Tìm hiểu về vai trò của Kali khi mang thai

Tìm hiểu về vai trò của Kali khi mang thai
Khi mang thai, cơ thể bạn cần kali để hoạt động tốt nhất. Vai trò của Kali khi mang thai là cân bằng chất lỏng và chất điện giải, hỗ trợ trong việc truyền các xung thần kinh và giải phóng năng lượng từ carbohydrate, chất béo và protein. Kali thấp khi mang thai có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

1. Vai trò của Kali khi mang thai

Khi bạn mang thai, kích thước cơ thể của bạn tăng lên và sẽ cần thêm khoáng chất để chống lại tác dụng phụ của thai kỳ. Đây là lí do tại sao vai trò của kali khi mang thai càng trở lên quan trọng hơn:

- Giữ nước, sưng phù chân là vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Vai trò của Kali khi mang thai là cân bằng chất lỏng, giúp giảm bớt triệu chứng phù nề này.

- Thông thường, phụ nữ bị mất cân bằng điện giải khi mang thai. Điều này có thể khiến hệ thống miễn dịch của bạn trở nên yếu hơn. Kali sẽ giúp bạn đối phó với vấn đề này.

- Một trong những tác dụng phụ khó chịu nhất của thai kỳ đó là chuột rút. Nó khiến bà bầu đau đớn, khó chịu, hạn chế vận động và mất ngủ. Vấn đề này khá phổ biến trong khi mang thai và có thể được gây ra do mất cân bằng khoáng chất. Kali cùng với canxi và magiê rất quan trọng để tránh điều này.

- Khi mang thai, bạn sẽ cần nhiều năng lượng hơn. Kali giúp giải phóng năng lượng từ các chất dinh dưỡng quan trọng như chất béo, protein và carbohydrate để phục vụ nhu cầu của bà bầu.

- Cùng với natri, vai trò của kali khi mang thai là ổn định mức huyết áp của bạn, giúp bà bầu và thai nhi tránh được các biến chứng nghiêm trọng.

- Vai trò của kali khi mang thai là góp phần cấu tạo nên cơ bắp và tim thai, ngăn ngừa nguy cơ thai nhị bị bệnh tim bẩm sinh.

2. Thiếu kali khi mang thai

2.1. Nguyên nhân

- Do tình trạng nghén khiến bạn có chế độ ăn uống không cân bằng.

- Nôn mửa kéo dài do nghén cũng có thể làm giảm nồng độ kali trong cơ thể.

- Thể tích máu của bạn tăng lên gấp rưỡi khi mang thai, do đó bạn cần nhiều kali hơn để duy trì sự cân bằng hóa học và cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

2.2. Triệu chứng

Thiếu kali là nguyên nhân gây ra hầu hết các triệu chứng ốm nghén khi mang thai. Các triệu chứng phổ biến của thiếu kali khi mang thai là:

- Buồn nôn.

- Táo bón.

- Hay bị chuột rút, nhất là ở chân.

- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.

- Rối loạn nhịp tim.

- Khô da, tê và ngứa da.

- Huyết áp thấp.

- Đau đầu, chóng mặt, khó tập trung, lo âu,....

Ngay khi bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, hãy liên hệ với bác sĩ thai sản của bạn để xác định mức độ kali trong máu, từ đó có hướng điều trị chính xác.

2.3. Tác hại

- Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, hạ kali trong máu có thể dẫn đển sảy thai, thai lưu.

- Gây ra các vấn đề về tim của thai nhi.

- Gây mệt mỏi, tê bì tay chân, giữ nước, gây sưng phù và nhiều tác dụng phụ khác ở bà bầu.

Để khắc phục thiếu kali khi mang thai, bác sĩ có thể đề xuất cho bạn một chế độ ăn uống cân bằng, để phòng tránh tình trạng thiếu kali cũng như các khoáng chất khác. Bạn cần tăng lượng chất điện giải lên để duy trì vai trò của kali khi mang thai như cân bằng điện giải, điều hòa và làm tăng thể tích máu một cách tự nhiên.

Ngay khi được chẩn đoán bạn có mức kali thấp, bác sĩ vẫn có thể khuyến khích bạn dùng thực phẩm giàu kali để cải thiện tình trạng. Chỉ trong một số trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ cần tiêm kali đường tĩnh mạch để điều trị thiếu kali khi mang thai.

Kali là khoáng chất không thể thiếu với cơ thể con người. Vai trò của kali khi mang thai lại càng quan trọng hơn. May mắn là bạn hoàn toàn có thể bổ sung đủ kali chỉ qua chế độ ăn uống hàng ngày. Một số thực phẩm giàu kali bạn có thể tham khảo là: khoai lang, khoai tây, cà chua, củ cải đường, hạt đậu, măng tây, sữa chua, ngao, chuối, quả bơ,....


Tác giả: Mai Nhung