Tìm hiểu về quy trình chẩn đoán bệnh đau lưng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Tìm hiểu về quy trình chẩn đoán bệnh đau lưng
Bệnh đau lưng thường được chẩn đoán thông qua rất nhiều bước khác nhau. Quá trình này sẽ giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp nhất với người bệnh.

Việc được điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh đau lưng phục hồi một cách tích cực. Để tìm ra phác đồ điều trị thích hợp, người bệnh phải trải qua quy trình chẩn đoán từ tổng quan đến chi tiết. Dưới đây là quy trình chẩn đoán bệnh đau lưng thường được áp dụng tại các cơ sở y tế uy tín.

1. Kiểm tra bệnh sử bệnh đau lưng

Kiểm tra bệnh sử là việc hỏi lại các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh mà người bệnh đã mắc phải. Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình điều trị bệnh đau lưng. Việc này có thể tiến hành bằng cách yêu cầu bệnh nhân thuật lại quá trình đau hoặc điền vào một bảng hỏi gồm các câu hỏi liên quan đến các triệu chứng đau. Việc trả lời các câu hỏi trong bệnh sử sẽ giúp bác sĩ xác định nguồn gốc của cơn đau.

Các câu hỏi trong bệnh sử của bệnh đau lưng thường xoay quanh các nội dung sau đây:

- Sự khởi đầu của cơn đau. Bệnh nhân đã từng có các cơn đau lưng tương tự trước đó hay chưa?

- Bệnh nhân cảm nhận được cơn đau ở các vị trí nào trên cơ thể? Mức độ đau ra sao? Cơn đau có lan ra những bộ phận khác hay không?

- Bệnh nhân có các chấn thương nào trong thời gian gần đây hay không?

- Gia đình bệnh nhân có tiền sử về bệnh đau lưng hay các bệnh về xương khớp hay không?

- Các triệu chứng kèm theo cơn đau lưng như: sốt, ho, bí tiểu, đau dạ dày…

- Bệnh nhân đã từng phẫu thuật hay có tiền sử về bệnh gì hay không?

- Bệnh nhân đã từng sử dụng các loại thuốc gì trước khi đến gặp bác sĩ?

2. Kiểm tra thể chất cơ bản

Sau khi kiểm tra bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành một số kiểm tra thể chất. Việc này giúp bác sĩ xác định được vị trí đau và kiểm tra sức mạnh cơ bắp của người bệnh. Các kiểm tra có thể được thực hiện ở nhiều vị trí như lưng, hông, đầu gối, gót chân…

Bác sĩ sẽ quan sát biểu hiện của người bệnh khi đi bằng gót chân, ngón chân và lòng bàn chân để theo dõi các dấu hiệu tổn thương thần kinh. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra phản ứng của bệnh nhân dưới tác dụng của búa phản xạ. Vị trí được kiểm tra thường là đầu gối và mắt cá chân.

Ngoài ra, người bệnh còn được yêu cầu nằm thẳng và thực hiện cử động với 2 chân. Ví dụ, việc nâng chân lên cao khi đang nằm có gây ra tình trạng đau lưng hay không. 

Bài kiểm tra nâng chân có thể được thực hiện khi có và không có sự trợ giúp của bác sĩ. Đây là bước giúp bác sĩ xác định được người bệnh có dấu hiệu của thần kinh toạ hay chưa. Đồng thời, bác sĩ sẽ ấn vào vùng đau để kết luận có tình trạng viêm xảy ra hay không.

3. Thực hiện các kiểm tra chuyên khoa cho người bệnh đau lưng

Để có được kết luận chính xác, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện các kiểm tra chuyên khoa. Thông thường, đối với bệnh đau lưng, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm về hình ảnh, máu hoặc nước tiểu. Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân. Phác đồ điều trị có thể là điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc thực hiện các phẫu thuật.

Bệnh nhân có thể được yêu cầu tiến hành các phương pháp xét nghiệm sau:

- Chụp X-quang: Đây là phương pháp giúp xác định các tổn thương liên quan đến xương khớp và cột sống.

- Chụp MRI hoặc CT scan: Phương pháp này có thể kết luận người bệnh có các tổn thương phần mềm hay không. Bởi các thiệt hại mô mềm như đĩa đềm bị thoát vị có thể gây ra cơn đau lưng.

- Đo điện cơ (EMG): Là kỹ thuật giúp xác định sức mạnh của cơ và các tế bào thần kinh vận động. Đo điện cơ EMG có tác dụng tìm ra các tế bào thần kinh và cơ bắp bị tổn thương.

Việc chẩn đoán kĩ càng sẽ giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị bệnh đau lưng phù hợp và có hiệu quả cao. Khi có các triệu chứng của bệnh, các bạn cần thăm khám ngay tại các bác sĩ chuyên khoa, tránh việc kéo dài lâu ngày dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác.


Tác giả: Thùy Dung