Đau đớn là một trong các triệu chứng phổ biến nhất do bệnh gai cột sống gây nên. Đau nhẹ khi mới bắt đầu khởi bệnh và sau đó tăng dần cùng với sự tiến triển của bệnh. Đau dai dẳng, kéo dài khiến bệnh nhân bị suy giảm chất lượng sống, hạn chế vận động hằng ngày, và có thể khiến bệnh nhân mất khả năng lao động.
Do vậy, giảm đau gai cột sống cho bệnh nhân là điều rất được quan tâm và có ý nghĩa lớn trong điều trị.
Sử dụng các loại thuốc giảm đau là phương pháp giảm đau gai cột sống được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Ưu điểm của các loại thuốc giảm đau là dễ sử dụng, hiệu quả nhanh chóng, rẻ tiền,... Tuy nhiên giảm đau gai cột sống bằng các loại thuốc cũng có một số nhược điểm như tác dụng mất nhanh sau khi dùng, nhiều tác dụng phụ,...
Việc sử dụng các loại thuốc để giảm đau cho bệnh nhân gai cột sống được xem xét dựa trên mức độ đau của bệnh nhân và các chống chỉ định nếu có. Các loại thuốc giảm đau gai cột sống thường được sử dụng trên lâm sàng có thể kể đến như paracetamol, các thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid (ibuprofen, naprofen,...), thuốc tiêm corticoids.
Do thuốc có thể gây nên nhiều tác dụng phụ khi sử dụng, do vậy bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau gai cột sống khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bên cạnh sử dụng các loại thuốc giảm đau, giảm đau gai cột sống bằng vật lý trị liệu cũng được áp dụng rất phổ biến hiện nay bởi sự kết quả giảm đau bền vững sau điều trị và thân thiện ít tác dụng phụ xảy ra.
Tùy vào mức độ đau của bệnh nhân và kỹ thuật được chỉ định, mà bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách thực hiện giảm đau gai cột sống bằng vật lý trị liệu tại nhà hoặc thực hiện giảm đau cho bệnh nhân tại cơ sở y tế.
Một số phương pháp vật lý trị liệu được dùng để giảm đau gai cột sống hiện nay là nhiệt trị liệu (chườm nóng, chườm lạnh), chiếu đèn hồng ngoại, sử dụng sóng ngắn, kéo dãn cột sống giảm chèn ép, chiếu laser làm mềm xương giảm đau,...
Tuy nhiên, hiệu quả giảm đau gai cột sống bằng vật lý trị liệu thể hiện khá chậm sau khi thực hiện. Do vậy bệnh nhân và bác sĩ cần có sự kiên trì khi sử dụng vật lý trị liệu để giảm đau gai cột sống cho bệnh nhân.
Châm cứu là phương pháp giảm đau gai cột sống dựa trên các quan điểm của y học cổ truyền bệnh. Cụ thể phương pháp sẽ sử dụng kim châm (châm) hoặc nhiệt (cứu) để tác động lên các vị trí huyệt đạo của cơ thể bệnh nhân với mục đích giảm đau.
Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu khoa học được thực hiện để chứng minh tác dụng giảm đau của châm cứu. Cụ thể khi châm cứu cơ thể sẽ sản xuất ra một loại hoormon là beta-endorphin có tác dụng giảm đau. Vì vậy, bệnh nhân cảm thấy giảm đáng kể tình trạng đau đớn sau khi châm cứu.
Ngoài các phương pháp điều trị giảm đau gai cột sống như đã kể ở trên, thay đổi lối sống lành mạnh khoa học cũng có tác dụng giảm đau gai cột sống rất hiệu quả.
Trong sinh hoạt hằng ngày, bệnh nhân gai cột sống nên có chế độ vận động hợp lý như không nên ngồi quá lâu làm tăng áp lực cột sống, không thực hiện các động tác ở tư thế không thích hợp, không thực hiện các hành động gắng sức,... để tránh gây nên các tổn thương cho cột sống và khiến đau đớn trở nên nặng nề hơn.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý giàu canxi, vitamin, khoáng chất giúp hệ xương khỏe mạnh, kiểm soát tốt trọng lượng của cơ thể và sự luyện tập hợp lý để hệ xương khớp luôn dẻo dai.
Trên đây là một số phương pháp giảm đau gai cột sống thường được sử dụng hiện nay mà bệnh nhân có thể tham khảo để biết thêm thông tin. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi giảm đau, bệnh nhân không nên tự ý áp dụng các phương pháp giảm đau khi không có sự chỉ định của bác sĩ.