Thuốc kháng acid là những thuốc có tính base khi sử dụng có khả năng tạo phản ứng trung hòa với acid trong dịch vị dạ dày, nâng cao pH trong dạ dày lên gần 4 từ đó làm giảm nhẹ các triệu chứng biểu hiện của bệnh. Thuốc chỉ tác động lên acid dịch vị đã được bài tiết vào lòng dạ dày mà không hề tác động lên sự bài tiết acid của cơ thể.
Thuốc kháng acid khi sử dụng làm thuốc điều trị viêm dạ dày có khả năng đem lại hiệu quả rất nhanh chóng sau khi uống. Nhưng hiệu quả của các loại thuốc kháng acid này lại không thể duy trì trong thời gian dài. Trong điều kiện dạ dày rỗng thuốc chỉ ở lại trong dạ dày trong khoảng 30 phút, nếu dạ dày chứa nhiều thức ăn thì thời gian tồn tại của thuốc có thể nâng cao những cũng thường không duy trì quá 2 tiếng.
Hiện nay, trên thực tế lâm sàng người ta thường sử dụng chia các thuốc kháng acid thành 2 nhóm chính là các thuốc kháng acid có tác dụng toàn thân (chứa gốc HCO3- hoặc gốc CO32- ) và các thuốc kháng acid có tác dụng tại chỗ (thường là base của các kim loại như nhôm, magie). Trong đó, thuốc kháng acid tác dụng tại chỗ thường được sử dụng phổ biến hơn do dễ kiểm soát tác dụng của thuốc và ít ảnh hưởng toàn thân.
Thuốc điều trị viêm dạ dày nhóm kháng acid có thể được bào chế dưới dạng gel, bột, cốm hoặc hỗn dịch uống tùy loại.
Tùy thuộc vào việc bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị viêm dạ dày nhóm kháng acid là loại có tác dụng toàn thân hay tại chỗ mà có thể có các nguy cơ tác dụng phụ khác nhau.
- Các thuốc kháng acid có tác dụng toàn thân: Những thuốc kháng acid có tác dụng toàn thân khi sử dụng sẽ giải phóng khí CO2 nên có khả năng gây căng dạ dày, khiến dạ dày dễ xuất huyết hoặc thủng, gây base máu, tích tụ Natri gây phù hoặc làm tăng Canxi huyết,...
- Các thuốc kháng acid có tác dụng tại chỗ: Tác dụng phụ của các thuốc kháng acid tác dụng tại chỗ nhìn chung ít hơn so với các thuốc tác dụng toàn thân và chủ yếu biểu hiện trên đường tiêu hóa của bệnh nhân. Những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc bao gồm táo bón, làm giảm hấp thu các thuốc khác, nhuyễn xương, giảm nhu động ruột,...
- Sử dụng thuốc đúng cách: Thuốc kháng acid cho tác dụng tốt nhất khi sử dụng sau bữa ăn từ 1-3h hoặc trước khi ngủ, tránh sử dụng thuốc ngay lập tức trước hoặc sau khi ăn. Do thời gian tác dụng của thuốc khá ngắn, vì thế bệnh nhân có thể sử dụng thuốc từ 3-4 lần ngày, tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc để tránh gây tác dụng phụ.
- Tránh sử dụng chung với các thuốc khác: Bệnh nhân thường được khuyên không nên sử dụng thuốc điều trị viêm dạ dày nhóm kháng acid cùng lúc với các loại thuốc khác. Bởi thuốc có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc khác nhau và làm tăng pH dạ dày do đó làm ảnh hưởng đến sự hấp thu các loại thuốc sử dụng kèm.
- Kết hợp với điều trị nguyên nhân gây bệnh: Việc sử dụng thuốc điều trị viêm dạ dày nhóm kháng acid chỉ có tác dụng điều trị các triệu chứng của bệnh mà không thể giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Do đó, bên cạnh việc sử dụng thuốc điều trị viêm dạ dày nhóm kháng acid, bệnh nhân cần phải được phối hợp với các điều trị nguyên nhân bệnh như diệt vi khuẩn H.pylori, tránh căng thẳng, ngưng uống rượu,...
Trên đây là những kiến thức sơ lược về thuốc điều trị viêm dạ dày nhóm kháng acid mà bệnh nhân nên biết. Người bệnh nên sử dụng thuốc dưới sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất.