Tìm hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Tìm hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Trong chẩn đoán COPD, việc thực hiện các xét nghiệm cần thiết là vô cùng quan trọng. Kết quả thu được từ các xét nghiệm chẩn đoán COPD như đo phế dung, X-Quang, xét nghiệm máu,... là cơ sở những thông tin mang tính khách quan giúp bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Trong chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thì ngoài các nguồn thông tin đến từ tiền sử y tế (hút thuốc, sống trong môi trường ô nhiễm) hay các triệu chứng lâm sàng (ho khạc kéo dài, khó thở),... thì kết quả của các xét nghiệm chẩn đoán COPD cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực hiện đúng, đầy đủ và phân tích kỹ lưỡng các xét nghiệm sẽ giúp khẳng định chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và tiên lượng bệnh chính xác hơn.

1. Đo phế dung

Đo phế dung là xét nghiệm chẩn đoán COPD có ý nghĩa đặc biệt, được sử dụng như một trong các dữ liệu quan trọng nhất nhằm chẩn đoán xác định COPD.

Người bệnh sẽ được thực hiện bài xét nghiệm bằng cách hít vào và thở ra thông qua một chiếc ống được gắn với máy đo chuyên dụng. Lưu lượng khí mà bệnh nhân hít vào, thở ra sẽ được ghi lại cho ra kết quả của phép đo. Bài kiểm tra này cho phép đánh giá mức độ dòng khí lưu thông thông qua các đường dẫn khí trong phổi của người bệnh đang diễn ra như thế nào.

Thông qua đo phế dung, các bác sĩ còn có thể đánh giá được cả tình trạng rối loạn thông khí ở mức độ nhẹ khi chúng mới bắt đầu xuất hiện nhưng chưa đủ để chẩn đoán COPD. Điều này giúp bệnh nhân có thể được can thiệp sớm nhằm tránh tiến triển đến COPD.

Các thông số quan tâm nhất khi thực hiện đo phế dung cho bệnh nhân COPD bao gồm:

- VC: Thể tích khí hít vào và thở ra hết sức.

- FVC: Thể tích hít và, thở ra nhanh, mạnh và hết sức. Ở một người bình thường, chỉ số FVC sẽ có giá trị bằng VC.

- FEV1: Là chỉ số thể tích khí thở ra tối đa trong giây đầu tiên sau khi đã hít vào hết sức.

Phân độ bệnh COPD theo kết quả đo phế dung (theo Global Initiative for Chronic Obstructive Lung Disease - GOLD)

- Mức độ 1: FEV1/FVC < 70% và FEV1 > 80% trị số lý thuyết.

- Mức độ 2: FEV1/FVC < 70% và 50% < FEV1 < 80% trị số lý thuyết.

- Mức độ 3: FEV1/FVC < 70% và 30% < FEV1 < 50% trị số lý thuyết.

- Mức độ 4: FEV1/FVC < 70% và FEV1 < 30% trị số lý thuyết.

Tìm hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán COPD - Ảnh 1.

Đo phế dung là xét nghiệm chẩn đoán COPD đặc biệt có ý nghĩa (Ảnh: Internet)

2. Bài kiểm tra đáp ứng với thuốc giãn phế quản

Tuy rằng, đo phế dung là xét nghiệm chẩn đoán COPD rất chính xác, tuy nhiên cũng có nhiều căn bệnh khác nhau có thể gây nên tình trạng rối loạn chức năng thông khí phổi. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm thành COPD.

>> Các bệnh lý đường hô hấp dễ bị nhầm lẫn với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Chính vì vậy, nhu cầu đặt ra là phải có một xét nghiệm, bài kiểm tra nào đó nhằm chẩn đoán phân biệt giữa COPD và các bệnh lý tương tự cũng gây nên rối loạn thông khí phổi trên kết quả đo phế dung, đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân bị hen phế quản không điển hình. Và xét nghiệm chẩn đoán COPD đó chính là bài kiểm tra với thuốc giãn phế quản.

Người bệnh sẽ được cho thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COPD đo phế dung khi chưa sử dụng thuốc giãn phế quản, ghi nhận kết quả này. Sau đó sử dụng thuốc giãn phế quản dạng hít (400mcg salbutamol) và nghỉ ngơi trong vòng 15 phút trước khi đo lại.

Nếu kết quả cho thấy rằng chỉ số FEV1 tăng >200ml hoặc >12% so với lần đo đầu tiên khi chưa sử dụng thuốc giãn phế quản thì là kiểm tra dương tinh (+), bệnh nhân bị rối loạn thông khí không phải do COPD. Nhưng nếu FEV1 tăng <10% hoặc <200ml thì có nghĩa là kiểm tra (-), thường gặp trong COPD.

Tìm hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán COPD - Ảnh 2.

Kiểm tra đáp ứng thuốc giãn phế quản là xét nghiệm chẩn đoán COPD với các bệnh khác, đặc biệt là hen phế quản (Ảnh: Internet)

3. Xét nghiệm máu

Mặc dù xét nghiệm máu không phải là xét nghiệm chẩn đoán COPD một cách trực tiếp, tuy nhiên nó lại được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều trị COPD. Các nội dung xét nghiệm máu thường được chỉ định để chẩn đoán COPD bao gồm xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm khí máu động mạch và xét nghiệm alpha 1-antitrypsin.

Tìm hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán COPD - Ảnh 3.

Xét nghiệm máu cũng là một xét nghiệm chẩn đoán COPD thường xuyên được sử dụng (Ảnh: Internet)

>> Tìm hiểu thêm về xét nghiệm máu trong chẩn đoán COPD

3.1. Xét nghiệm công thức máu

Trong xét nghiệm công thức máu, các bác sĩ thường sẽ quan tâm nhiều đến các chỉ số về bạch cầu trong máu của người bệnh. Điều này là bởi đôi khi các bệnh lý đường hô hấp do tình trạng nhiễm trùng gây nên cũng có thể có các biểu hiện như ho khạc kéo dài hay khó thở vì vậy nhu cầu cần đặt ra là phải chẩn đoán phân biệt.

Ngoài ra, nhiễm trùng đường hô hấp là nguyên nhân hàng đầu đưa bệnh nhân COPD vào đợt cấp của bệnh, và tình trạng nhiễm trùng này có thể được thể hiện ra ngoài thông qua số lượng bạch cầu và sự thay đổi của các thành phần bạch cầu:

Các chỉ số về bạch cầu thường được quan tâm bao gồm:

- Số lượng bạch cầu (WBC): Giá trị bình thường khoảng 4-10G/L. Trong nhiễm trùng, số lượng bạch cầu thường tăng cao >10 G/L. Tuy nhiên cũng có khi bệnh nhân bị nhiễm trùng nhưng số lượng bạch cầu giảm chỉ còn dưới 4 G/L.

- Tỷ lệ bạch cầu trung tính (%NEU): Bình thường, tỷ lệ bạch cầu trung tính trong máu có khoảng giá trị từ 60-66%. Khi tỷ lệ này tăng lên, nó có thể là biểu hiện của một tình trạng nhiễm khuẩn đang xảy ra.

- Tỷ lệ bạch cầu lympho (%LYM): Tỷ lệ bạch cầu lympho có giá trị từ 20-25%, và thường tăng trong nhiễm virus, lao.

- Tỷ lệ bạch cầu MONO (%MONO): Tỷ lệ bạch cầu mono có giá trị bình thường từ 2-2,5%, thường tăng trong các bệnh nhiễm trùng mãn tính.

- Tỷ lệ bạch cầu ưa acid (%EOS): Tỷ lệ loại bạch cầu này thường tăng cao trong các bệnh lý nhiễm ký sinh trùng và các bệnh có cơ chế dị ứng như hen phế quản,...

Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện thêm các thông số khác về hồng cầu, hàm lượng huyết sắc tố, số lượng tiểu cầu,... để có cái nhìn cụ thể và toàn diện nhất về người bệnh.

3.2. Xét nghiệm khí máu động mạch

Một xét nghiệm chẩn đoán COPD khác cần được nhắc đến là xét nghiệm khí máu động mạch. Xét nghiệm này cho phép đánh giá mức độ suy hô hấp của bệnh nhân, từ đó hỗ trợ đưa ra quyết định sử dụng oxi liệu pháp một cách kịp thời. Do đó, nó đặc biệt có ý nghĩa trong đợt diễn tiến cấp tính của bệnh.

Máu từ trong động mạch của bệnh nhân sẽ được lấy bằng một bơm tiêm đã có sẵn thuốc chống đông (hay được tráng bằng heparin), rồi đưa đến phòng xét nghiệm nhằm đánh giá các thành phần khí trong máu và một số thông số khác.

Các chỉ số trên kết quả xét nghiệm khí máu động mạch bao gồm:

- pH máu: Bình thường có giá trị từ 7,35 - 7,45. Khi nhỏ hơn 7,35 thì có tình trạng nhiễm toan, khi lớn hơn 7,45 thì có tình trạng nhiễm kiềm. Trong COPD hay gặp pH <7,35 do ứ khí CO2.

- PaO2: Bình thường PaO2 có giá trị 80 - 100 mmHg. Trong COPD, chỉ số này thường giảm. Khi PaO2 dưới 60mmHg thì là bệnh nhân có suy hô hấp.

- PaCO2: Có giá trị bình thường từ 35-45 mmHg. Trong COPD, giá trị này thường tăng.

- HCO3- : Giá trị bình thường khoảng từ 22-26 mmol/l. Trong COPD, giá trị này có thể tăng do thận bù trừ để đáp ứng lại với tình trạng nhiễm toan hô hấp do ứ khí CO2.

3.3. Xét nghiệm định lượng alpha 1-antitrypsin

Xét nghiệm định lượng alpha 1-antitrypsin không phải là một xét nghiệm được sử dụng quá nhiều trên thực tế, nó chỉ được chỉ định cho các bệnh nhân nghi ngờ mắc COPD do các bệnh lý di truyền như bệnh nhân COPD có bệnh khởi phát sớm, mức độ bệnh nặng, bệnh tiến triển nhanh chóng, người bệnh không có tiền sử sử dụng thuốc lá hay sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm lâu ngày, có kèm theo mắc bệnh xơ gan,...

Trị số bình thường của alpha 1-antitrypsin trong máu khoảng 16,6 – 36,8 µmol/L hay 90 – 200 mg/dL. Nếu bệnh nhân bị bất thường sản xuất alpha 1-antitrypsin thì kết quả thu được sẽ có thể giảm dưới ngưỡng bình thường hoặc thậm chí hoàn toàn không có.

4. Khảo sát hình ảnh bằng X-Quang và CT-Scanner

Trong các xét nghiệm chẩn đoán COPD, những khảo sát hình ảnh học như X-Quang hay CT-Scanner cũng là những xét nghiệm rất thường được sử dụng để đánh giá hình thái của phổi và các bất thường nếu có. Tuy nhiên,

Các hình ảnh tổn thương thương trong bệnh COPD thường thấy trên phim X-Quang gồm:

- Hình ảnh hai phế trường giãn rộng và tăng sáng.

- Hình ảnh khoang liên sườn giãn rộng, các xương sườn nằm ngang.

- Hình ảnh kén khí hoặc cơ hoành hạ thấp, lõm hình đáy chén do bị đè ép.

- Bóng tim có thể nhỏ hoặc dài thõng xuống, gọi là bóng tim hình giọt nước.

- Có thể thấy vùng rốn phổi bẩn nếu có tình trạng viêm nhiễm xảy ra, tăng sinh mạch máu phổi.

Đối với những bệnh nhân mà tổn thương trên phim chụp Xquang không cho một kết quả rõ ràng, CT-Scanner có thể được chỉ định và những kết quả thường thấy bao gồm:

- Hình ảnh kén khí và sự phá hủy của các màng phế nang.

- Dày thành phế quản.

- Tăng sinh mạch máu phổi.

- Tiết diện tim nhỏ hơn.

Ngoài ra, chụp X-Quang và CT-Scaner cũng giúp ích cho việc chẩn đoán phân biệt COPD với các bệnh lý khác như suy tim, lao,...

Tìm hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán COPD - Ảnh 4.

Chụp X-Quang cũng là một xét nghiệm chẩn đoán COPD mà bệnh nhân cần thực hiện (Ảnh: Internet)

5. Xét nghiệm đờm (đàm)

Xét nghiệm đờm (đàm) không phải là một xét nghiệm chẩn đoán xác định COPD mà nó chủ yếu phục vụ cho chẩn đoán phân biệt COPD với các bệnh lý khác cũng như tìm kiếm nguyên nhân đưa bệnh nhân COPD vào đợt cấp.

Đờm thường được lấy vào buổi sáng để làm các xét nghiệm như nuôi cấy làm kháng sinh đồ nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn, xét nghiệm tìm tinh thể charcot leyden để phân biệt với hen phế quản.

Do đó, tùy thuộc vào mục đích xét nghiệm đờm là gì mà sẽ có các kết quả và cách đọc kết quả khác nhau.

6. Điệm tâm đồ

Điện tâm đồ mặc dù không phải là một xét nghiệm chẩn đoán COPD trực tiếp nhưng cũng được dùng rất thường xuyên trên thực tế. Bởi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể làm tăng áp lực ở hệ mạch máu phổi, gây các ảnh hưởng thứ cấp trên tim. Lâu dần sẽ gây nên các tổn thương tại tim, tình trạng này còn được gọi là tâm phế mãn.

Tổn thương tại tim do COPD có thể được biểu hiện trên điện tâm đồ như sau:

- Trục tim lệch phải

- Sóng P phế

- Dày thất phải

- Chuyển sóng S thành dạng rS từ chuyển đạo V1 đến V3

Tìm hiểu ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán COPD - Ảnh 5.

Điện tâm đồ không phải là xét nghiệm chẩn đoán COPD trực tiếp nhưng có thể giúp đánh giá biến chứng của COPD lên tim (Ảnh: Internet)

Trên đây là sự giới thiệu cơ bản về một số xét nghiệm chẩn đoán COPD mà bệnh nhân có thể được thực hiện để chẩn đoán, đánh giá bệnh. Việc đọc và diễn giải các kết quả xét nghiệm chẩn đoán COPD cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo tính chính xác giúp ích cho chẩn đoán.

Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/copd/tests-diagnosis#spirometry


Tác giả: QN