Tổng hợp các cách giảm đau thoát vị đĩa đệm

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tổng hợp các cách giảm đau thoát vị đĩa đệm
Cảm giác đau nhức, khó chịu do thoát vị đĩa đệm gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của bạn. Cùng với kiên trì điều trị, hãy tìm hiểu ngay 4 cách giảm đau thoát vị đĩa đệm đơn giản đem lại hiệu quả bất ngờ sau đây!

1. Cách giảm đau thoát vị đĩa đệm bằng tập luyện

Thường xuyên tập luyện các bài tập đặc trưng cho cơ, xương, khớp là cách giảm đau thoát vị đĩa đệm rất hiệu quả. Với căn bệnh này, bạn không thể chỉ dựa vào việc uống thuốc mà khỏi hoàn toàn được. Việc chữa trị đòi hỏi thời gian lâu dài cùng với chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động hợp lý. Vì vậy, chăm chỉ áp dụng một số bài tập sau đây sẽ giúp người bệnh cảm thấy đỡ đau nhức, cơ thể dễ chịu và thoải mái hơn:

- Đối với người bệnh thoát vị đĩa đệm nói chung: hãy cố gắng dành ra 10 - 15' mỗi ngày để thực hiện việc xoay các khớp tay, khớp chân giúp làm ấm người nhanh, tăng tuần hoàn máu trong cơ thể. Đồng thời, người bệnh cũng có thể thực hiện động tác xoa, vuốt lên - xuống trên da để tăng nhiệt, kích thích lưu thông máu.

- Đối với những người bị thoát vị đĩa đệm cổ: Ngồi với tư thế thẳng lưng, thả lỏng cơ thể, nhất là phần đầu cổ. Cúi đầu về phía trước sao cho cằm chạm tới ngực và để nguyên trong vòng 5s sau đó từ từ quay trở lại vị trí ban đầu. Thực hiện tương tự với 2 bên trái - phải.

- Đối với những người bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng: nằm sấp trên 1 mặt phẳng (nếu có thảm tập là tốt nhất), duỗi thoải mái 2 chân, 2 tay dọc theo thân người. Nhẹ nhàng nâng đầu và 2 bên vai lên, giữ nguyên khoảng 5 - 10s và đưa trở lại tư thế ban đầu. Động tác này nên thực hiện khoảng 10 - 15 lần liên tục.

Cách giảm đau thoát vị đĩa đệm bằng việc tập luyện này rất hiệu quả với những người mới bị bệnh, thậm chí có thể điều trị khỏi bằng việc chăm chỉ luyện tập mà không cần dùng thuốc.

2. Ngâm chân giúp giảm đau thoát vị đĩa đệm hiệu quả

Các chuyên gia xương khớp đều khuyến cáo người bệnh thoát vị đĩa đệm dù ở dạng thoát vị cổ, thoát vị lưng… đều nên thực hiện việc ngâm chân với nước ấm đều đặn trước khi đi ngủ. Chỉ cần dành ra 15 - 20' ngâm chân trước khi đi ngủ sẽ giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết tốt hơn, hỗ trợ thải độc tố ra ngoài cơ thể, giảm cảm giác đau nhức khó chịu và đặc biệt người bệnh sẽ có giấc ngủ ngon.

Nước ngâm chân không nên để quá nóng, chỉ cần khoảng 42 - 45 độ C để tránh gây bỏng. Nước ngâm chân nên có thêm muối hòa tan hoặc nếu có nhiều thời gian hơn, người bệnh có thể kết hợp với các loại dược liệu đơn giản như gừng đập dập, lá ngải cứu, lá lốt… sẽ càng tăng hiệu quả giảm đau, lưu thông khí huyết.

3. Cách giảm đau thoát vị đĩa đệm bằng chườm ấm

Tại các vị trí đau nhức do bệnh thoát vị đĩa đệm gây ra, bạn có thể thực hiện việc chườm ấm để giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn. Việc làm tăng nhiệt độ tức thời sẽ giúp kích thích lưu thông khí huyết, thư giãn co thắt và làm giảm cảm giác đau. 

Cách giảm đau thoát vị đĩa đệm này hiệu quả nhất khi thực hiện mỗi ngày 2 lần vào sáng sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.

Cách chườm ấm tốt nhất cho người bị bệnh thoát vị đĩa đệm là sử dụng túi chườm nước hoặc muối và ngải cứu. Nếu sử dụng túi chườm nước, bạn cần đảm bảo rằng túi chườm được bọc kín và không bị rò rỉ nước ra ngoài. 

Một số túi chườm có cắm điện nếu bị rò rỉ nước sẽ rất nguy hiểm. Nếu có thời gian, bạn cũng nên tự làm túi chườm muối và ngải cứu rang để chườm lên vị trí đau. Hơi nóng và mùi hương ngải cứu sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ đau và dễ chịu hơn nhiều.

4. Cách giảm đau thoát vị đĩa đệm bằng thuốc

Mặc dù biện pháp này được khá nhiều người lựa chọn nhờ mang lại hiệu quả giảm đau tức thời và rất đơn giản. Nhưng các bác sĩ đều khuyến cáo sử dụng thuốc giảm đau không phải là 1 cách điều trị thoát vị đĩa đệm cổ, thoát vị đĩa đệm thắt lưng hiệu quả và việc sử dụng thuốc sẽ gây ra những tác dụng phụ rất lớn. 

Chỉ nên dùng cách giảm đau thoát vị đĩa đệm bằng thuốc này trong trường hợp bất khả kháng, cảm giác đau đớn dữ dội khiến bạn không thể chịu nổi. Một số loại thuốc giảm đau thường được sử dụng cho người bệnh thoát vị đĩa đệm như:

- Thuốc giảm đau paracetamol

- Thuốc giảm đau thần kinh: tramadon, codein, neurontin, propoxyphen

- Thuốc kháng viêm (không chứa steroi): moloxicam, diclofenac…

- Thuốc chứa corticoid: dexamethazol

Trên đây là 4 cách giảm đau thoát vị đĩa đệm đơn giản mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện được. Hi vọng rằng người bệnh sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích và lựa chọn được phương pháp giảm đau phù hợp nhất.


Tác giả: hoangtrang