Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư hiếm gặp, chỉ chiếm 1-2% trong tất cả các loại ung thư nhưng lại là bệnh ung thư nội tiết phổ biến, đứng hàng thứ 9 trong các bệnh ung thư ở nữ giới. Khi mắc bệnh ung thư tuyến giáp, nhiều người vẫn lo sợ về mức độ tử vong của căn bệnh này. Tuy nhiên bệnh ung thư tuyến giáp lại có một đặc thù là được chia thành nhiều dạng, mỗi dạng lại có tiên lượng sống và cách điều trị khác nhau.
Căn bệnh ung thư tuyến giáp không có những biểu hiện rõ rệt, nó phát triển âm thầm và đa phần là nó chỉ được phát hiện qua các xét nghiệm, siêu âm hay là qua những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Dựa vào kết quả lâm sàng, ung thư tuyến giáp được chia thành 4 thể chính: Ung thư tuyến giáp thể nang, ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư tuyến giáp thể tủy và một số ít mắc ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
Những nhóm người cần tầm soát nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp
– Yếu tố gia đình: Trong gia đình có người bị ung thư tuyến giáp.
– Yếu tố phóng xạ: Sống ở vùng có phóng xạ.
– Tiếp xúc với xạ trị: Nếu trước kia đã từng bị ung thư và thực hiện xạ trị ở vùng cổ thì cũng có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp.
– Đã từng mắc ung thư vú: Nếu trước kia đã có tiền sử bệnh ung thư vú thì bác sĩ cũng sẽ khuyên người bệnh thực hiện siêu âm tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt, mặc dù phát hiện ở giai đoạn muộn, người bệnh vẫn có khả năng điều trị thành công. Ở giai đoạn cuối, tỉ lệ sống 5 năm của bệnh nhân là khoảng 28% – 51%.
Tiên lượng bệnh nhân ung thư tuyến giáp phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của bệnh nhân, tuổi tác, loại ung thư, kích thước khối u, vị trí di căn…Ung thư tuyến giáp càng di căn xa thì càng nguy hiểm.
Ung thư tuyến giáp thường di căn đến: các hạch bạch huyết, di căn hạch cổ, di căn xương, di căn phổi...Có trường hợp các khối u nguyên phát đã phát triển thành xương sống hoặc vào gần các mạch máu lớn trong cơ thể. Cuối cùng các khối ung thư di căn, lây lan, hình thành đến các cơ quan khác bất kì trên cơ thể, điển hình là xương, phổi…Giai đoạn ung thư tuyến giáp di căn thường gây khó khăn cho việc điều trị nhưng nếu bệnh nhân lạc quan và phối hợp điều trị tích cực, thời gian sống sẽ được kéo dài hơn
Nếu ung thư tuyến giáp di căn tại chỗ hoặc di căn sang các hạch ở cổ thì việc điều trị tương đối dễ dàng. Dạng di căn này có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật hoặc dùng iod phóng xạ. Hóa trị hay xạ trị chỉ là phương pháp kết hợp, không mang tính tiên quyết vì hiệu quả kém hơn, thường được dùng trước hoặc sau phẫu thuật để tăng cường khả năng loại bỏ khối u.
Ung thư tuyến giáp thường ít khi di căn xa nhưng khi đã có di căn xa thì vấn đề cũng cần xem xét cẩn trọng. Mặc dù phẫu thuật và điều trị I-131 là hai phương pháp chính nhưng những phương pháp này cũng có khi không hiệu quả. Hiện khoa học đang nghiên cứu và bước đầu ứng dụng phương pháp điều trị trúng đích.
Một số trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp di căn không đáp ứng với các phương pháp điều trị trên, các bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc giảm nhẹ, giảm đau và giảm tốc độ nhân chia của các tế bào ung thư, giúp người bệnh có một cuộc sống tốt hơn.
Đối với bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp, cần tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ, tích cực và lạc quan, kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh để tăng cường sức đề kháng, chống lại sự tiến triển của tế bào ác tính.