Tổng hợp các loại thuốc dạng hít trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ưu nhược điểm của từng loại thuốc hít

Tổng hợp các loại thuốc dạng hít trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và ưu nhược điểm của từng loại thuốc hít
Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là căn bệnh gây khó thở thường xuyên cho người bệnh. Các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD là một phần quan trọng cho việc quản lý bệnh cũng như hỗ trợ người bệnh cải thiện hô hấp.

COPD hay còn gọi là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh mãn tính cần được điều trị thường xuyên liên tục bằng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Có khá nhiều loại thuốc được sử dụng kết hợp được bác sĩ kê đơn; các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD bao gồm thuốc giãn phế quản và steroid.

Có ba loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD mà bác sĩ thường xuyên kê cho người bệnh sử dụng; bao gồm:

- Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn

- Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (thuốc chủ vận beta và thuốc kháng cholinergic/ thuốc đối kháng muscarinic)

- Steroid dạng hít.

Tổng hợp các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD - Ảnh 1.

Có ba loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD mà bác sĩ thường xuyên kê cho người bệnh - Ảnh: Healthline

Mỗi loại thuốc dùng để điều trị các triệu chứng COPD khác nhau. Một số ống hít chỉ chứa một loại thuốc (gọi là đơn trị liệu) và những loại thuốc khác chứa nhiều thành phần thuốc; mỗi loại có một cơ chế hoạt động khác nhau.

Các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD được dùng trực tiếp vào đường thở; những loại thuốc này thường có tác dụng nhanh chóng và ít gây ra tác dụng phụ hơn thuốc dùng đường uống và đường tiêm. Bác sĩ có thể kê một hoặc nhiều ống hít kèm với các loại thuốc khác để kiểm soát bệnh COPD của bạn.

Xem thêm:

>> Các phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và lưu ý khi điều trị

1. Danh sách loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD

1.1. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn

Khi mắc phổi tắc nghẽn mãn tính, bạn có thể gặp các tình trạng như khó thở, thở khò khè khi bạn gắng sức trong các hoạt động; hoặc khi bạn mắc các nhiễm trùng đường hô hấp. Thuốc giãn phế quản là một trong số những loại thuốc điều trị COPD có tác dụng ngắn, còn được gọi là thuốc hít cấp cứu; giúp làm giảm nhanh chóng các triệu chứng COPD hoặc khi người bệnh gặp các đợt cấp.

Thuốc giãn phế quản hoạt động bằng cách làm giãn các túi khí (tiểu phế quản) bị co lại trong đợt bùng phát COPD. Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn có tác dụng nhanh chóng và giúp giảm đau trong 4 đến 6 giờ.

Tổng hợp các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD - Ảnh 2.

Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn có tác dụng nhanh chóng - Ảnh: Verywellhealth

Loại thuốc này chỉ nên dùng khi cần thiết. Bạn nên mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi để dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Có hai loại thuốc giãn phế quản. Chất chủ vận beta liên kết với các thụ thể trong phổi để làm giãn phế quản. Và thuốc kháng cholinergic ngăn chặn acetylcholine, chất dẫn truyền thần kinh gây co thắt (thu hẹp đột ngột) các cơ của phế quản.

Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn (SABA) bao gồm:

•Ventolin (albuterol)

•Xopenex (levalbuterol)

•Alupent (Metroterenol)

•Bricanyl (terbutaline)

Thuốc kháng cholinergic/ kháng muscarinic tác dụng ngắn (SAMA) thường là Atrovent (ipratropium). Ngoài ra, còn có một loại thuốc hít tác dụng ngắn kết hợp như Combivent; có chứa ipratropium và albuterol.

1.2. Thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài

Khi bạn bị COPD, bác sĩ có thể kê một hoặc hai loại thuốc giãn phế quản dạng hít tác dụng kéo dài để bạn dùng mỗi ngày, cho dù bạn có triệu chứng hay không. Tác dụng của loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD này có thể kéo dài từ 12 đến 24 giờ.

Cũng như thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, chúng chứa thuốc chủ vận beta hoặc thuốc kháng cholinergic.

1.2.1. Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài

Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABA) bao gồm:

•Serevent (salmeterol)

•Salbutamol

•Performomist (formoterol)

•Bambec (bambuterol)

•Arcapta Neohaler (indacaterol)

•Brovana (arformoterol)

•Striverdi Respimat (olodaterol)

•Vilanterol

1.2.2. Thuốc kháng cholinergic/ thuốc kháng muscarinic tác dụng kéo dài

Thuốc kháng cholinergic/thuốc kháng muscarinic tác dụng kéo dài (LAMA) bao gồm:

•Spiriva (tiotropium)

•Tudorza Pressair (aclidinium bromide)

•Seebri Neohaler, Lonhala Magnair (glycopyrronium)

•Incruse Ellipta (umeclidinium)

1.3. Thuốc giãn phế quản kết hợp

Trong danh sách thuốc dạng hít trong điều trị COPD còn có các loại thuốc hít tác dụng kéo dài kết hợp chứa cả chất kháng beta tác dụng kéo dài (LABA) và chất kháng cholinergic tác dụng kéo dài (LAMA) như:

•Bevespi Aerosphere (formoterol và glycopyrronium)

•Duaklir (formoterol và aclidinium)

•Utibron Neohaler (indacaterol và glycopyrronium)

•Anoro Ellipta (vilanterol và umeclidinium)

Đối với những người bị COPD từ trung bình đến nặng, hướng dẫn điều trị COPD năm 2020 khuyến nghị kết hợp cả thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABA) và thuốc kháng cholinergic tác dụng kéo dài (LAMA); thay vì sử dụng đơn lẻ một trong hai loại thuốc này.

Sử dụng thuốc giãn phế quản

Cho dù bạn sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn hay dài hạn, điều quan trọng là bạn phải sử dụng đúng cách. Bạn cũng nên theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD; sau đó, hãy báo với bác sĩ về các tác dụng không mong muốn để có phương án xử trí kịp thời.

Tổng hợp các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD - Ảnh 3.

Nên theo dõi các tác dụng phụ khi dùng các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD - Ảnh: Uhhospitals

Một số tác dụng phụ thường gặp ở thuốc giãn phế quản dạng hít bao gồm:

Liệu pháp chủ vận beta dạng hít có thể gây ra đánh trống ngực, co cứng cơ, đau bụng và cảm giác lo lắng.

Các liệu pháp kháng cholinergic có thể gây khô miệng, bí tiểu, mờ mắt, buồn ngủ và tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp.

1.4. Steroid dạng hít

Steroid dạng hít hoạt động khác với thuốc giãn phế quản. Steroid dạng hít hoạt động tương tự như steroid đường uống, nhưng chúng có tác dụng nhanh hơn. Loại thuốc này giúp làm giảm viêm trong phổi; nhanh chóng làm giảm tắc nghẽn đường thở và giảm tích tụ chất nhầy xảy ra trong COPD.

Bác sĩ sẽ kê một lịch trình để bạn tuân theo khi sử dụng ống hít steroid, thường là sử dụng hai lần mỗi ngày.

Các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD steroid thường được bác sĩ kê bao gồm:

•Pulmicort (budesonide)

•Aerospan (flunisolide)

•Flovent (fluticasone)

•Asmanex (mometasone)

•QVAR (beclomethasone)

Sử dụng steroid dạng hít:

Steroid dạng hít không được khuyến khích cho tất cả mọi bệnh nhân COPD. Chúng có thể được sử dụng cho những người cũng bị hen suyễn hoặc có số lượng bạch cầu ái toan cao. Nếu không bị hen suyễn, chúng chỉ nên được sử dụng cho những bệnh nhân bị một hoặc nhiều đợt cấp COPD mỗi năm.

Ngoài tác dụng làm giảm đợt cấp COPD, steroid dạng hít cũng làm tăng nguy cơ viêm phổi. Tác dụng phụ của steroid dạng hít bao gồm đau miệng; đau họng; tưa miệng; sử dụng lâu dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp và loãng xương.

1.5. Thuốc hít kết hợp có chứa thuốc giãn phế quản và steroid

Thuốc hít kết hợp là một trong những loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD cần được kể đến. Ngoài sự kết hợp của các loại thuốc giãn phế quản, có những thuốc hít kết hợp một steroid dạng hít và một hoặc hai loại thuốc giãn phế quản.

Tổng hợp các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD - Ảnh 4.

Thuốc hít kết hợp là một trong những loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD cần được kể đến - Ảnh: Fierceelectronics

Loại thuốc hít này cũng có sẵn dưới dạng công thức kết hợp có chứa steroid và thuốc giãn phế quản; kết hợp hai loại thuốc giãn phế quản hoặc kết hợp thuốc tác dụng ngắn và thuốc tác dụng kéo dài.

Thuốc hít kết hợp có chứa corticosteroid và thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABA) bao gồm:

•Symbicort (formoterol và budesonide)

•Advair (salmeterol và fluticasone)

•Brio Ellipta (vilanterol và fluticasone)

•Dulera (formoterol và mometasone)

Thuốc hít kết hợp có chứa corticosteroid, thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài (LABA) và thuốc kháng cholinergic tác dụng kéo dài (LAMA) thường được kê là Trelegy Ellipta (vilanterol, umeclidinium và fluticasone)

2. Tóm lại

Điều quan trọng nhất là người bệnh nên thường xuyên trao đổi về các loại thuốc dạng hít trong điều trị COPD với bác sĩ; vì các loại thuốc này sử dụng trên cơ sở khác nhau nên khuyến nghị của bác sĩ có thể sẽ thay đổi tùy theo tình trạng bệnh.

Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn có thể được sử dụng như "thuốc hít cấp cứu" vì chúng giúp mở đường thở nhanh chóng, trong khi các loại thuốc khác dùng để phòng ngừa. Hãy chắc chắn làm theo đúng hướng dẫn của chuyên gia y tế.

Ngoài ra, hãy kiểm tra xem bạn có cùng một loại thuốc nhưng được kê với nhiều tên thương hiệu khác nhau hay không. Bởi nếu dùng quá liều, bạn có thể phải chịu tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng. Do đó, nếu không đi khám cùng một bác sĩ, hãy mang theo hồ sơ y tế để việc kê thuốc không bị trùng lặp.

Nguồn dịch:

1. https://www.verywellhealth.com/the-basics-of-inhaler-therapies-that-treat-copd-914707

2. https://www.verywellhealth.com/copd-inhalers-and-medications-915049


Tác giả: Tiểu Quyên