Tổng hợp các biện pháp phòng tránh muỗi sốt xuất huyết hiệu quả nhất

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tổng hợp các biện pháp phòng tránh muỗi sốt xuất huyết hiệu quả nhất
Muỗi sốt xuất huyết chính là tác nhân quan trọng làm cho căn bệnh này nhanh chóng lây lan thành dịch mỗi mùa mưa ẩm hàng năm. Để phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, tốt nhất hãy giữ cho bản thân và những người xung quanh tránh xa khỏi loài muỗi gây sốt xuất huyết này!

Muỗi sốt xuất huyết có tên khoa học là muỗi aedes aegypti và aedes albopictus, trong đó muỗi aedes aegypti là chủ yếu có đặc trưng về hình dáng là những vệt vằn đen - trắng xen kẽ trên thân mình. 

Loài muỗi này không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh sốt xuất huyết nhưng nó đóng vai trò là vec-tơ truyền bệnh. Chúng đốt và hút máu người bị sốt xuất huyết, mang trong mình virus dengue sau đó tiếp tục hút người tiếp theo và truyền virus gây bệnh sang người đó. 

Như vậy, phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết và loại bỏ nơi cư trú của loài muỗi này là biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất.

1. Phòng tránh muỗi sốt xuất huyết bằng cách loại bỏ nơi cư trú của chúng

Muỗi sốt xuất huyết có đặc điểm nổi bật là ưa sống ở những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng nên chúng ta có thể dễ dàng phát hiện ra nơi cư trú của chúng trong nhà và môi trường xung quanh nhà ở. 

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trưởng thành thường đẻ trứng ở bất kỳ dụng cụ chứa nước nào có thể tích trữ nước đến 7 ngày đều có thể là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Những dụng cụ chứa nước như: chum vại, bể, chai lọ, vỏ dừa, lốp ô tô cũ, phuy chứa nước, dụng cụ chứa nước bằng nhựa, bát kê chân tủ đựng thức ăn trong bếp, bể chứa nước trong nhà tắm, bể chứa nước không có nắp đậy, giếng nước cạn, khay nước của tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, lọ hoa ở trong nhà, dụng cụ chứa nước quanh nhà những nơi râm mát.

Để loại bỏ nơi cư trú của muỗi sốt xuất huyết, mỗi người chúng ta nên thực hiện ngay từ quy mô gia đình mình, nhanh chóng phát hiện những nơi muỗi có thể cư trú và loại bỏ nó, cụ thể như:

- Đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước, không cho muỗi vào đẻ trứng: bể nước, giếng nước, chum vại.

- Dọn dẹp trong và xung quanh nhà, thu gom và vứt bỏ các vật dụng bỏ không có thể tích nước làm nơi sinh sản cho muỗi: lốp ô tô, xe máy, bát vỡ, vỏ chai lọ, ống bơ, bẹ lá, hốc tre…

- Các vật dụng gia đình dùng để chứa nước như: ca nhựa, chậu, xô… cần được lật úp không để tích nước khi không dùng đến.

- Kiểm tra các ngóc ngách trong phòng ngủ, phòng bếp, nếu phát hiện có ổ muỗi cần diệt trừ ngay.

- Thường xuyên thay nước bình hoa, nếu sử dụng bát kê chân tủ, chạn thì cần thay nước bằng dầu hoặc muối.

- Phát quang bụi rậm xung quanh nhà, vệ sinh sạch sẽ nơi ở để phòng tránh muỗi sốt xuất huyết.

2. Biện pháp phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân chủ động phun thuốc muỗi sốt xuất huyết tất cả các tầng trong nhà, nếu chỉ phun tầng 1-2, các tầng cao không phun thì không có tác dụng vì muỗi có thể sống trên tầng cao.

Ngoài ra, khi phun thuốc diệt muỗi sốt xuất huyết thì phải phun tất cả hộ trong khu, nếu chỉ một nhà phun thì muỗi có thể bay từ nhà này sang nhà khác. Khi phun thuốc, về nguyên tắc phải đóng hết cả các cửa sổ, chỉ để cửa cho người vào phun, sau 30 phút đến một tiếng mới vào nhà.  

Cha mẹ cũng có thể sử dụng các sản phẩm chống muỗi cho bé. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, phụ huynh nên kiểm tra độ an toàn khi lựa chọn, hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa hóa chất hoặc chất diệt côn trùng, nhất là với loại thoa trực tiếp trên da bé, ưu tiên chiết xuất từ thiên nhiên.

Trước khi đi ngủ, nên kiểm tra phòng ngủ và dùng vợt muỗi kiểm tiêu diệt muỗi nếu có xuất hiện trong phòng ngủ, trong màn. Nếu gia đình có người bị sốt xuất huyết thì cần bố trí cách ly hoặc cho nằm trong màn, tránh muỗi đốt để hạn chế lây lan bệnh cho người khác.  


Tác giả: hoangtrang