Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về bệnh cao huyết áp

Tổng hợp các câu hỏi thường gặp về bệnh cao huyết áp
Cao huyết áp là căn bệnh khá phổ biến và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Một loạt câu hỏi về bệnh cao huyết áp dưới đây có thể giúp bạn hiểu biết phần nào về căn bệnh này.

1. Huyết áp là gì?

Với mỗi nhịp tim, máu sẽ được bơm vào động mạch và đi khắp cơ thể. Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch.

2. Cách đọc kết quả đo huyết áp?

Trị số huyết áp được đo bằng milimét thủy ngân (mmHg) và được viết là huyết áp tâm thu / huyết áp tâm trương. Ví dụ: Chỉ số huyết áp được viết là 120/80 mmHg hoặc "120 trên 80". Điều này cho thấy huyết áp tâm thu là 120 và huyết áp tâm trương là 80.

Trong đó, huyết áp tâm thu là áp lực của máu lên thành động mạch khi tim đập. Huyết áp tâm trương là áp lực của máu lên thành động mạch giữa các nhịp tim.

3. Huyết áp khi nào là bình thường và khi nào là cao?

- Huyết áp bình thường là huyết áp tâm thu nhỏ hơn 120mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 80mmHg.

- Huyết áp cao là huyết áp tâm thu 120 - 129mmHg và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 80mmHg.

Bệnh cao huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu từ 130 - 139mmHg hoặc tâm trương từ 80-89 mmHg.

- Bệnh cao huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu ít nhất 140 mmHg hoặc tâm trương ít nhất 90 mmHg.

- Bệnh cao huyết áp ác tính: Huyết áp tâm thu trên 180mmHg và / hoặc tâm trương trên 120mmHg.

bệnh cao huyết áp

Đo huyết áp giúp bạn xác định mình có bị cao huyết áp hay không. (Ảnh Internet)

4. Dấu hiệu nào giúp nhận biết bệnh cao huyết áp?

Huyết áp cao thường không có triệu chứng và nhiều người không biết mình mắc bệnh. Đó là lý do tại sao nó đôi khi được gọi là "kẻ giết người thầm lặng". Cách duy nhất để biết chắc chắn bạn có bị cao huyết áp hay không là để bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác kiểm tra. Khi bệnh tiến triển nghiêm trọng, có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:

- Đau đầu dữ dội.

- Mệt mỏi.

- Mờ mắt.

- Tức ngực.

- Khó thở.

- Nhịp tim tăng nhanh.

- Cảm giác có nhịp đập mạnh ở ngực hoặc tai.

- Đi tiểu ra máu.

5. Nguyên nhân gây bệnh cao huyết áp là gì?

Có một số nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng cao huyết áp xảy ra như sau:

- Lão hóa.

- Thừa cân.

- Ít vận động.

- Chế độ ăn uống kém, tiêu thụ nhiều muối và cồn.

- Hút thuốc.

- Căng thẳng quá độ.

- Do di truyền.

- Do ảnh hưởng từ các bệnh khác như tiểu đường, chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn tuyến giáp, bệnh thận mãn tính, rối loạn lipid máu,.....

6. Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp ở trẻ em là gì?

Thừa cân là nguyên nhân chính gây tăng huyết áp ở trẻ em. Các bệnh lý khác như suy thận, hẹp động mạch,… cũng có thể là lý do gây tăng huyết áp ở trẻ em.

Tìm hiểu thêm tình trạng cao huyết áp ở trẻ em qua bài viết: Khi nào trẻ được chẩn đoán cao huyết áp? Những dấu hiệu nhận biết cao huyết áp ở trẻ em.

7. Có thể chữa khỏi bệnh cao huyết áp không?

Không có cách chữa trị triệt để cho hầu hết các trường hợp cao huyết áp. Nhưng nó có thể được kiểm soát hiệu quả bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, kết hợp sử dụng thuốc.

Thay đổi lối sống bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh với lượng muối thấp hơn, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát căng thẳng, không hút thuốc, hạn chế uống rượu và uống thuốc theo chỉ dẫn.

8. Bệnh cao huyết áp thường sử dụng các loại thuốc điều trị nào?

Thuốc làm loãng máu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển là những loại thuốc phổ biến được sử dụng để giảm huyết áp. Việc lựa chọn thuốc thường được quyết định dựa trên tuổi của bệnh nhân.

cao huyết áp

Thuốc giúp giữ huyết áp ở mức ổn định và an toàn chứ không có tác dụng điều trị triệt để. (Ảnh Internet)

9. Tác dụng phụ của thuốc điều trị cao huyết áp là gì?

- Thuốc lợi tiểu: nhức đầu, suy nhược, nồng độ kali trong máu thấp.

- Thuốc ức chế men chuyển : ho khan và dai dẳng, nhức đầu, tiêu chảy, nồng độ kali trong máu cao.

- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin: mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất xỉu, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nồng độ kali trong máu cao.

- Thuốc chẹn kênh canxi: chóng mặt, rối loạn nhịp tim, mắt cá chân sưng, táo bón.

- Thuốc chẹn beta: chóng mặt hoặc choáng váng, giảm khả năng tình dục, buồn ngủ, mệt mỏi, nhịp tim thấp.

- Alpha-blockers: chóng mặt, đau đầu, đập nhịp tim, buồn nôn, suy nhược, tăng cân.

10. Khi nào tôi cần đi gặp bác sĩ?

Bệnh nhân huyết áp cao cần tham gia đầy đủ các cuộc hẹn thăm khám định kỳ của bác sĩ để đánh giá kết quả điều trị và kiểm soát bệnh tốt hơn. Ngoài thăm khám định kỳ, bạn cần nói chuyện với bác sĩ của mình khi:

- Bạn không đáp ứng với phương pháp điều trị mà bác sĩ đã tư vấn. Huyết áp của bạn vẫn cao.

- Gặp các tác dụng phụ của thuốc. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể muốn điều chỉnh liều lượng của thuốc hoặc đặt cho bạn một loại thuốc khác.

- Gặp các triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu dữ dội, chảy máu cam, tê liệt các chi, tinh thần lơ mơ không tỉnh táo,...

11. Bệnh cao huyết áp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nào?

- Xơ vữa động mạch: Cao huyết áp gây căng thẳng và lực lên thành động mạch. Nó góp phần vào sự tích tụ của mảng bám, hoặc chất béo ở thành bên trong của mạch máu từ đó gây xơ vữa.

- Bệnh tim: Suy tim, bệnh thiếu máu cơ tim và bệnh cơ tim phì đại đều có liên quan với huyết áp cao.

- Bệnh thận: Tăng huyết áp có thể làm hỏng các mạch máu và bộ lọc trong thận. Do đó thận không thể bài tiết chất thải đúng cách.

- Đột quỵ: Tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ. Do nó góp phần vào quá trình xơ vữa động mạch có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Hoặc do làm suy yếu thành mạch máu và khiến nó bị vỡ.

- Bệnh về mắt: Tăng huyết áp có thể làm hỏng các mạch máu rất nhỏ trong võng mạc gây ảnh hưởng đến thị lực

12. Tôi nên theo chế độ ăn nào nếu bị cao huyết áp?

Huyết áp cao có thể được hạ thấp bằng cách tuân theo chế độ ăn kiêng DASH. DASH là tên viết tắt của Phương pháp Ăn kiêng Giúp Ngừng Tăng huyết áp. Kế hoạch ăn kiêng bao gồm những điều sau đây:

- Nhiều trái cây và rau hơn (4 đến 5 phần ăn mỗi ngày).

- Các sản phẩm từ sữa ít béo (2 đến 3 khẩu phần mỗi ngày) như sữa 1% chất béo hoặc sữa tách kem.

- Giảm thực phẩm giàu chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa.

- Cắt giảm đồ ngọt (ít hơn 3 món mỗi tuần).

- Tiêu thụ thịt gia cầm, cá có thể được duy trì ở mức 6 phần mỗi tuần.

- Thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt (6 đến 8 phần ăn mỗi ngày).

- Hạn chế natri cao, đồ uống có đường và thịt đỏ (có thể cắt giảm natri xuống 1500mg mỗi ngày).

- Uống tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày.

Nguồn dịch tham khảo: https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/hypertension-frequently-asked-questions#1


Tác giả: Mai Nhung