người bệnh cần thảo luận với bác sĩ về ưu và nhược điểm của từng phương pháp. Hầu hết bệnh nhân nào cũng đều muốn cắt một phần chi hơn là cắt cụt chi. Tuy nhiên, đây lại là một phương pháp phức tạp và có thể gây ra biến chứng.

Cả 2 phương pháp phẫu thuật ung thư xương này đều có tỷ lệ thành công như nhau nếu được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn tốt. Đồng thời, tâm lý của bệnh nhân cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phẫu thuật.

Dù thực hiện loại phẫu thuật ung thư xương nào, người bệnh cũng đều cần tập luyện phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Đây được xem là phần khó nhất trong quá trình điều trị. Do đó, người bệnh nên tìm gặp các chuyên gia trong lĩnh vực này trước để nhận tư vấn trước khi phẫu thuật.

1.1. Cắt cụt chi

Cắt cụt chi là phương pháp phẫu thuật ung thư xương nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ chi (cánh tay hoặc chân). Trong điều trị ung thư xương, cắt cụt chi sẽ loại bỏ một phần của chi có khối u, bao gồm cả một số mô khỏe mạnh ở đoạn phía trên của chi đó.

Trước đây, cắt cụt chi là phương pháp chính để điều trị ung thư xương ở cánh tay hoặc chân. Ngày nay, phương pháp này chỉ được chỉ định khi không thể phẫu thuật bảo tồn chi được. Ví dụ, nếu việc phẫu thuật bảo tồn chi mà các mạch máu, thần kinh, cơ... của chi được bảo tồn đó không còn chức năng tốt nữa thì chỉ định cắt cụt nên được đặt ra.

MRI sẽ giúp bác sĩ quyết định cần phải cắt bỏ bao nhiêu phần cánh tay hoặc chân. Sau phẫu thuật ung thư xương, cơ và da của bệnh nhân sẽ tạo thành một vòng kín quanh đầu xương bị cắt cụt, hay còn gọi là mỏm cụt. Mỏm cụt này sẽ nằm vừa vặn vào phần  tiếp nối của chi giả.

Cùng với quá trình phẫu thuật, người bệnh phải học cách sử dụng các chi giả trong tập luyện phục hồi chức năng. Bằng liệu pháp vật lý phù hợp, người bệnh thường sẽ đi lại được từ 3 đến 6 tháng sau khi phẫu thuật ung thư xương.

1.2. Phẫu thuật bảo tồn chi

Mục tiêu của phẫu thuật này là loại bỏ tất cả tế bào ung thư nhưng vẫn để lại một phần chân hoặc tay có thể làm việc được. Loại phẫu thuật ung thư xương này rất phức tạp và đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật có chuyên môn và kỹ năng tốt.

Thách thức đối với bác sĩ phẫu thuật là phải loại bỏ toàn bộ khối u, trong khi vẫn giữ được gân, dây thần kinh và mạch máu gần đó. Tuy nhiên, điều đó không phải lúc nào cũng khả thi. Bởi nếu tế bào ung thư đã tấn công đến các cấu trúc này thì chúng phải được loại bỏ cùng với khối u.

Đôi khi, loại phẫu thuật ung thư xương này có thể khiến một chi bị đau hoặc không thể sử dụng được nữa. Trong trường hợp đó, phương phát cắt cụt chi sẽ được chỉ định.

Trong phẫu thuật ung thư xương bảo tồn chi, cắt bỏ diện rộng sẽ được thực hiện nhằm loại bỏ khối u. Ghép xương hoặc cấy ghép xương giả (sử dụng chi giả) được sử dụng để thay thế xương bị mất. Chi giả được làm bằng kim loại hoặc các vật liệu khác. Ghép xương và cấy ghép xương giả được tiến hành ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển sẽ giữ được trong thời gian dài hơn và có thể không cần phẫu thuật thêm khi trẻ lớn lên.

Phẫu thuật các lần tiếp theo sẽ cần thiết nếu ghép xương hoặc cấy ghép xương giả bị nhiễm trùng, không chắc chắn hoặc bị vỡ. Bệnh nhân phẫu thuật bảo tồn chi có thể sẽ cần thêm vài cuộc phẫu thuật nữa trong vòng 5 năm tiếp theo và có thể  đến  cuối cùng nếu không bảo tồn được, bệnh nhân phải cắt cụt chi.

Việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật bảo tồn chi sẽ khó khăn hơn so với cắt cụt chi. Phải mất khoảng một năm để bệnh nhân tập đi đối với phẫu thuật bảo tồn chân. Nếu bệnh nhân không tham gia chương trình phục hồi chức năng thì cánh tay hoặc chân được bảo tồn có thể trở nên vô tác dụng.

1.3. Phẫu thuật tái tạo

Sau khi cắt cụt, phẫu thuật tái tạo sẽ được thực hiện để xây dựng hoặc tái tạo một chi mới. Ví dụ, nếu chân phải của bệnh nhân bị cắt cụt giữa đùi thì chân và bàn chân dưới có thể được xoay và gắn vào phần xương đùi. Khớp cổ chân cũ sẽ trở thành khớp gối mới. Phẫu thuật này được gọi là phẫu thuật xoay ngược "Rotationplasty". Một bộ phận chi giả được sử dụng để làm cho chân mới có cùng chiều dài với chân kia.

Nếu khối u xương nằm ở cánh tay trên, thì cánh tay dưới sẽ được nối lại sau khi loại bỏ khối u. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có một cánh tay có thể hoạt động nhưng nó lại có chiều dài ngắn hơn nhiều so với cánh tay cũ.

2. Phẫu thuật ung thư xương đối với khối u ở các khu vực khác

Ung thư xương ở khung chậu thuờng được điều trị bằng cách cắt bỏ rộng. Nếu cần thiết, phẫu thuật ghép xương sẽ được sử dụng để xây dựng lại kết cấu của xương chậu.

Nếu bệnh nhân có một khối u ở xương hàm dưới thì toàn bộ nửa hàm dưới sẽ được loại bỏ. Sau đó, chúng được thay thế bằng xương từ các bộ phận khác của cơ thể của người bệnh.

Nếu các khối u nằm ở các khu vực như cột sống hoặc hộp sọ thì việc cắt bỏ có thể là phương pháp không an toàn. Ung thư trong các xương này sẽ được xử lý bằng cách kết hợp nhiều phương pháp điều trị như nạo, phẫu thuật lạnh và xạ trị.

2.1. Nạo (Curettage)

Đối với phương pháp này, bác sĩ loại bỏ khối u mà không động đến phần xương của người bệnh. Sau khi thực hiện, vị trí được nạo sẽ để lại một lỗ hổng trên xương. Trong một số trường hợp, ngoài khối u bác sĩ phẫu thuật sẽ xử lý thêm các mô xương gần đó nhằm tiêu diệt những tế bào khối u còn lại. Việc này sẽ được thực hiện bằng các phương pháp phẫu thuật lạnh hoặc bằng cách sử dụng xi măng xương.

2.2. Phẫu thuật lạnh (Cryosurgery)

Phương pháp này được thực hiện bằng cách đổ nitơ lỏng vào các lỗ hổng còn lại trong xương sau khi khối u được cắt bỏ. Cái lạnh cực độ của nitơ lỏng sẽ tiêu diệt các tế bào khối u bằng cách khiến cho chúng đóng băng. Vì vậy mà phương pháp này được gọi là phẫu thuật lạnh. Sau phẫu thuật, các lỗ hổng trên xương có thể được lấp đầy bằng phương pháp ghép xương hoặc xi măng xương.

2.3. Xi măng xương (Bone cement)

Xi măng xương PMMA (polymethylmethyacrylate) tồn tại dưới dạng chất lỏng và cứng lại dần theo thời gian. Nó được đưa vào các lỗ hổng trên xương ở dạng lỏng và khi cứng lại, nó sẽ tỏa ra rất nhiều nhiệt. Chính lượng nhiệt này sẽ giúp tiêu diệt các tế bào khối u còn sót lại. Đây cũng là lý do khiến PMMA được sử dụng trong điều trị một số loại khối u xương mà không phải dùng đến phương pháp lạnh.

3. Các phương pháp phẫu thuật điều trị ổ di căn

Để điều trị ung thư xương dứt điểm, các tế bào ung thư và các ổ di căn hiện có phải được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.

Phổi là bộ phận thường phải chịu ảnh hưởng trong di căn của bệnh ung thư xương. Việc phẫu thuật để loại bỏ ung thư xương di căn đến phổi phải được lên kế hoạch rất cẩn thận. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ xem xét số lượng khối u, vị trí của khối u (trong một phổi hoặc cả hai phổi), kích thước của chúng và tình hình sức khỏe của người bệnh.

Phương pháp chụp CT ngực không thể hiển thị tất cả các khối u đang tồn tại. Do đó, bác sĩ phải chuẩn bị các kế hoạch để đối phó trong trường hợp phát hiện nhiều khối u hơn khi phẫu thuật so với kết quả chụp CT.

Loại bỏ tất cả các di căn ở phổi là cách duy nhất để điều trị ung thư xương di căn đến phổi. Tuy nhiên, không phải tất cả các di căn phổi đều có thể được loại bỏ. Một số khối u quá lớn hoặc quá gần các cấu trúc quan trọng trong ngực (như mạch máu lớn) sẽ rất khó để được loại bỏ một cách an toàn. Những người có sức khỏe không ổn định (do thiếu hụt dinh dưỡng hoặc các vấn đề về tim, gan và thận) còn có nguy cơ phản ứng với tác dụng của thuốc gây mê trong phẫu thuật.

Trên đây là những phương pháp phẫu thuật ung thư xương phổ biến được áp dụng hiện nay. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và vui sống!

Bài dịch: https://www.cancer.org/cancer/bone-cancer/treating/surgery.html


Tác giả: Thùy Dung