Tổng hợp các phương pháp điều trị viêm phế quản

Tổng hợp các phương pháp điều trị viêm phế quản
Trong điều trị viêm phế quản các bác sĩ đều ưu tiên điều trị không sử dụng thuốc, trong trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu thuyên giảm mới can thiệp bằng kháng sinh.

Viêm phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp có vai trò dẫn không khí từ ngoài vào phổi. Khi cây phế quản viêm sẽ tiết ra chất nhầy, kích thích gây ho. Bệnh có nguyên nhân do virus hoặc vi khuẩn, chủ yếu vẫn là các virus gây bệnh cúm, cảm lạnh.

Trong một vài trường hợp dễ nhầm lẫn giữa viêm phế quản và bệnh lý hen phế quản cấp tính. Trường hợp này bạn cần gặp bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị hợp lý.

1. Phương pháp điều trị viêm phế quản

1.1. Điều trị viêm phế quản không dùng thuốc

Viêm phế quản cấp tính thường tự khỏi sau 10-14 ngày nên thường bệnh nhân không cần uống thuốc. Lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa chỉ là nghỉ ngơi hợp lý và uống đủ nước. Những lưu ý dưới đây giúp bạn có thể điều trị viêm phế quản nhanh khỏi mà không cần dùng đến thuốc:

- Nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế lao động nặng, stress, uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày

- Nhớ rửa tay thường xuyên, rửa trước và sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, nhớ rửa tay đúng thời gian, ít nhất 30 giây cho mỗi lần.

Ảnh 2.

Cần rửa tay thường xuyên (Ảnh: Internet)

- Cần giữ ấm cho đường hô hấp, đặc biệt là mũi, hầu họng và vùng cổ. Nên đeo khẩu trang và khăn choàng cổ khi đi ra ngoài.

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm.

- Ăn uống đủ bữa, đủ dinh dưỡng, không ăn thức ăn lạnh, uống nước có gas, hạn chế ăn thực phẩm sống, thực phẩm khó tiêu.

1.2. Điều trị viêm phế quản bằng thuốc

Những trường hợp bệnh nặng, cần đến bác sĩ khám, khi đó bệnh nhân có thể được kê 1 trong những loại thuốc dưới đây:

- Thuốc ho: cần lưu ý, ho là một phản ứng của cơ thể dùng để tống xuất các vi khuẩn, virus gây bệnh ra khỏi đường hô hấp, có lợi cho cơ thể. Vì vậy, bạn cần cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng thuốc ho. Nếu ho gây đau ngực, ảnh hưởng đến giấc ngủ, chất lượng cuộc sống thì nên cân nhắc sử dụng.

- Thuốc hạ sốt: viêm thường sẽ gây sốt, thuốc hạ sốt nên được uống cách nhau mỗi 4-6 tiếng, uống khi sốt 38 độ C.

Ảnh 4.

Thuốc hạ sốt nên được uống cách nhau mỗi 4-6 tiếng, uống khi sốt 38 độ C (Ảnh: Internet)

- Giãn phế quản: trong những trường hợp bệnh nặng, đàm nhiều gây hẹp khít đường phế quản, bệnh nhân có thể được chỉ định phun thuốc giãn phế quản để dễ thở hơn.

- Thuốc kháng sinh: phần lớn các trường hợp viêm phế quản là do virus gây ra và kháng sinh không có tác dụng lên virus. Thuốc kháng sinh chỉ được kê khi bệnh do vi khuẩn và cần sử dụng kháng sinh đủ liều, đủ ngày theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.

2. Lưu ý khi điều trị viêm phế quản

Mặc dù đa số bệnh nhân bị viêm phế quản có thể tự khỏi nếu đang ở giai đoạn cấp tính nhưng không vì vậy mà lơ là trong việc chăm sóc và theo dõi bệnh.

Cần đặc biệt lưu ý khi điều trị viêm phế quản là các dấu hiệu nặng cần gặp bác sĩ ngay:

- Ho kéo dài hơn 10 ngày không khỏi

- Cảm thấy cơ thể ngày càng mệt mỏi, ho quá nhiều không ngủ được

- Đau ngực khi ho, hoặc khó thở tăng dần

- Sốt cao hơn 38 độ C

- Khò khè, ho đàm đổi sang màu xanh, vàng, đỏ.

Các lưu ý khác:

- Đối với các bệnh do virus gây ra, uống nhiều nước và nghỉ ngơi hợp lý là lưu ý khi điều trị viêm phế quản cần quan tâm. Các triệu chứng như sốt, ho,.. đều là những phản ứng có lợi của cơ thể dùng để chống lại virus

- Kháng sinh cần được sử dụng đúng theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, không được tự ý mua ngoài cũng như không được bỏ ngang giữa chừng.

- Khi bệnh nhân sốt, nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, uống nhiều nước. Không nên mặc quá kín, đắp nhiều lớp mền sẽ khó hạ nhiệt độ hơn.

Nguồn tham khảo:https://www.webmd.com/lung/understanding-bronchitis-treatment#2


Tác giả: Hồng Phượng