Tìm hiểu về xạ trị ung thư gan: các phương pháp và tác dụng phụ

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tìm hiểu về xạ trị ung thư gan: các phương pháp và tác dụng phụ
Xạ trị ung thư gan là phương pháp sử dụng các tia năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Có nhiều loại xạ trị khác nhau. Các bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh và thể trạng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp xạ trị ung thư gan thích hợp

1. Các phương pháp xạ trị ung thư gan

1.1. Phương pháp xạ trị chùm tia ngoài

Xạ trị chùm tia chiếu ngoài tập trung bức xạ được truyền từ một nguồn bên ngoài cơ thể chiếu vào khối u ung thư. Phương pháp xạ trị ung thư gan này đôi khi được sử dụng để thu nhỏ khối u gan nhằm mục đích giảm các triệu chứng như giảm đau, nhưng nó không được sử dụng thường xuyên như các phương pháp điều trị tại chỗ khác như cắt bỏ hoặc thuyên tắc. 

Mặc dù các tế bào ung thư gan rất nhạy cảm với bức xạ, nhưng phương pháp xạ trị ung thư gan này không thể sử dụng liều bức xạ rất cao vì mô gan bình thường cũng dễ bị tổn thương do phóng xạ.

Trước khi bắt đầu thực hiện xạ trị chùm tia chiếu ngoài, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước để xác định chính xác các góc để nhắm chùm tia bức xạ và liều lượng bức xạ thích hợp vào khối u.

Điều trị xạ trị ung thư gan không gây đau đớn. Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài trong vài phút - 15 phút, mặc dù thời gian chuẩn bị thường mất nhiều thời gian hơn. 

Thông thường, phương pháp điều trị xạ trị ung thư gan được thực hiện 5 ngày một tuần trong vài tuần.

Với các kỹ thuật xạ trị ung thư gan mới hơn như xạ trị 3 chiều (3D-CRT), các bác sĩ có thể nhắm vào mục tiêu các khối u gan tốt hơn trong khi giảm bức xạ đến các mô khỏe mạnh gần đó. Điều này giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn và giảm tác dụng phụ.

Liệu pháp xạ trị định vị thân (SBRT)

Xạ trị định vị thân là một kỹ thuật cho phép tập trung liều cao vào khối u và giảm liều vào mô gan lành xung quanh, tang hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ cho bệnh nhân. Thời gian xạ trị bằng SBRT là ít hơn so với xạ trị chếu ngoài, thường được phân liều trong một vài ngày. Loại xạ trị này có thể áp dụng cho  bệnh nhân có khối u gan nhỏ đang chờ đợi để ghép gan.

1.2. Phương pháp tắc mạch xạ trị

Với phương pháp này, các khối u gan có thể được điều trị bằng cách tiêm các hạt nhựa chứa hoạt chất phóng xạ vào động mạch gan. Sau khi tiêm, các hạt này vừa có tác dụng ngăn chặn dòng máu nuôi u, lại vừa giải phóng hoạt chất phóng xạ vào khối u để tiêu diệt, điều lành sẽ tăng hiệu quả điều trị cũng như bảo vệ mô lành xung quanh.

2. Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị ung thư gan

Tác dụng phụ của xạ trị ngoài:

- Vị trí da nơi tia bức xạ đi vào cơ thể bị thay đổi, từ đỏ (như cháy nắng) đến phồng rộp và bong tróc. Vùng da xạ trị cũng có thể bị khô, ngứa, sẫm màu,...

- Buồn nôn và nôn.

- Miệng khó chịu, lở loét, đỏ viêm, có thể đau và chảy máu khiến việc ăn uống gặp nhiều khó khăn.

- Mệt mỏi.

- Thiếu máu.

- Rụng tóc.

Tác dụng phụ của xạ trị trong:

- Đau bụng.

- Sốt.

- Buồn nôn và nôn.

- Nhiễm trùng gan.

- Viêm túi mật.

- Xuất hiện các cục máu đông trong các mạch máu chính của gan.

Các tác dụng phụ sẽ được cải thiện dần sau khi liệu trình xạ trị ung thư gan kết thúc. Thời gian kết thúc các triệu chứng tác dụng phụ phụ thuộc vào thể trạng bệnh nhân và mức độ xạ trị. Nếu các tác dụng phụ quá nghiêm trọng và gây khó khăn trong việc phục hồi, bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ. Tác dụng phụ có xu hướng nghiêm trọng hơn nếu kết hợp xạ trị ung thư gan và hóa trị.

Bài gốc: https://www.cancer.org/cancer/liver-cancer/treating/radiation-therapy.html


Tác giả: Mai Nhung