Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi

Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi
Sởi có thể phòng ngừa một cách hữu hiệu bằng phương pháp chủng ngừa. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều những thắc mắc, câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi mà mọi người quan tâm.

Sởi là một căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Khi mắc phải, bệnh nhân thường có các triệu chứng sốt, phát ban... và gây nên các biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm phổi... Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bệnh và dưới đây là tổng hợp những câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi.

1. Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh sởi?

Trên thực tế, tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh nếu chưa có miễn dịch. Ngoài ra, nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc sở bao gồm:

- Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vaccine sởi.

- Trẻ chưa đáp ứng miễn dịch dù đã tiêm vaccine.

- Người chưa từng mắc sởi và chưa tiêm vaccine phòng sởi.

2. Những phương pháp phòng tránh bệnh sởi là gì?

Những biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh sởi bao gồm:

- Tiêm vaccine phòng sởi để chủ động phòng bệnh.

- Cách ly bệnh nhân ngay khi phát hiện mắc bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người khác tối thiểu 4 ngày sau khi phát ban.

Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi - Ảnh 2.

Hạn chế để bệnh nhân tiếp xúc với người khác tối thiểu 4 ngày sau khi phát ban (Ảnh: Internet)

- Tẩy trùng, vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi làm việc.

- Hạn chế tập trung đông người khi có dịch.

3. Có thể tiêm phòng sởi nếu nghi ngờ đã lây nhiễm virus gây bệnh hay không?

Đây là một trong những câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi phổ biến. Câu trả lời là có thể tiêm phòng trong trường hợp nghi ngờ đã lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên cần tiêm vaccine càng sớm càng tốt, đặc biệt cần tiêm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với virus thì mới có hiệu quả.

4. Tiêm phòng sởi đầy đủ vẫn có thể mắc bệnh đúng hay sai?

Trên thực tế, rất ít người mắc sởi sau khi được chủng ngừa đầy đủ. Điều này là do hiệu quả của vaccine phòng sởi là 97%. Do vậy, vẫn có 1 tỷ lệ nhỏ người tiêm phòng vaccine sởi đầy đủ vẫn mắc bệnh nếu tiếp xúc với virus gây bệnh.

Lý giải cho điều này, các nhà khoa học đã giải thích rằng do miễn dịch của người bệnh không đáp ứng với vaccine. Tuy nhiên nếu được chủng ngừa đầy đủ khi bị mắc bệnh sẽ nhẹ hơn, cũng ít có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.

5. Hiệu quả của vaccine phòng sởi như thế nào?

Tính hiệu quả của vaccine sởi là rất cao. Nếu chỉ tiêm 1 liều, hiệu quả ngăn ngừa đạt 93%, tỷ lệ này sẽ tăng lên 97% nếu tiêm đủ 2 liều khi tiếp xúc với virus.

Vậy tại sao cần phải tiêm hai liều vaccine sởi? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chứng minh được rằng chỉ có khoảng 85% số trẻ 9 tháng tuổi tiêm vaccine sởi đáp ứng miễn dịch. 15% trẻ còn lại không đáp ứng miễn dịch do 1 số yếu tố như miễn dịch truyền từ mẹ còn tồn lưu, chất lượng bảo quản vaccine...

Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi - Ảnh 3.

Hiệu quả ngăn ngừa sởi đạt 97% nếu tiêm đủ 2 liều vaccine (Ảnh: Internet)

Tiêm mũi vaccine phòng sởi thứ 2 sau khi trẻ đủ 12 tháng tuổi là cơ hội thứ 2 tạo miễn dịch cho những trẻ chưa đáp ứng, tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch cộng đồng lên trên 95%.

6. Ai nên tiêm mũi vaccine phòng sởi thứ hai?

Những ai chưa đáp ứng miễn dịch, chưa tiêm vaccine hoặc chưa từng mắc sởi đều là đối tượng nên tiêm mũi vaccine thứ 2. Tuy vậy, tổ chức y tế thế giới WHO cũng đã đưa ra khuyến cáo rằng không nhất thiết phải xét nghiệm xác định tình trạng miễn dịch của trẻ để chỉ định tiêm vaccine. Từ đó, các trường hợp chưa tiêm mũi thứ 2, không nhớ rõ lịch trình tiêm vaccine sởi đều nên tiêm phòng cẩn thận.

7. Miễn dịch sau tiêm vaccine sởi có bền vững suốt đời không? Sau khi tiêm phòng có thể nhiễm virus sởi không?

Ttuy rằng tổ chức y tế thế giới đã cho biết có những trường hợp đáp ứng sau khi tiêm có miễn dịch bền vững suốt đời. Nhưng vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp sau tiêm chủng mắc bệnh. Mặc dù vậy, các triệu chứng ở những bệnh nhân này thường nhẹ và không lây nhiễm nên không cần cách ly với cộng đồng.

8. Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm vaccine phòng sởi?

Vaccine phòng sởi đã được các nhà khoa học đánh giá là an toàn. Thông thường các phản ứng sau khi tiêm thường nhẹ như sốt, phát ban, sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ tiêm... Những tác dụng phụ này sẽ hết trong khoảng từ 1 đến 2 ngày mà không cần điều trị.

Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine sởi tuy rất hiếm gặp, nhưng cũng có thể xảy ra. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, trẻ cần được theo dõi y tế trong vòng 30 phút sau khi tiêm chủng. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí kịp thời với các phản ứng quá mẫn này.

9. Trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trên 18 tháng tuổi có thể tiêm vaccine sởi không?

Chỉ khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết mới tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần lưu ý cần tiêm ngay vaccine khi trẻ đủ 9 tháng tuổi với các trường hợp trên do mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là một mũi vaccine.

Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về vaccine phòng sởi - Ảnh 2.

Mũi tiêm trước khi trẻ đủ 9 tháng tuổi không được tính là một mũi tiêm vaccine (Ảnh: Internet)

Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.

10. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine sởi không?

Các chuyên gia đã chứng minh được rằng phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm vaccine phòng sởi. Điều này là do kháng thể sau khi tiêm phòng có thể bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa, giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.

>> Tổng hợp các loại vaccine phụ nữ có thể tiêm phòng trong thời kì mang thai

11. Những trường hợp nào không nên tiêm vaccine phòng sởi?

Cần lưu ý những trường hợp dưới đây không nên tiêm vaccine phòng sởi:

- Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm vaccine sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của vaccine như gelatin, neomycin.

- Mặc dù hiện tại chưa có bằng chứng rõ ràng và cụ thể nào về việc tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra, vẫn không nên tiêm vaccine sởi cho phụ nữ có thai.

- Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các vaccine sống khác, cần tránh có thai ít nhất một tháng sau tiêm.

- Không tiêm vaccine sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

- Không tiêm vaccine sởi cho người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính.

- Có thể tiêm vaccine sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.


Tác giả: Anh Dũng