Mới đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa tiếp nhận một bệnh nhân là nam, 51 tuổi bị ngộ độc khi uống rượu ngâm củ ấu tàu. Khi tới viện, bệnh nhân ở trạng thái lơ mơ, vật vã, toàn thân tím tái, môi lưỡi bị tê và rối loạn nhịp tim,...
Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân đã uống một chén rượu ngâm củ ấu tàu và chỉ 5 phút sau đã xuất hiện tình trạng co rút chân tay, vã mồ hôi rồi được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành đặt nội khí quản, rửa dạ dày và hỗ trợ thở máy, dùng thuốc,... giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Đây không phải là trường hợp duy nhất bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu. Trước đó cũng đã có rất nhiều bệnh nhân sử dụng và cũng bị ngộ độc, phải nhập viện ngay sau đó với những triệu chứng tương đồng như bệnh nhân kể trên.
Các bác sĩ cho biết, mặc dù củ ấu tàu hay còn được gọi là củ ấu tẩu, co ú tàu, thảo ô,... là rễ củ của cây Ô đầu và được xếp hàng vào hàng thuốc độc hạng A. Tuy nhiên, củ ấu tàu cũng được xếp hàng thứ 4 trogn "tứ đại danh dược" là sâm, nhung, quế, phụ nếu như được bào chế và sử dụng cẩn thận.
BSCKII. Nguyễn Văn Đào - Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ, trong, củ ấu tàu thường được ngâm rượu thuốc rồi dùng để xoa bóp giúp chữa trị các chứng đau, tê hay nhức mỏi. Nhưng trong củ ấu tàu lại chứa một thành phần cực độc là aconitin (chiếm tới 90%). Chất này có thể thấm nhanh qua da và niêm mạc của dạ dày, thành ruột rồi đi thẳng vào máu gây ra các triệu chứng ngộ độc. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời có thể gây tử vong!
Thực tế, trong Đông y, ấu tàu sau khi được tinh chế cẩn thận sẽ chỉ định sử dụng một liều lượng nhỏ. Khi vượt quá liều lượng sẽ gây ra ngộ độc aconitin. Theo ước tính, 1mg aconitin có thể gây ra ngộ độc nặng và từ 2 - 3mg aconitin có thể khiến một người trưởng thành tử vong!
Dấu hiệu nhận biết người bị ngộ độc của ấu tàu như sau:
- Bị tê lưỡi, chảy nước dãi
- Tức ngực, hoa mắt chóng mặt kèm theo đổ mồ hôi liên tục
- Nói bị khó khăn
- Ngón chân, ngón tay bị tê rồi lạnh buốt. Có trường hợp không đứng được, bị khuỵu xuống
- Rối loạn nhịp tim, suy hô hấp
- Khi xét nghiệm máu sẽ cho kết quả bị rối loạn điện giải, chỉ số Kali, Canxi, chức năng gan, chức năng thận bị suy giảm.
Nếu phát hiện có người bị ngộ độc củ ấu tàu thì cần nhanh chóng gây nôn khi người bệnh còn đang tỉnh táo rồi ngay lập tức di chuyển tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý tiếp.
Lưu ý, tuyệt đối không được để người bị ngộ độc ở nhà rồi tự theo dõi hay áp dụng các biện pháp xử lý ngộ độc theo phương pháp dân gian do có thể khiến người bệnh nhanh chóng bị suy hô hấp và tử vong.
"Vì củ ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong; Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng", BSCKII Đào Ngọc Việt, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang chia sẻ.
Tóm lại:
- Người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng củ ấu tàu, rượu ngâm hay dùng để nấu cháo nếu như không biết cách sử dụng tiêu chuẩn.
- Không sử dụng các bài thuốc có củ ấu tàu lên các vết thương hở.
- Không dùng cho người đang ở trạng thái dương thịnh âm hư hay phụ nữ có thai.
- Các chế phẩm từ củ ấu tàu nếu được thầy thuốc kê thì cần phải sử dụng đúng chỉ định, không nên vội vã mà dùng quá liều.
- Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu vì sẽ gây ra ngộ độc. Những loại rượu ngâm củ ấu tàu chỉ được dùng để xoa bóp, cần dán nhãn chú thích rõ ràng, tránh gây nhầm lẫn và để xa tầm tay của trẻ em.
- Thực hiện biện pháp tuyên truyền giáo dục tới người dân các vùng miền có thói quen ngâm rượu từ rễ cây, củ,.. nhất là ở vùng sâu vùng xa để hiểu về tác hại khi sử dụng không đúng cách.