Tìm hiểu về tái tạo thực quản sau phẫu thuật ung thư thực quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu về tái tạo thực quản sau phẫu thuật ung thư thực quản
Các phương pháp tái tạo thực quản thường sẽ được chỉ định sau phẫu thuật ung thư thực quản. Phẫu thuật tái tạo thực quản có vai trò quan trọng trong việc khôi phục chức năng của thực quản.

Phẫu thuật tái tạo thực quản có vai trò quan trọng trong việc khôi phục chức năng của thực quản. Ruột non, đại tràng và dạ dày là những bộ phận thường được sử dụng để tạo hình thực quản mới.

1. Các phương pháp tái tạo thực quản sau phẫu thuật ung thư thực quản

Phẫu thuật là phương pháp được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh ung thư thực quản. Phẫu thuật ung thư thực quản giúp loại bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản bị ảnh hưởng bởi tế bào ung thư. 

Sau phẫu thuật ung thư thực quản, bệnh nhân phải trải qua một ca phẫu thuật khác nhằm tái tạo thực quản. Thực quản mới của người bệnh có thể được tái tạo từ các bộ phận: ruột non, đại tràng và dạ dày.

Trong nhiều trường hợp, một phần ruột non của người bệnh có thể được dùng để thay thế thực quản. Phần ruột non này sẽ tạo ra một sự kết nối giữa miệng và dạ dày của người bệnh. Kỹ thuật vi phẫu mạch máu sẽ đảm bảo đủ lượng máu được cung cấp cho đoạn ruột vừa được cấy ghép.

Một ống thực quản giả có thể được hình thành bằng chính đại tràng của người bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này không có tác dụng điều trị ung thư thực quản, bởi nó không loại bỏ được các khối u. Phẫu thuật tạo thực quản giả bằng đại tràng chỉ nhằm mục đích hỗ trợ bệnh nhân ăn uống bằng đường miệng.

Ngoài ra, thực quản của bệnh nhân phẫu thuật ung thư thực quản còn được tái tạo bằng dạ dày. Sau khi cắt bỏ thực quản và nạo vét hạch di căn các bác sĩ sẽ tiến hành tái tạo thực quản. Bác sĩ sẽ cuộn một đoạn nhỏ được lấy từ bờ cong lớn dạ dày để tạo hình thực quản. Tiếp đến, đoạn thực quản mới này sẽ được đặt vào vị trí của đoạn thực quản đã bị cắt bỏ.

Điều quan trọng nhất trong kỹ thuật này là làm thế nào để các mạch máu nối vào phải hoạt động. Bởi nếu chúng không hoạt động, nguy cơ hoại tử là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, đây là kỹ thuật đòi hỏi bác sĩ phải có thao tác phẫu thuật nhanh và chính xác.

2. Ưu điểm của các phương pháp tái tạo thực quản

Mỗi phương pháp phẫu thuật tái tạo thực quản sẽ có những ưu điểm riêng. Tuỳ vào tình trạng bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân ung thư thực quản phương pháp tái tạo phù hợp. Trong đó, ưu điểm của phương pháp tái tạo thực quản bằng một phần ruột non có thể kể đến:

- Phần ruột non được cấy ghép có thể dễ dàng tương thích với cơ thể người bệnh. Do đó, ống thực quản mới sẽ tránh được sự tấn công của hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh.

- Ruột non có kích thước tương tự với thực quản. Vì vậy, tái tạo thực quản bằng ruột non sau phẫu thuật có thể mang lại hiệu quả rất cao.

Tái tạo thực quản bằng dạ dày có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp còn lại. Cụ thể, phương pháp này giúp bệnh nhân ung thư thực quản phục hồi tốt chức năng và có thể ăn uống trở lại sau 7 ngày. Ngoài ra, tái tạo thực quản bằng dạ dày còn khắc phục nhược điểm của những phương pháp khác như:

- Tránh được nguy cơ hoại tử cao của phương pháp tái tạo thực quản bằng ruột non.

- Khắc phục hạn chế của phương pháp tái tạo thực quản bằng đại tràng như: ống đại tràng to và tuyến đại tràng hôi, không đảm bảo được chức năng cho thực quản

3. Kết quả sau phẫu thuật tái tạo thực quản

Tái tạo thực quản không chỉ giúp phục hồi chức năng thực quản mà còn giúp khôi phục chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ung thư thực quản sẽ được yêu cầu ăn uống thông qua ống cho ăn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, bệnh nhân hoàn toàn có thể ăn uống như bình thường. Tính thẩm mỹ và các chức năng như nếm hay nuốt thức ăn đều sẽ được khôi phục.

Tái tạo thực quản sau phẫu thuật ung thư thực quản là một kỹ thuật không hề đơn giản. Nó đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm phẫu thuật của các bác sĩ. Do đó, người bệnh cần chú ý lựa chọn những bệnh viện uy tín để thực hiện các kỹ thuật này.


Tác giả: Thùy Dung